24/11/2024

Giá đang nóng, đừng tăng học phí!

Giá đang nóng, đừng tăng học phí!

Giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng” khi hầu hết nhu yếu phẩm đều tăng giá thì đề xuất tăng học phí của Sở GD-ĐT TP.HCM mới đây đã khiến nhiều phụ huynh tâm tư.

 

 

 

Giá đang nóng, đừng tăng học phí! - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Đình Châu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết hai con đang tuổi ăn học khi học phí tăng, với gia đình là gánh nặng trong chi tiêu – Ảnh: DUYÊN PHAN

Về mặt kinh tế – xã hội, theo nhiều chuyên gia, việc tăng học phí vào thời điểm mà phụ huynh cũng phải chi tiêu nhiều khoản khác như đồng phục, sách vở… vào dịp năm học mới cũng có thể gây sức ép lên lạm phát.

 

Có thể hoãn được không?

Ngồi tính toán về bài toán tiền trường, cô Mai – giáo viên một trường mầm non tư thục ở quận Bình Tân – cho biết đến nay cô và chồng mới đi làm được vài tháng, tổng thu nhập của cả nhà hiện là 12,5 triệu đồng/tháng.

Trong đó, với 2 con đang học lớp 5 và lớp 6 hiện tiền trường mỗi tháng là 3.325.000 đồng. “Đó là năm nay con tôi được miễn học phí chính khóa và cũng không phải đóng quỹ phụ huynh, không phải mua đồng phục, sách vở cũng được khu phố tặng” – cô Mai tính toán.

Rồi cô Mai nói mới nghĩ đến đã thấy lo nếu học phí tăng và tăng ngay vào thời điểm còn phải chi nhiều khoản khác như đồng phục, sách vở, dụng cụ học tập… cũng đang có chiều hướng tăng giá. “Liệu có thể hoãn chủ trương này không?” – cô Mai đặt câu hỏi.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng Lam – phụ huynh có 2 con học THPT ở quận 12 – nói quy định đã có nhưng có thể sửa lại là tạm thời chưa tăng học phí để nhiều người khó khăn vực dậy nền kinh tế gia đình trước đã hay không, dù học phí mới chỉ là một trong số nhiều lo lắng khác.

Lãnh đạo một trường trung học ở quận Tân Phú phân tích mặc dù cùng mang chữ “quận” nhưng những quận vùng ven như Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp… còn nhiều gia đình khó khăn. Thời gian dịch bệnh vừa qua, rất nhiều phụ huynh ở trường bị mất việc, không có thu nhập.

“Dịch bệnh bùng phát khiến cuộc sống của nhiều gia đình ở TP.HCM lâm vào cảnh khó khăn hơn. Tôi nghĩ trước khi quyết định tăng học phí, HĐND TP.HCM nên khảo sát xem hơn 1 triệu gia đình có con đang học bậc mầm non, THCS, THPT (bậc tiểu học được miễn học phí – PV) trên địa bàn TP thì có bao nhiêu gia đình “chịu đựng” được mức học phí mới?” – cô H.V., giáo viên lớp 11 ở TP Thủ Đức, đề nghị.

Cô V. còn đề nghị nên cho phụ huynh ở khu vực vùng ven được đóng học phí cho con em theo mức như các huyện ngoại thành, vì ngay cả ở TP Thủ Đức nhưng vẫn còn nhiều gia đình khó khăn, nhất là ở thời điểm này, cuộc sống mới chỉ có thể gọi là tạm ổn trong quá trình phục hồi kinh tế.

Giá đang nóng, đừng tăng học phí! - Ảnh 2.

Việc tăng học phí sẽ thêm áp lực chi tiêu trong gia đình – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Không nên vào lúc này

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giá cả nhiều loại hàng hóa quan trọng trong nền kinh tế đều tăng thì các địa phương chưa nên tăng học phí ở thời điểm hiện tại mà cần phải chọn thời điểm hợp lý hơn.

Ông Nguyễn Quang Đồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, nhận định việc tăng học phí không thể cào bằng giữa khu vực công và khu vực tư. Khu vực tư thục có thể tăng cao vì phụ huynh đã chọn cho con theo học trường tư thường là những người khá giả, họ chấp nhận mức phí cao hơn.

Với khu vực trường công ở cấp mầm non, THCS, THPT dành cho đa số thì đây không phải là thời điểm phù hợp để tăng học phí. “Hiện giá cả các mặt hàng khác cũng đang tăng, nên người dân vẫn cần được Nhà nước trợ giá học phí cho khu vực trường công ở thời điểm này”, ông Đồng nêu vấn đề. Ngoài chuyện tăng học phí, ông Đồng cũng cho rằng việc tăng giá sách giáo khoa, đồ dùng học tập thời gian qua cũng chưa hợp lý.

TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng học phí là loại giá dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước quản lý giá. Vì thế, trong bối cảnh cả xã hội vừa trải qua dịch COVID-19, thu nhập của người dân còn hạn chế thì không nên tăng học phí ở thời điểm này.

Mức tăng học phí tại các địa phương cần được cân nhắc cho phù hợp với sức chịu đựng của đa số người dân, điều này rất quan trọng.

Học phí tác động tới hầu hết các gia đình, vì nhà nào cũng có con đi học nên cần cân nhắc kỹ tác động trước khi quyết định tăng học phí – ông Long nhấn mạnh. Ngay cả việc tăng giá bán sách giáo khoa thời gian qua cũng cần các cơ quan quản lý vào cuộc làm rõ chứ không thể đẩy hết cho người tiêu dùng được.

Giá đang nóng, đừng tăng học phí! - Ảnh 3.

Thu nhập của phụ huynh phải thường xuyên chi trả cho việc mua sắm đồ dùng học tập, học phí tăng sẽ gây thêm rất nhiều khó khăn – Ảnh: TỰ TRUNG

Tăng chi phí giáo dục: CPI tăng đến 1,05%

Bà Nguyễn Thu Oanh – vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê – cho biết tác động của việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo nghị định 81 trong thời gian tới là rất lớn.

Tổng cục Thống kê ước tính giá dịch vụ giáo dục (học phí các khoản khác liên quan) điều chỉnh sẽ làm cho CPI bình quân cả nước năm 2022 tăng thêm khoảng 0,55 – 1,05%. Bên cạnh đó, việc tăng giá sách giáo khoa cũng làm CPI bình quân cả nước năm 2022 tăng thêm khoảng 0,05%.

“Để đạt được cả hai mục tiêu giữ CPI bình quân khoảng 4% và điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý trong năm nay là điều không hề đơn giản”, bà Oanh nhấn mạnh.

TS Bùi Trinh, chuyên gia về thống kê, cho rằng mức tính CPI 4 tháng đầu năm tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước là chưa phản ánh hết tốc độ tăng giá thực tế các loại hàng hóa thời gian qua. Con số lạm phát chưa phản ánh hết khó khăn của người tiêu dùng.

Một khó khăn trong kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm, theo chuyên gia này, là Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách zero COVID nên hàng hóa nhập khẩu sẽ khan hiếm hơn; nguyên, nhiên liệu đầu vào sẽ tiếp tục tăng giá.

Với bối cảnh đó, nếu các bộ, ngành không có giải pháp để kiểm soát kịp thời các loại hàng hóa quan trọng như xăng dầu, sắt thép, giá các loại dịch vụ giáo dục… thì không thể đạt được mục tiêu kiểm soát dưới 4% mà Quốc hội đã đề ra.

Cùng quan điểm này, ông Long cũng khẳng định CPI 4 tháng đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đà tăng giá hàng hóa chưa dừng lại. Thực trạng này cho thấy mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay là một thách thức rất lớn. Vì vậy, cần kiểm soát tốt giá các loại dịch vụ công, trong đó có học phí để hy vọng góp phần kiềm chế được lạm phát.

 

Nên giãn thời gian tăng học phí giữa các địa phương

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, để giảm áp lực lạm phát, Tổng cục Thống kê đang kiến nghị Chính phủ nên giãn việc tăng học phí giữa các địa phương, các đợt điều chỉnh học phí có thể vào các tháng 8, 9, 10. Nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng.

Nếu CPI liên tục tăng cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng rất lớn và số liệu so với cùng kỳ sẽ cao, tạo áp lực điều hành lạm phát cho năm sau.

 

TP.HCM đề xuất học phí bậc THCS tăng 5 lần

Ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết sở đề xuất mức học phí mới của các cấp học, bậc học là thực hiện theo nghị định 81 của Chính phủ (về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, ban hành ngày 27-8-2021). Theo đó:

* Bậc mầm non: các quận tại TP.HCM từ 200.000 đồng lên 300.000 đồng/trẻ/tháng. Các huyện giữ nguyên mức 120.000 đồng/học sinh/tháng.

Các lớp mẫu giáo thuộc quận từ 160.000 đồng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng. Các huyện giữ nguyên mức 100.000 đồng/học sinh/tháng.

* Bậc THCS: học sinh ở các quận từ 60.000 đồng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 5 lần so với trước.

Học sinh bậc THCS, GDTX THCS thuộc các huyện tại TP.HCM từ 30.000 đồng lên 70.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 40.000 đồng/học sinh/tháng.

* Bậc THPT: học sinh thuộc các quận từ 120.000 đồng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng.

Học sinh các huyện từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng/học sinh/tháng.

Đóng gộp đầu năm học, sao mà chịu thấu

Hoc sinh Ha Noi

Học sinh khối 9 Hà Nội trở lại trường học hồi tháng 12-2021 – Ảnh: NAM TRẦN

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, đến thời điểm này Hà Nội chưa quyết định về mức học phí các cấp học phổ thông năm học 2022-2023.

Tuy nhiên, đây là việc sẽ phải cân nhắc thận trọng vì năm học trước dự định tăng học phí theo lộ trình đã vấp phải phản ứng trái chiều của phụ huynh học sinh. Trong khi năm 2021, tác động của dịch COVID-19 đến đời sống người dân nói chung lớn hơn năm 2020 nên cũng nhiều khó khăn hơn.

Chia sẻ về việc này, anh Phạm Anh Tuấn, phụ huynh có 2 con đang học THCS, cho rằng đi kèm với việc tăng học phí theo lộ trình, ngành giáo dục cần có giải pháp để giải quyết dứt điểm việc lạm thu tiền trường với nhiều khoản thu khác nhau thì sẽ dễ thuyết phục người dân hơn.

Vì hiện tại, nếu bóc tách mức học phí đang áp dụng thì không quá lớn nhưng trong một năm học, phụ huynh phải đóng rất nhiều khoản thu, trong đó có các khoản thu dưới danh nghĩa xã hội hóa.

Thêm các chi phí khác phục vụ trực tiếp học sinh: tiền SGK, đồ dùng học tập, đồng phục, tiền dịch vụ đưa đón bằng ôtô, tiền ăn bán trú… Có những khoản hợp lý, có khoản thu cao, thu không hợp lý.

Tình trạng thu gộp vào đầu năm vẫn diễn ra ở một số trường nên câu chuyện tiền trường luôn là gánh nặng, nhất là đối với các gia đình có mức thu nhập không ổn định, bị ảnh hưởng bởi COVID-19 thời gian qua.

Bên cạnh đó, ý kiến nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh ở các khu vực có mức thu nhập không ổn định, thiếu việc, mất việc do COVID-19, cho rằng không nên tăng học phí, thậm chí phải giảm tiền trường.

“Nhà nước cần hỗ trợ để các nhà trường xây dựng tủ SGK dùng chung cho học sinh nghèo mượn vì chỉ riêng giá SGK ở các lớp học chương trình mới năm nay đã là gánh nặng với phụ huynh” – anh Nguyễn Hậu Giang, một phụ huynh Trường tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội), nêu ý kiến.

Hiện tại, học phí năm học 2021-2022 được HĐND TP Hà Nội thông qua có mức học phí cấp nhà trẻ, mẫu giáo (không bao gồm mầm non 5 tuổi) 217.000 đồng/tháng, 95.000 đồng/tháng và 24.000 đồng/tháng tùy theo khu vực thành thị, nông thôn, vùng núi.

Với trẻ mầm non 5 tuổi, THPT, GDTX, THCS có mức học phí 155.000 đồng/tháng, 75.000 đồng/tháng và 19.000 đồng/tháng tùy theo khu vực thành thị, nông thôn, vùng núi. Trường hợp học trực tuyến, học phí các cấp sẽ thu ở mức 75% mức học phí theo quy định. Năm học này Hà Nội chi 900 tỉ đồng hỗ trợ học sinh khó khăn.

 

VĨNH HÀ

Hải Phòng: kiên trì miễn học phí

Hai Phong - mien hoc phi

Hải Phòng kiên trì chính sách miễn học phí cho các bậc học – Ảnh: T.THẮNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan nghị quyết 81 của Chính phủ về tăng học phí, ông Bùi Văn Kiệm – giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng – cho biết đơn vị chủ động tham mưu mức học phí theo hướng dẫn của trung ương để HĐND TP thông qua hằng năm và vẫn đề xuất việc hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp theo chủ trương đã được HĐND TP thông qua từ cuối năm 2019.

“Quan điểm ngành giáo dục Hải Phòng là vẫn đề xuất thực hiện hỗ trợ 100% học phí, việc tăng học phí không tác động lớn đến ngân sách TP”, ông Kiệm nêu.

Theo chủ trương đã được HĐND TP thông qua từ cuối năm 2019 nói trên, năm học 2020 – 2021, đánh dấu việc học sinh mầm non và THCS ở TP Hải Phòng chính thức được miễn 100% học phí. Riêng học sinh THPT được hỗ trợ 100% học phí từ năm học 2021 – 2022.

Như vậy, Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng việc miễn 100% học phí cho học sinh các bậc học. Nguồn kinh phí để hỗ trợ miễn học phí cho học sinh các cấp trên địa bàn Hải Phòng được lấy từ nguồn ngân sách TP.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hải Phòng, trong năm học 2020 – 2021 khối mầm non có 96.449 học sinh và khối THCS có 125.159 học sinh, ngân sách TP thực hiện hỗ trợ miễn học phí với tổng số tiền trên 226 tỉ đồng.

Trong năm học 2021 – 2022, nguồn ngân sách TP Hải Phòng dự kiến chi thêm trên 300 tỉ đồng để hỗ trợ 100% học phí cho học sinh khối THPT và giáo dục thường xuyên.

“Nghị quyết về hỗ trợ 100% học phí của TP giúp giải quyết tốt chủ trương không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, không học sinh nào phải bỏ học”, ông Kiệm nêu.

TIẾN THẮNG

Đà Nẵng: xây dựng lộ trình miễn giảm học phí

tang hoc phi

Năm học 2021-2022, TP Đà Nẵng đã hỗ trợ 100% học phí cho nhiều khối lớp vì dịch COVID-19 – Ảnh: Đ.NHẠN

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, học phí bậc phổ thông trong năm học tới sẽ không tăng. Bà Lê Thị Bích Thuận, giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết căn cứ tình hình thực tế khó khăn chung sau dịch COVID-19, TP đã giao Sở GD-ĐT phối hợp với các sở ngành xây dựng lộ trình miễn giảm học phí cho học sinh.

Lộ trình gồm thời gian và mức học phí miễn giảm cho các cấp học cụ thể sẽ được trình lên lãnh đạo TP vào tháng 7 tới để trình HĐND TP.

Trong năm học 2021-2022, TP Đà Nẵng đã hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT trường công lập và ngoài công lập vì COVID-19, không áp dụng với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. (Học sinh tiểu học công lập đã được miễn học phí theo Luật giáo dục).

Học sinh được giảm học phí theo các chính sách của trung ương và TP sẽ được cấp bù phần hỗ trợ cho bằng 100% mức thu học phí công lập. Kinh phí hỗ trợ học phí trên 87,4 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Vũ – giám đốc ĐH Đà Nẵng – cho biết sắp tới trên tinh thần chung, các trường thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng sẽ thực hiện theo nghị định 81 của Chính phủ với mức tăng phù hợp bằng hoặc dưới mức trần.

Được biết ĐH Đà Nẵng cũng triển khai gói hỗ trợ sinh viên, học viên. Theo đó, giảm 5% học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 cho tất cả sinh viên các hệ, học viên sau ĐH đang theo học tại các trường ĐH thành viên, phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, Viện nghiên cứu và đào tạo Việt Anh và Trung tâm đào tạo thường xuyên.

ĐOÀN NHẠN

Cần Thơ: chưa tính tăng học phí

Theo Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, hiện nay có hơn 20.000 trẻ em mầm non và học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được hưởng chính sách theo nghị quyết 08/2021.

“Sắp tới TP sẽ có thêm chính sách để hỗ trợ những đối tượng trên, đặc biệt là con em công nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn” – ông Trần Thanh Bình, giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, cho biết.

Riêng học phí cho năm học mới tại các trường công lập, hiện TP chưa tính đến.

 

T.TRANG

TTO