Chúa Nhật V PS C 2022: Đổi mới tình yêu trong Chúa Phục Sinh
Với cuộc sống lại của mình, Đức Giêsu đã giới thiệu cho chúng ta một thứ tình yêu mới mẻ tồn tại mãi mãi, đem lại hạnh phúc vô biên, niềm vui vô tận. Người nói với chúng ta: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Người là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16).
Chúa Nhật V PS C 2022
Đổi mới tình yêu trong Chúa Phục Sinh
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Kinh Thánh tuần này đem lại cho ta niềm vui mừng và hy vọng vì Đấng Phục Sinh đã đổi mới mọi sự qua cuộc sống lại của Người. Đó là trời mới, đất mới với những con người mới, không còn cái chết, không còn tang tóc, kêu than và đau khổ mà bài sách Khải Huyền vừa tả cho ta nghe (x. Kh 21,1-5). Muốn thế, những con người mới này được Đấng Phục Sinh ban cho một điều răn mới để họ biết yêu thương nhau như Đức Giêsu đã yêu thương họ (x. Ga 13,34). Tuy nhiên, cho đến hôm nay, nhiều tín hữu vẫn chưa nhận ra sự đổi mới này để biết thể hiện trong đời sống.
Vì thế, ta thử tìm hiểu tình yêu cũ kỹ và mới mẻ khác nhau ở những điểm nào
1. Tình yêu cũ kỹ hay tự nhiên của con người
Yêu là một trong các hành động thường ngày của con người và nó liên hệ mật thiết với sự sống: sống để yêu và yêu để sống. Con người biết yêu ngay từ khi bắt đầu sống trên trái đất cách đây 195.000 năm, đã biết yêu bản thân, yêu gia đình, yêu bộ lạc, yêu trời đất. Đó là tình yêu tự nhiên của con người. Nhưng với sự phát triển của trí não và nhờ sự trợ giúp của khoa học, chỉ ít năm gần đây trong thế kỷ XXI này, con người mới hiểu được tình yêu là gì, tình yêu bắt nguồn từ đâu, phải yêu như thế nào cho xứng với nhân phẩm.
Trước hết, nhiều người không tin có tình yêu, nên họ không cần tìm hiểu tình yêu là gì, bắt nguồn từ đâu. Đó là vì phân tích con người bằng máy móc khoa học hiện đại nhất, người ta không thấy chỗ nào chứa đựng tình yêu. Nhiều người nghĩ rằng tình yêu nằm trong trái tim, nhưng mổ tim ra chỉ thấy những sớ thịt. Người khác cho rằng tình yêu nằm trong bộ não, nhưng mổ bộ não ra cũng chỉ thấy tế bào thần kinh với những tín hiệu xung động điện qua những hạt hoá chất tác động ở các khớp thần kinh (synap) của mỗi tế bào. Không nơi nào trong bộ não con người chứa tư tưởng, tình yêu, tự do, hạnh phúc. Vậy mà con người vẫn đang yêu – yêu theo kiểu tự nhiên của mình: ta thích người này, mến người kia vì xinh đẹp, giàu có, học giỏi, hiền lành. Có người lại yêu theo những dục vọng, tham vọng, tính toán của mình. Đó là tình yêu tự nhiên của con người cũ.
Có lẽ vì thế mà những người tự xưng là duy vật vô thần không tin có tình yêu. Trong hơn 4000 trang của bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam, ta không tìm được mục từ Tình yêu, mà chỉ có từ Tình bạn, Tình cảm, Tình dục.
Nhiều người khác, nhất là những ai theo tôn giáo, lại hiểu sai về tình yêu vì cho đó là tình cảm yêu đương nam nữ, bị bản năng sinh lý hay tình dục chi phối. Vì thế họ xem thường tình yêu và nhắc nhở tín hữu, nhất là các tu sĩ, phải xa tránh tình yêu cho xứng đáng với thần linh. Nhiều linh mục, tu sĩ Công giáo rất ngại ngùng khi biết có người đang yêu thương họ, hoặc cảm thấy mắc tội với Chúa khi biết mình đang yêu một người nào đó.
Tín đồ Phật giáo cho tình yêu là vô thường, tình cờ tụ lại trong một kiếp người hay trong một ít năm sống, sau đó tan biến. Tình yêu làm cho con người phiền não, tham lam, giận dữ, ngu si, phải dùng các phương pháp đối phó như quán bất tinh, quán từ bi, quán nhân duyên để giải trừ (x. Từ điển Bách khoa Việt Nam, q.IV, mục từ Tham Sân Si, tr.137). Do đó ta mới thấy sư Giác Duyên nói với Thuý Kiều rằng: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan” (x. Nguyễn Du, Truyện Kiều, câu 2658).
Rất nhiều người ngày lại lại lầm lẫn tình yêu với cảm xúc, với cảm tình, hay với tình dục mà không hiểu tình yêu là một ân huệ đặc biệt nằm trong tinh thần của con người được Thiên Chúa Tạo Hoá ban cho.
Khi con người yêu một đối tượng nào đó, dù là đồ vật hay con người, thậm chí là khoa học, tổ quốc, Thiên Chúa, thì họ yêu bằng tất cả con người mình, nghĩa là với các giác quan, cảm xúc và nhận thức. Các yếu tố này xuất hiện trong hệ thần kinh, vì thế tình yêu con người được cảm nhận theo những mức độ khác nhau.
– Trước tiên là cảm giác: các giác quan cho ta cảm nhận tính cách của sự vật tác động vào ta. Ví dụ: thân thể người yêu xinh đẹp, thơm tho, giọng nói êm ái, làm da mịn màng, hay đất nước xinh đẹp, trái cây ngon ngọt, con người hiền hoà… khiến ta yêu thương. Nhưng khi thấy thân thể người tình biến dạng, bốc mùi hôi thối, họ xa tránh; hoặc đất nước bị chiến tranh, nghèo đói, thay đổi chế độ chính trị, họ rời bỏ. Đây là mức độ thấp nhất của tình yêu.
– Tiếp theo là mức độ cảm xúc: yêu là một trong những cảm xúc chính của con người như ta vẫn thường nói đến hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Cảm xúc liên quan đến việc đáp ứng hay thoả mãn được những nhu cầu cá nhân. Có những người yêu cha mẹ chỉ vì được cho ăn, yêu nghề nghiệp vì kiếm được tiền bạc, yêu người khác vì được cho quà, yêu người tình vì được thoả mãn sinh lý, yêu đất nước vì được hưởng lợi, yêu thần linh vì được ơn lành. Khi không còn những mối lợi, mà họ cảm nhận được qua giác quan, là họ mất cảm xúc yêu, trở thành người vô cảm, xa lạ với cha mẹ, lãnh đạm với người tình, thay đổi nghề nghiệp, quốc tịch, tôn giáo.
– Mức độ cao hơn cả là cảm tình: khi cảm xúc đi kèm theo nhận thức, hiểu được nguyên nhân tại sao mình gắn bó với đối tượng, thì cảm xúc biến thành tình cảm lâu dài. Ví dụ: vợ chồng yêu nhau vì ý thức rằng mình gắn bó với nhau qua cuộc sống chung, có trách nhiệm với con cái, với gia tộc hai bên hay còn được nối kết bởi bí tích Hôn Nhân, với ơn Chúa nâng đỡ. Một người yêu tổ quốc dám hy sinh mạng sống vì hiểu rằng các giá trị văn hoá mình có được là do tổ tiên để lại trong suốt dòng lịch sử của dân tộc.
Căn cứ vào đối tượng, người ta phân thành nhiều loại tình cảm như: tình yêu đôi lứa, tình cha mẹ, tình vợ chồng, tình quê hương, tình yêu nghề nghiệp, tình yêu thần linh. Tuy nhiên, giống như trái tim con người chỉ có một, tất cả tình cảm ấy chỉ bắt nguồn từ một chủ thể duy nhất và chỉ có một cội nguồn duy nhất. Vì thế, khi định nghĩa “Tình yêu là tình cảm yêu mến, làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật” (Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, mục từ Tình yêu), chúng ta thấy tình yêu con người là một tổng thể phúc tạp, không còn dựa theo cảm giác hay cảm xúc nhất thời, để bị lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian. Nó thuộc lĩnh vực tinh thần vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối, khi Ngài đặt tình yêu làm thành bản tính của con người. Tuy nhiên, tình yêu này đã bị tội lỗi phá huỷ cấu trúc tốt đẹp do Thiên Chúa tặng ban, nên nó chiều theo những tham vọng và dục vọng của bản năng. Nó khiến con người càng ngày càng ích kỷ khi yêu và dùng mọi thủ đoạn để loại trừ “tình địch”, cũng như để chiếm hữu được đối tượng mình yêu.
Vì thế, con người đau khổ, bất an, bất hạnh dẫn đến cái chết khi yêu theo bản tính tự nhiên của mình.
2. Tình yêu mới mẻ hay siêu nhiên của con người
Với cuộc sống lại của mình, Đức Giêsu đã giới thiệu cho chúng ta một thứ tình yêu mới mẻ tồn tại mãi mãi, đem lại hạnh phúc vô biên, niềm vui vô tận. Người nói với chúng ta: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Người là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16). Người đã diễn tả tình yêu cụ thể đó bằng hành động: đó là một Thiên Chúa cao cả, hoàn toàn là tinh thần, đã tự nguyện trở thành một con người giống như chúng ta mọi đàng, cũng có những rung động trong thể xác với những cảm giác, cảm xúc, cảm tình như chúng ta. Người đã yêu cho đến cùng, dù rằng phải chết nhục nhã trên thập giá, rồi đã vượt qua cái chết để sống lại mãi mãi với tình yêu của mình. Người đã ban Thánh Thần tình yêu của Người cho chúng ta khi thổi hơi trên các môn đệ và phán: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” để Chúa Thánh Thần thánh hoá và đổi mới tình yêu của chúng ta.
Lời kết
Vì thế, Đức Giêsu là con người mới với tình yêu mới mà tất cả và từng người chúng ta cần phải gắn bó mật thiết với Người. Nhờ đó tình yêu của ta được đổi mới, trong sáng, vĩnh hằng, mở ra với muôn loài muôn vật và giúp ta cảm nhận được hạnh phúc vô biên.
HKK