Nam kỳ thế kỷ 19 qua ghi chép của người Pháp: Thủ phủ của Nam kỳ xưa
Nam kỳ thế kỷ 19 qua ghi chép của người Pháp: Thủ phủ của Nam kỳ xưa
Nhìn tổng thể, thành phố Sài Gòn bị giới hạn: phía bắc bởi rạch Thị Nghè và sông Sài Gòn, phía nam là rạch Bến Nghé và phía tây là Đồng Mả Mồ rộng lớn. Sở dĩ nơi này có tên như vậy là vì người An Nam đã chôn cất người chết ở đó từ thời xa xưa và xây những lăng mộ được giữ gìn cẩn trọng nhờ các quy ước.
Tất cả các con đường đều thẳng, rộng, song song với nhau và phát xuất từ các kè cảng giáp sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé; chúng cắt vuông góc với các đường lộ khác xuyên qua thành phố và với nhiều đại lộ dẫn đến các công viên nhỏ, nơi có các tượng bán thân hoặc toàn thân của những vị đô đốc [tượng Léon Gambetta, Rigault de Genouilly, Francis Garnier…] mà tên tuổi gắn liền với cuộc chinh phục hoặc với uy thế của thuộc địa.
Cột cờ Thủ Ngữ EMILE GSELL |
Để tạo bóng mát cho khách bộ hành, người ta có ý tưởng trồng hai hàng cây dọc theo tất cả đường phố và đại lộ. Chủ yếu là me (tamarinier), bàng (badamier) và cây tếch (teck) lá lớn, được đề xuất để đáp ứng nhiệm vụ này.
Đường phố đầu tiên được thực hiện là đường Catinat [nay là Đồng Khởi – ND] mở rộng từ một con lộ An Nam đi từ sông lên thành cổ.
Bên trái đường Catinat là một kênh lớn cho phép tàu thuyền chở đầy thực phẩm đổ hàng phía trước chợ. Kênh này đã bị lấp từ vài năm nay và thay bằng đại lộ Charner [nay là Nguyễn Huệ] rộng rãi đi lên đến đường d’Espagne [nay là Lê Thánh Tôn].
Song song với đường Catinat và nằm phía bên phải là đường Nationale [nay là Hai Bà Trưng] xuyên suốt chiều dài thành phố, bắt đầu từ vòng xoay nơi dựng bức tượng Đô đốc Rigault de Genouilly [nay là Quảng trường Mê Linh] và đi thẳng đến Tân Định.
Đại lộ de l’Hôpital [nay là Thái Văn Lung] và de la Citadelle [nay là Tôn Đức Thắng] cũng phát xuất từ bờ kè (bến cảng).
Tất cả những con đường này cắt vuông góc với nhiều đường phố, trong đó những con đường quan trọng nhất, bắt đầu từ các bến cảng là: đường Vannier [nay là Ngô Đức Kế], đại lộ Bonard [nay là Lê Lợi], đường d’Espagne, đường La Grandière [nay là Lý Tự Trọng], đường Taberd [nay là Nguyễn Du], đại lộ Norodom [nay là Lê Duẩn] và đường Chasseloup-Laubat [nay là Nguyễn Thị Minh Khai].
Những con đường rộng cũng bắt đầu từ rạch Bến Nghé và đi lên đến Đồng Mả Mồ; đó là những đường Olivier, Pellerin [nay là Pasteur], đường Mac-Mahon [nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa] đi qua trước Dinh Toàn quyền (palais du Gouvernement) [nay là Dinh Độc Lập] và đường Boresse [nay là Yersin].
Ở lối vào thành phố, chỗ góc sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé là bến đậu của tàu khách hãng Messageries Maritimes, kết nối với Sài Gòn bằng một cây cầu sắt khổng lồ bắc qua rạch Bến Nghé.
Cột tín hiệu [nay là Cột cờ Thủ Ngữ] nằm đối diện bến đậu Messageries, góc rạch Chợ Lớn.
Từ đó, nếu dọc theo bờ kè, sẽ thấy tàu thuyền của thương cảng, ga đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho, nha quan thuế [nay là trụ sở Cục Hải quan], cầu tàu thương cảng, quán cà phê de la Rotonde ở cuối đường Catinat [số 2 đường Catinat], Công ty vận tải đường sông Nam kỳ (Messageries fluviales de Cochinchine) và khu bến cảng tàu hơi nước của công ty này, nha giám đốc quân cảng [nay chỗ khu đất Bảo tàng Tôn Đức Thắng], cầu cảng hải quân và Loire, thuyền phao dành cho thủy thủ đoàn của nhà ga Đông Dương; cửa hàng tiếp vận, xưởng cục pháo binh, bãi than đá, cuối cùng là xưởng tàu chiếm diện tích 22 hecta và ụ tàu.
Đằng sau xưởng tàu là vườn bách thảo [nay là Thảo Cầm Viên] và muông thú, lập năm 1864, trong đó có các loài thực vật hữu ích của Nam kỳ lục tỉnh và các xứ lân cận, cũng như các cá thể sống tiêu biểu của hệ động vật thuộc địa. Khu vườn này do ông Pierre thành lập và tổ chức, dù với nguồn lực hạn chế nhưng nó thực sự nghệ thuật và tinh tế. Những chuồng chim khổng lồ nuôi nhốt hầu hết các loài chim của xứ sở: có thể nhìn thấy sếu, cò già, công, kền kền đen, gà lôi, chim xít, chim trĩ, một số loài thủy cầm, đại bàng, kền kền trắng… Đằng kia, vô số khỉ; đằng này, gấu, rắn, cá sấu; xa hơn nữa, một con voi khổng lồ, những cái chuồng nơi có ba hoặc bốn con hổ tuyệt đẹp sống. Một bãi thả rộng lớn dành riêng cho hươu lang thang tự do.
Trên đường Tây Ninh [nay là Nguyễn Bỉnh Khiêm], rất gần với khu vườn, là trường d’Adran, do các sư huynh trường Thiên Chúa giáo (les Frères des Écoles chrétiennes), chủng viện Hội Truyền giáo và dòng Thánh Hài đồng (Sainte-Enfance) điều hành.
Tổng kho hải quân nằm cao hơn một chút so với vườn bách thảo. Từ nơi này, đường Tabert tiếp tục dẫn đến công viên thành phố [nay là công viên Tao Đàn], đi qua phía trước thành cổ xây năm 1799. Trong vòng thành với mỗi cạnh dài hơn 350 m, ngày nay là trại lính thủy quân lục chiến. Trại xây bằng sắt và gạch; lính ở đó với đủ sự tiện nghi cần thiết. Những cơ sở này về mặt vệ sinh và tiện nghi không có gì phải phàn nàn.
Đường Tabert cũng dẫn đến Bệnh viện Quân đội [nay là Bệnh viện Nhi Đồng II] với mặt tiền chính nhìn ra đường La Grandière… (còn tiếp)
(Trích từ Nam Kỳ và cư dân, J.C.Baurac, Huỳnh Ngọc Linh dịch, Omega+ và NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản 2022)
TNO