24/11/2024

Giật mình thấy con có hành vi lệch lạc từ trò chơi trực tuyến

Giật mình thấy con có hành vi lệch lạc từ trò chơi trực tuyến

Đọc đoạn chat của con gái lớp 5, thấy con tuyên bố với các bạn “tớ là lesbian”, phụ huynh tìm hiểu thì mới biết chính một trò chơi trực tuyến đã ảnh hưởng đến con.

 

 

Cảnh báo trò chơi Gacha Life

Chị Dương Minh Nguyệt, ngụ tại 53 Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú, TP.HCM, kể lại: “Con gái tôi năm nay học lớp 5. Từ năm lớp 4, trong thời gian nghỉ học trực tiếp vì dịch Covid-19, cháu phải học trực tuyến nên tôi cho cháu sử dụng máy tính với điện thoại nhiều. Sau giờ học, tôi có thấy cháu chơi trò chơi trực tuyến. Theo dõi thì thấy con chơi trò Gacha Life. Con cứ hí hoáy trang trí cho những con búp bê bằng hình vẽ, sau đó ghép chúng lại thành đoạn clip rồi đăng lên kênh YouTube. Tôi xem qua thấy cũng không có gì nên để con chơi chứ không cấm đoán”.

Giật mình thấy con có hành vi lệch lạc từ trò chơi trực tuyến - ảnh 1
Gacha Life có tạo hình nhân vật dễ thương nhưng cộng đồng chơi lại sáng tạo nhiều nội dung độc hại khiến người chơi nhỏ tuổi bị ảnh hưởng

Cho đến một ngày gần đây, cô giáo chủ nhiệm của con chị Nguyệt gọi điện thông báo là có một phụ huynh trong lớp gọi điện yêu cầu cô giáo tách con chị ra khỏi con gái của phụ huynh đó, vì phát hiện con gái của chị có những ngôn từ yêu đương, nhớ nhung không phù hợp với lứa tuổi.

“Tôi sốc thật sự. Tôi đã dành ra một đêm để đọc các cuộc trò chuyện của con với bạn bè trên Facebook thì tá hỏa khi con tuyên bố “tớ là lesbian, tớ thích con gái”. Con tôi si mê bạn gái trong lớp kia nhưng bạn đó không thích lại, khiến con tôi có những trách móc, ghen tuông rất đáng sợ. Ngoài ra, con tôi còn chủ động nói chuyện với các bạn khác về giới tính và tình dục đồng giới một cách táo bạo”, chị Nguyệt chia sẻ.

Chị Nguyệt bắt đầu lên mạng tìm hiểu về trò chơi Gacha Life, rồi vào đọc từng bình luận dưới các clip mà con chị và cộng đồng của trò chơi này đưa lên, thì nhận ra có những nội dung không hề bình thường.

“Người chơi sử dụng ứng dụng để tạo các nhân vật theo phong cách anime rất dễ thương, đầy màu sắc. Họ có thể hóa trang cho nhân vật, tương tác với các nhân vật khác và tạo tiểu phẩm rồi đăng lên. Bản thân trò chơi không bao gồm bạo lực hoặc nội dung không phù hợp khác, nhưng do người chơi nhập vai tương tác nên một số thành viên của cộng đồng đã sử dụng trò chơi này để tạo ra các nội dung có vấn đề. Rất nhiều tiểu phẩm được đăng lên hoàn toàn không phù hợp với trẻ em. Đồng thời, các bình luận cũng rất độc hại như nói với nhau về tình dục đồng giới, chửi bậy, gửi link nhạy cảm cho nhau… Tôi chắc chắn con tôi đã bị ảnh hưởng khi tham gia trò chơi này”, chị Nguyệt cho hay.

Chị Nguyễn An My làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu thiết bị y tế, có con học Trường THCS Đống Đa, Hà Nội cũng kể: “Không chỉ trò Gacha Life đang thu hút rất nhiều học sinh tiểu học tạo ra những hệ lụy nguy hiểm tới sự phát triển nhân cách, tâm lý của trẻ, rất nhiều bé được cha mẹ cho xem phim không phù hợp độ tuổi, tham gia các trò chơi trực tuyến có tính bạo lực với lý do “để chúng nó dạn”. Lớp của cháu tôi có một bạn cứ thích bóp cổ các bạn khác. Khi hỏi mới biết vì cháu xem phim bạo lực nên bắt chước”.

 

Đưa môn “công dân số” vào trường học ?

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP.HCM, nhìn nhận: “Khi trẻ sử dụng internet, không tránh khỏi việc trẻ sẽ tham gia mạng xã hội, trò chơi trực tuyến, sống trong thế giới ảo. Tuy nhiên, ranh giới giữa ảo và thực rất mong manh. Mọi thứ trẻ thấy ở thế giới ảo đều có thể khiến trẻ áp dụng hoặc ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi trong đời sống thực. Nó mang đến rất nhiều nguy cơ như bắt nạt, bạo lực, lừa lọc, hoặc lệch lạc về giới tính, về hành vi…”.

“Chúng ta cần thừa nhận thế giới trên mạng là một phần cuộc sống của trẻ, không thể khác được vì các con được sinh ra trong thời đại số, mọi mối quan hệ, mọi hoạt động đều chịu tác động bởi công nghệ, internet. Chính vì vậy, việc cha mẹ nhất định phải làm là chuẩn bị cho con những kiến thức, kỹ năng để sống an toàn trong thế giới ấy”, bà Uyên Phương nhấn mạnh.

Theo bà Uyên Phương chương trình giáo dục tại trường học cần dạy về vai trò của công dân số, làm thế nào để tồn tại trong thế giới số. “Các trường học ở nhiều nước trên thế giới đã xây dựng môn học công dân số, nhưng ở ta việc dạy cho học sinh lợi hại, nguy cơ, rủi ro khi tham gia internet vẫn còn chưa được quan tâm”, bà Phương cho hay.

Với tốc độ ra đời chóng mặt của các trò chơi trực tuyến, tiến sĩ tâm lý học Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lo ngại trẻ sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần. “Tình trạng trẻ nghiện hay lạm dụng trò chơi trực tuyến có thể dẫn đến vấn đề an toàn mạng như bị xâm hại, bạo lực hoặc các vấn đề khác như gia tăng tiêu cực trong mối quan hệ xã hội thực tế và làm giảm chất lượng học tập, nghề nghiệp. Nhiều nghiên cứu cho thấy hệ lụy của nó còn là những rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, lo âu …”, tiến sĩ Công chia sẻ.

MỸ QUYÊN

TNO