02/11/2024

Vì sao bạn khó ‘dứt tình’ với người mình yêu?

Vì sao bạn khó ‘dứt tình’ với người mình yêu?

Theo các nhà khoa học, buộc lòng phải ‘quên’ người mình đang yêu thật sự rất khó khăn, như việc đang muốn uống nước mà tự nhủ rằng mình không khát.

 

 

Vì sao bạn khó ‘dứt tình’ với người mình yêu? - Ảnh 1.

Bộ não “làm khó” bạn khi muốn quên một người – Ảnh: GETTY IMAGES

Tiến sĩ Helen E.Fisher – một nhà nhân chủng học sinh học và là thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinsey ở New York (Mỹ) – đã nghiên cứu nhiều đặc điểm khoa học trong tình yêu từ năm 2005 đến nay.

Khi phân tích hình ảnh quét cộng hưởng của bộ não các tình nguyện viên, Fisher thấy rằng có một vùng não liên quan đến cảm giác đói và khát ở vùng VTA cũng sẽ được kích hoạt khi bạn đang yêu.

Điều này cũng khiến việc đang yêu nhưng buộc lòng phải quên “người ấy” của mình sẽ rất khó khăn. Bởi chống lại cảm giác thương nhớ “nửa kia” cũng giống như việc cố cảm thấy không khát dù bạn rất muốn uống nước.

Ngoài ra, Fisher cũng nhận thấy ngoài hệ thống dopamine bị kích hoạt trong não người đang yêu, còn có vùng não khác gọi là vùng nhân cạp chịu tác động mạnh.

Phần này cũng sẽ kích hoạt với một số hành vi nghiện như hút thuốc, đánh bạc… Nó sẽ được truyền tín hiệu và “phát sáng” ở những người vừa chớm yêu, tạo ra cảm giác nghiện trong tình yêu.

Do vậy, “dứt tình” cũng gần giống với việc “cai nghiện”. Theo Fisher, để quên một người mà bạn đang yêu, về cơ bản nếu không nhìn thấy được những gì liên quan đến họ như thư từ, quà tặng, tài khoản mạng xã hội… sẽ giúp bạn dễ quên họ hơn.

Điều này cũng tương tự với chuyện bỏ thuốc lá thì ít nhất nên dẹp hết thuốc, gạt tàn ra khỏi nhà.

Vì sao bạn khó ‘dứt tình’ với người mình yêu? - Ảnh 2.

Suy nghĩ tích cực giúp chữa lành sau tan vỡ tình cảm – Ảnh: GETTY IMAGES

Phó giáo sư khoa học tâm lý Sandra Langeslag tại Đại học Missouri-St (Mỹ) cho rằng tốt nhất vẫn nên để quá trình chữa lành tình cảm diễn ra một cách tự nhiên. Nhiều trường hợp cố gắng “bôi xấu” người yêu cũ để quên họ, điều này chỉ có tác dụng ngược.

Từ dữ liệu trong các khảo sát, Sandra Langeslag cho rằng khoảng thời gian trung bình để thật sự “quên” một người và chữa lành cảm giác tổn thương là 6 tháng. Quá trình này sẽ thay đổi tùy vào một số yếu tố như tính cách của mỗi người hay thời gian kéo dài mối quan hệ.

Sandra Langeslag cho rằng bạn nên nghĩ đến những điều khiến bạn hạnh phúc hơn là người mà bạn đang cố gắng ngừng yêu. Điều này khiến bạn cảm thấy xung quanh mình vẫn còn rất nhiều điều hạnh phúc, vì thế bạn sẽ cảm thấy yêu đời hơn.

Theo Damon L. Jacobs – nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở New York (Mỹ), các mối quan hệ, dù là tình yêu hay tình bạn, đều góp phần vào những năng lượng, niềm vui và sự viên mãn cho mỗi người.

Tuy nhiên, điều cần nhớ đó không phải là nguồn duy nhất. Nếu ý thức được điều này, bạn sẽ đón nhận nỗi đau sau chuyện tình đổ vỡ một cách thoải mái và tích cực hơn, theo Damon L. Jacobs.

HOÀNG THI
TTO