11/11/2024

Vì sao người Pháp thành lập thương điếm tại Côn Đảo?

Vì sao người Pháp thành lập thương điếm tại Côn Đảo?

Năm 1768, vấn đề thiết lập một thương điếm tại Côn Đảo lại được người Pháp tiếp tục nêu lên. Trong tác phẩm Lịch sử giáo đoàn Đàng Trong 1658-1823, linh mục Adrien –  Launay đã kể lại một phần nội dung nhật ký của Levasseur.

 

 

 

Năm 1752, từ thông tin do các giáo sĩ cung cấp, Toàn quyền Ấn Độ thuộc Pháp là Joseph François Dupleix (1742-1754) quay lại với kế hoạch chiếm đóng Côn Đảo.

Song chẳng may, ông ta bị triệu hồi về Pháp và những người kế nhiệm ông đã trở thành kẻ thất trận trong chiến tranh 7 năm (La guerre de Sept ans – 1756 – 1763) chống lại đế quốc Anh lúc bấy giờ. Ba năm sau, ngày 15.5.1755, một nhà buôn tên Protais-Leroux từng sống 8-9 năm tại Ấn Độ đã chuyển cho viên Tổng Kiểm soát tài chánh Pháp de Machault một dự án khai thác Côn Đảo.

Vì sao người Pháp thành lập thương điếm tại Côn Đảo? - ảnh 1
Cầu tàu Côn Đảo ngày xưa (ngay trước dinh chúa đảo)  TƯ LIỆU LÊ NGUYỄN

Mục tiêu của ông ta nhằm nêu lên những lợi ích của việc thiết lập tại quần đảo này một thương điếm. Protais-Leroux cho biết lúc đó Côn Đảo đã có đến 1.500 cư dân Đàng Trong chạy ra quần đảo này để trốn lánh chính sách hà khắc của chính quyền.

Ông ta cho rằng những người này hiền hòa, siêng năng và dễ tính, nếu được cư xử một cách mềm mỏng, có thể giúp vào việc phát triển thương mại trên đảo. Để thuyết phục de Machault, Protais-Leroux cho rằng Côn Đảo là nơi tàu bè của người Âu đi đến Trung Hoa có thể trú Đông, tân trang, sửa chữa các loại tàu bè ở cảng phía Bắc.

Ông ta khẩn khoản đề nghị Machault sớm thành lập thương điếm, tối thiểu cũng có thể biến nơi đây thành một kho chứa hàng hay một nơi cho tàu bè ghé vào. Năm 1768, vấn đề thiết lập một thương điếm tại Côn Đảo lại được người Pháp tiếp tục nêu lên, lần này là từ nhật ký hoạt động của một giáo sĩ tên Levasseur.

Trong tác phẩm Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823 (Lịch sử giáo đoàn Đàng Trong 1658-1823) xuất bản tại Paris, Linh mục Adrien – Launay thuộc Hội truyền giáo hải ngoại Paris (Société des Missions étrangères de Paris) đã kể lại một phần nội dung nhật ký của Levasseur.

Ngày 15.7.1768, Levasseur đi ra cửa sông Bassac (sông Hậu) tìm gặp một vài người Đàng Trong sẵn sàng hướng dẫn ông đến Côn Đảo. Khi đến một ngôi làng có tên Compong-Kerbu (không rõ tên Việt là gì) nằm bên bờ phía tây của con sông Bassac, sát biển, ông gặp khoảng hơn một chục giáo dân Thiên Chúa.

Một người chịu hướng dẫn ông đi, nhưng sau khi hai bên đã thỏa thuận các điều kiện, anh ta bỏ đi mất. Bốn ngày sau, người giáo dân ấy quay lại, tìm thuê được một chiếc tàu, song rồi chuyến đi Côn Đảo cũng bất thành. Cuối cùng, tìm hiểu mãi, giáo sĩ Levasseur mới vỡ lẽ ra rằng những giáo dân ở ngôi làng trên đã không dám đưa ông ra Côn Đảo, vì sợ bị viên quan Việt Nam cai trị trên đảo bắt tội họ về việc không có lệnh mà dám đưa một giáo sĩ Thiên Chúa giáo ra đảo! Về việc người Pháp thành lập thương điếm tại Côn Đảo, người ta còn đề cập đến một lá thư của Giám mục Piguel gửi cho các bề trên Hội truyền giáo hải ngoại.

Vì sao người Pháp thành lập thương điếm tại Côn Đảo? - ảnh 2
Côn Đảo ngày nay  T.L

Nội dung thư vẫn dựa trên tinh thần coi Côn Đảo còn đặt dưới quyền quản lý của triều đình Chân Lạp, trong đó Piguel phân tích những mặt thuận lợi trong việc điều hành thương mại tại đây so với việc giao dịch nước Xiêm (Thái Lan ngày nay) như giá sinh hoạt không đắt đỏ so với Xiêm, quốc vương Chân Lạp luôn hứa hẹn tạo điều kiện cho công ty thương mại của Pháp xây dựng tại đây một thị trấn, pháo đài, hiệu buôn…

Tuy nhiên, ông ta không nhắc đến một cái vịnh tại Côn Đảo, nơi người ta có thể xây nên cảng biển, vì để đi từ cửa sông trên đất liền đến Côn Đảo, người ta chỉ phải tốn một ngày.

Vì sao người Pháp thành lập thương điếm tại Côn Đảo? - ảnh 3
Một bản đồ cổ vẽ riêng quần đảo Côn Đảo (Poulo-Condor)  NGUỒN: GALLICA.BNF.FR.JPG

Tuy nhiên, trong phân tích của mình, Giám mục Piguel không quên lưu ý đến một bất tiện duy nhất nhưng rất quan trọng. Đó là tình trạng chiến tranh thường xuyên giữa người Chân Lạp và người Việt khiến cho sự điều hành một thương điếm của người Pháp có thể bị vạ lây.

Xem đến thập niên 1760, ta vẫn thấy vấn đề sở hữu Côn Đảo vẫn còn chưa rõ ràng và dứt khoát. Trên thực tế, nhà Nguyễn đã làm chủ từ năm 1698, song đến giữa thế kỷ 18, một số giao dịch của thương nhân phương Tây vẫn diễn ra với triều đình Chân Lạp. Phải chờ đến hơn hai thập niên nữa, vấn đề này mới được xác định công khai và rõ ràng. (Còn tiếp)

 

Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn

TNO