Phía sau trang sách: Ngược về quá khứ
Phía sau trang sách: Ngược về quá khứ
Sách Lịch trình tiến hóa sách báo quốc ngữ (1942) có đoạn chép: “Mới bước vào phòng triển lãm, ta thấy ở bên tả những bút tích của các bậc tiền bối bằng chữ nôm. Bao nhiêu những bản chuyện [truyện] Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên in từ trước đến nay đều có đủ cả, từ những cuốn in mộc bản, những cuốn in ở Paris đến những cuốn in ở nước ta bằng máy mới rất rõ ràng, mỹ thuật”. Chỉ vài dòng, cho thấy cả lịch sử phát triển của xuất bản từ xưa đến đầu thập niên 1940.
Công lao họ Lương
Nói về sách cùng lịch sử của sách ở diện rộng, có thể tham khảo cuốn What is the History of the Book? (Lịch sử của sách, James Raven) đề cập đến những cuốn sách sơ khai như viết trên đất sét, giấy papyrus, những dấu ấn về giấy của Sái Luân, về nghề in của Johannes Gutenberg… Riêng với sách và hoạt động xuất bản sách ở nước Nam, thì phải ngược dòng quá khứ qua tư liệu.
In sách (Tranh khắc gỗ của HENRI OGER) |
Ở nước ta, hoạt động xuất bản sách đã có từ lâu nhưng chưa thịnh, phụ thuộc nhiều vào sách từ Trung Quốc. Sử nhiều lần chép việc nhập sách phương Bắc như năm Đinh Mùi (1007) thỉnh Cửu kinh, Đại tạng kinh, năm Mậu Ngọ (1018) thỉnh kinh Tam tạng. Đối với xuất bản sách trong nước, Đại Việt sử ký toàn thư ghi việc năm Tân Tỵ (1041) ban sách Hình thư để tiện thi hành luật; hay thời Trần có Lê Văn Hưu viết Đại Việt sử ký, Trần Quốc Tuấn soạn Binh thư yếu lược, Trần Nhân Tông viết Khóa hư lục…
Mộc bản và bản dập bìa sách Minh Mệnh chính yếu TL |
Sang thời Lê sơ, hoạt động xuất bản được đề cập nhiều. Năm Ất Mão hoàn thành bộ ván khắc sách Tứ thư đại toàn; năm Tân Mùi (1511), ban sách Trị bình bảo phạm… Nhà nước còn ban sách công cho các cơ quan khi năm Đinh Hợi (1467) ban sách Ngũ kinh cho Quốc Tử giám. Các phủ được ban Tứ thư, Ngũ kinh, Đăng khoa lục, Hội thí lục, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo, Văn tuyển, Cương mục và các sách thuốc để học quan, y quan dùng.
Việc in ấn sách phát triển từ thời Lê sơ (1428-1527) khi Lương Như Hộc mở ra nghề in mộc bản. “Ông xem xét nghề khắc ván in của người phương Bắc rồi khi trở về truyền dạy cho người làng khắc những ván in kinh sử để lưu hành ở đời”, sách Hải Dương phong vật chí ghi. Để chứa sách, Toàn thư cho hay thời Lý có nhà Bát giác, kho Đại Hưng, kho Trùng Hưng, thời Trần có kho phủ Thiên Trường, thời Lê thư viện Bồng Lai, kho chứa ván in ở Thăng Long…
Ngoài sách in ấn của nhà nước, có cả sách chép tay trong nhân gian. Dành cho vua chúa lại có kim sách (sách vàng), ngân sách (sách bạc) khắc trên lá vàng, lá bạc, viết trên lụa tốt dùng vào dịp đặc biệt như ghi ngọc phả, tấn phong. Sau khi có kỹ thuật in mộc bản, nhiều bản sách đã được khắc in, ban hành. Tỉ như năm Đinh Sửu (1697), bộ Đại Việt sử ký tục biên viết xong và khắc in, ban hành. Sách Ngũ kinh, Tứ thư, Chư sử, Thi lâm, Tự vựng khắc in năm Giáp Dần (1734). Tục biên cho biết năm Bính Thìn (1736), để tự chủ việc in ấn sách, nhà nước cho khắc in và ban hành sách kinh sử đồng thời “cấm không được mua sách Trung Quốc”.
Dẫu kỹ thuật khắc in mộc bản đã có, nhưng còn khan giấy. Đến nửa cuối thế kỷ XVII có nghề làm giấy ở phường Yên Thái, Thăng Long thì việc in ấn, xuất bản sách mới thịnh. Nghề in mộc bản phát triển nhất là thời Nguyễn khi có cả cục In sách của nhà nước. Nhiều bộ sách lớn, đồ sộ được soạn, in như Hoàng Việt luật lệ, Đại Nam thực lục, Đại Nam hội điển sự lệ…
Người xưa ham sách
Thời xưa, những danh nhân, những vua sáng phần đa là người ham đọc sách, giỏi thi phú. Họ là những gương Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn hay vua Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Minh Mạng. Thậm chí, Thoái thực ký văn ghi, thời Trần và Lê sơ, quan võ nhiều người năng đọc sách, trong đó có Điện súy Phạm Ngũ Lão, Thượng thư Lê Hoằng Dục. Những tấm gương trọng sách, kể thực không hết, chỉ có thể nêu dăm tên tuổi đại diện mà thôi.
Đời Lê Trung hưng, Lê Quý Đôn được biết đến là người thông kim bác cổ, tác giả của nhiều bộ sách giá trị Vân đài loại ngữ, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Đại Việt thông sử, Thư kinh diễn nghĩa… Để có kiến văn sâu rộng là vai trò của sách trong đời ông, được Thoái thực ký văn ghi: “Quế Đường xem sách rất nhanh, mười hàng một lần, đã thuộc rồi thì suốt đời không quên, mà tay chưa từng rời sách”. Sinh thời, ông chiêm nghiệm “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/Chẳng bằng kinh sử một vài pho”.
Sách tốt, giúp ích cho người, cho đời thực không kể đâu cho hết. Bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh được danh y Lê Hữu Trác viết để “truyền bá ra đời” kiến thức y thuật, phương châm “thuốc nam chữa người Nam”. Ngay khi ông còn sống, sách ấy đã đắc dụng. Thượng kinh ký sự còn ghi, tên Sự ở Thăng Long theo nghề thuốc, nhân đọc bộ sách này giúp cho hiểu biết y học ngày một tiến, được người trong kinh thành biết đến; con quan Tri phủ Hạ Hồng cũng vì sách trên mà đem lòng ngưỡng mộ vị danh y…
Là người cầm đầu một nước, việc quân quốc trọng sự nhiều không kể xiết, nhưng nhiều đấng quân vương vẫn dành ra quỹ thời gian ít ỏi để thả hồn vào sách. Vua Lê Thánh Tông được Toàn thư khen “sớm khuya không lúc nào rời sách vở”, còn Lịch triều hiến chương loại chí thì chép “ham học không biết mỏi, tay không rời sách vở; kinh, sử, chư tử, lịch số, toán, chương đều tinh thông”. Trong khi ấy theo Quốc sử di biên, vua Minh Mạng “thường sai 18 sai nha mang sách theo, chuẩn bị sẵn nếu có điều gì thì tra hỏi lại” vì ngài cho rằng “xem sách rất có ích cho thần trí con người”. (còn tiếp)
TRẦN ĐÌNH BA
TNO