01/11/2024

Khổ vì lầm tưởng bị hậu COVID-19

Khổ vì lầm tưởng bị hậu COVID-19

Nhiều người mắc bệnh khác sau khỏi COVID-19 nhưng lại tưởng là di chứng của hậu COVID-19, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ.

 

 

Khổ vì lầm tưởng bị hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Bệnh nhân đi khám hậu COVID – Ảnh: DUYÊN PHAN

Những “lầm tưởng” tai hại

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cấp cứu trường hợp bệnh nhi với triệu chứng lơ mơ, ngủ gà, kèm cơn đau đầu, ói mửa.

Bé gái được xác định bị não úng thủy thể tắc nghẽn do khối u chèn ép vì dịch trong não bị tắc, không lưu thông được. Các bác sĩ phải phẫu thuật đặt ống dẫn lưu để giải phóng chèn ép, tiếp tục làm các xét nghiệm khác bởi nhiều khả năng là khối u ác tính.

Điều đáng nói, gia đình bệnh nhi trên cho biết do bé đã bị nhiễm COVID-19, sau đó đau đầu, ói mửa,… người nhà cứ nghĩ cháu bé bị các triệu chứng hậu COVID-19 nên không đưa đi khám.

Không chỉ người đã từng nhiễm COVID-19 mới có những lầm tưởng tai hại, kể cả người chưa xác định nhiễm COVID-19 cũng tự cho rằng chắc mình bị COVID-19 mà không biết và các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, uể oải… là hậu COVID-19.

Bà H.T.N. (ngụ phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết gần đây thường bị mệt mỏi, ho khan kéo dài nhưng xét nghiệm COVID-19 vẫn âm tính. 

Trước đó, đã vô số lần bà là F1 nên bà N. đinh ninh mình từng nhiễm COVID-19 mà không biết và đang bị hậu COVID, đến khi vô tình xét nghiệm ra kết quả dương tính.

 

Tránh nhầm lẫn triệu chứng giữa các bệnh

TS Nguyễn Như Vinh – trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp (Bệnh viện Đại học Y dược) – cho biết không phải các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, khó thở… sau khi khỏi COVID-19 đều là do hậu COVID-19.

Hậu COVID-19 là khi chúng ta đã loại hết những nguyên nhân gây bệnh từ những bệnh lý khác.

“Trước đây, khi chưa có dịch bệnh xuất hiện, một người bình thường vẫn có thể gặp phải các triệu chứng bệnh của COVID-19 hoặc hậu COVID-19 như khó thở, đau đầu, đau họng, ho kéo dài… đến từ các nguyên nhân khác. Khó thở do hen suyễn, ho do bệnh lao phổi cũng dễ bị lầm tưởng là hậu COVID-19”, bác sĩ Vinh chia sẻ.

Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, những người có các di chứng hậu COVID-19 thường rơi vào nhóm người bị bệnh nặng, các F0 phải nằm hồi sức tích cực, người có các bệnh nền mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận.

Ngoài ra, có một phần nhỏ những người trẻ tuổi gặp triệu chứng nhẹ của hậu COVID-19 khi điều trị tại nhà có thể là do trước đó họ không đi khám sức khỏe thường xuyên nên bản thân không biết mình có bệnh.

Có những người bị rối loạn trong nhịp tim nhưng thường không có biểu hiện cụ thể nên sau khi mắc COVID-19 sẽ khiến các rối loạn này nặng lên, gây lầm tưởng đây là di chứng hậu COVID-19.

“Khi có bất cứ triệu chứng gì bất thường thì nên đi khám để kiểm tra, xác định nguyên nhân bệnh lý, tránh trường hợp chỉ chăm chăm nghĩ hậu COVID-19, bỏ sót các bệnh khác, làm diễn biến bệnh nặng hơn” – BS Việt nói.

Các bác sĩ khuyến cáo ngoài việc thăm khám khi có triệu chứng bệnh bất thường kéo dài, người dân nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát các bệnh lý tiềm ẩn, tránh lầm tưởng do COVID-19.

CẨM NƯƠNG
TTO