Tiến độ tiêm mũi 3 chậm: Do tâm lý chủ quan!
Tiến độ tiêm mũi 3 chậm: Do tâm lý chủ quan!
Theo yêu cầu của Chính phủ, cuối quý 1-2022 cả nước phải hoàn thành tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi. Tuy nhiên dù đã bước sang quý 2, nhưng theo báo cáo Bộ Y tế, hiện chỉ có gần 50% người ở độ tuổi này được tiêm mũi 3. Vì sao?
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vào ngày 4-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Việc tiêm vắc xin mũi thứ 3 dù rất nỗ lực nhưng chưa đạt tiến độ mong muốn”. Theo Bộ Y tế và chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này.
“Đã có miễn dịch tự nhiên”!
Theo báo cáo Bộ Y tế, đến ngày 5-4 cả nước đã tiêm hơn 207 triệu liều vắc xin COVID-19. Tỉ lệ bao phủ mũi 1 vắc xin COVID-19 cho người trên 18 tuổi là gần 100% (hơn 71 triệu liều), mũi 2 đạt 99% (hơn 68 triệu liều) và mũi 3 đạt gần 50% (hơn 35 triệu liều).
Bộ Y tế từng nhiều lần gửi công văn “nhắc” các địa phương tăng tốc hơn nữa việc tiêm mũi 3 cho người đến lịch tiêm. Tuy nhiên, kết quả hiện nay chỉ mới đạt nửa chặng đường theo yêu cầu của Thủ tướng.
Lý giải điều này, Bộ Y tế nêu ra hai nguyên nhân. Thứ nhất là do số lượng người mắc COVID-19 tăng cao, trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3, do đó có sự trì hoãn tiêm chủng.
Thứ hai, một bộ phận người dân đã tiêm 2 liều vắc xin sau khi mắc COVID-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì chủ quan cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh.
Phân tích thêm về những nguyên nhân khiến tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 3 cả nước chưa đạt, TS Phạm Quang Thái – trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) – cho rằng ở nhóm người đã tiêm 2 mũi và khỏi bệnh COVID-19 họ có thể chọn không tiêm mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có nhiều người chưa hề mắc COVID-19 nhưng vẫn trì hoãn tiêm mũi 3 khi cho rằng bệnh nhẹ, không đáng lo ngại.
“Đây chính là bộ phận có thể ảnh hưởng đến hoạt động phòng chống dịch, vì họ có thể nhiễm trong thời gian tới và có thể chuyển nặng. Các địa phương cần lưu tâm tăng cường, rà soát nhóm người này”, TS Thái nhấn mạnh.
Một nguyên nhân khách quan khác được TS Thái cho biết thêm là vào thời điểm cả nước triển khai đợt cao điểm tiêm vắc xin mũi 3 thì lại thiếu vắc xin và thiếu dung dịch pha vắc xin Pfizer. Tại thời điểm đó, theo hướng dẫn hiện hành, nhiều người chỉ có thể tiêm vắc xin Pfizer. Do đó nhiều người đã đến thời điểm để tiêm mũi 3 nhưng buộc phải trì hoãn.
“Thời điểm đó thiếu cục bộ vắc xin Moderna và dung dịch pha vắc xin Pfizer nên nhiều địa phương trên cả nước chưa sẵn sàng triển khai. Đến khi có vắc xin và dung môi thì một bộ phận người dân đã nhiễm COVID-19 và có quan điểm có miễn dịch tự nhiên nên không tiêm mũi 3 nữa”, ông Thái nói.
Gây lãng phí lớn vắc xin
Với tỉ lệ liều tiêm vắc xin mũi 1 và 2 trên cả nước hiện nay đã đạt gần 100%, theo TS Phạm Quang Thái, kết quả này giúp người bệnh phòng bệnh chuyển nặng, tử vong. Tuy nhiên để tăng độ an toàn, đặc biệt cho những người suy giảm miễn dịch, cao tuổi… thì cần tiêm mũi 3 kịp thời.
Thực tế đã có nhiều người tiêm mũi 2 nhưng khi nhiễm COVID-19 vẫn chuyển nặng, còn người dân tiêm đủ 3 mũi thì tỉ lệ chuyển nặng và tử vong rất thấp. Với những người suy giảm miễn dịch nên tiêm vắc xin mũi 4.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM – cũng cho rằng tiêm mũi 3 rất cần thiết và quan trọng, giúp “củng cố” miễn dịch, đặc biệt giúp người bệnh ít chuyển nặng và nguy cơ chuyển nặng nếu nhiễm COVID-19. Do đó những người chưa tiêm mũi 3 và chưa nhiễm COVID-19 thì nên tiêm nhanh chóng.
“Dù khả năng miễn dịch chống lây nhiễm của mũi 3 sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng khả năng miễn dịch chống lại bệnh nặng và tử vong lại bền vững. Thực tế có nhiều người tiêm mũi 3 vẫn nhiễm COVID-19 nhưng ít chuyển nặng. Ngược lại có người chưa tiêm đủ 3 mũi khi nhiễm thì chuyển nặng, thường gặp ở nhóm người nguy cơ cao”, ông Dũng lý giải.
Đối với người tiêm 2 mũi vắc xin và đã mắc COVID-19, TS Phạm Quang Thái khuyến cáo có thể tiêm mũi 3 ngay sau khỏi bệnh nhưng cũng có thể trì hoãn tiêm mũi 3 một thời gian vì cơ thể đã có miễn dịch nhất định sau nhiễm (kéo dài ít nhất 3 tháng).
Bên cạnh những người có được miễn dịch cao sau nhiễm, vẫn có những người miễn dịch ở mức thấp do đặc điểm cơ địa hoặc tình huống nhiễm cụ thể. Do đó, xét về mặt y tế cộng đồng, nếu số đông người dân trì hoãn tiêm mũi 3 thì vẫn sẽ có người không được bảo vệ bởi vắc xin và một lượng vắc xin không được sử dụng sẽ hết hạn từ đó gây lãng phí lớn.
Cả nước đã tiêm: 207 triệu liều vắc xin COVID-19
Tỉ lệ phủ mũi 1: gần 100% (hơn 71 triệu liều)
Tỉ lệ phủ mũi 2: 99% (hơn 68 triệu liều)
Tỉ lệ phủ mũi 3: gần 50% (hơn 35 triệu liều)
(Nguồn: Bộ Y tế, tính đến ngày 5-4)
Vắc xin vẫn hiệu quả với biến chủng tái tổ hợp
Trước biến chủng COVID-19 tái tổ hợp – gồm XD, XE, XF – đã xuất hiện ở châu Âu, trong đó biến chủng XE được cho là có khả năng lây truyền cao hơn so với biến thể BA.2, TS Phạm Quang Thái cho hay hiện Việt Nam chưa ghi nhận biến chủng này.
Tuy nhiên, với sự giao thương quốc tế đã sôi động như hiện nay thì biến chủng mới này sớm muộn cũng sẽ có mặt ở nước ta.
“Khi độ phủ vắc xin tốt, dù có lây nhiễm nhưng không có tình trạng chuyển nặng, hệ thống y tế không bị quá tải thì vẫn ổn”, ông Thái nói.
Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi, tiêm vét với trẻ em 12 – 17 tuổi và nhóm người chỉ định. Đồng thời luôn sẵn sàng kịch bản để chủ động ứng phó với các làn sóng dịch có thể xảy ra.
Không phải nhiễm xong có miễn dịch tốt
Trao đổi với Tuổi Trẻ vào ngày 6-4, một chuyên gia của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia chia sẻ lý do đến thời điểm này chỉ mới có trên 50% người trên 18 tuổi tiêm mũi 3 vắc xin là nhiều người đã mắc COVID-19 rồi không muốn đi tiêm.
Thứ hai, chuyên gia này cho biết có một giai đoạn gián đoạn vắc xin ngay ở cao điểm của dịch (đầu năm 2022). Đây là điều bất khả kháng.
Hiện các tỉnh thành, bệnh viện đang đẩy mạnh tiêm chủng mũi 3, mục tiêu là hoàn thành mũi 3 trong thời gian nhanh nhất có thể. Một số nơi đã chuyển sang tiêm mũi 4 cho người nguy cơ cao, người tiêm 3 mũi đầu bằng vắc xin Vero Cell, Abdala, Sputnik V.
“Tuy nhiên do gần đây có nghị quyết phiên họp về tiêm chủng, theo đó người đã nhiễm COVID-19 tiêm mũi 3 sau khi khỏi 3 – 6 tháng, vì thế có thể những người mới mắc COVID-19 từ đầu 2022 đến nay vẫn đang chờ chứ chưa tiêm mũi 3. Hiện chúng tôi đang đợi hướng dẫn chính thức về việc này” – chuyên gia này nêu ý kiến.
Về vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, chuyên gia cho hay lô vắc xin Moderna đầu tiên đã về để tiêm cho trẻ 6 tuổi trở lên, nhưng hiện có một số điểm chưa thống nhất: Trẻ khỏi COVID-19 bao lâu thì tiêm vắc xin? Nghị quyết ở trên cho hay là sau 3 tháng, nhưng chưa có hướng dẫn.
Bên cạnh đó, hệ thống tiêm chủng các tuyến cũng đang chờ tập huấn, đồng thời chưa có vắc xin cho trẻ 5 tuổi. Chuyên gia này cho hay trước khi triển khai tiêm chủng cho trẻ sẽ có một hướng dẫn chung, trong đó có cả thời gian tiêm cho trẻ mắc COVID-19 đã khỏi.
“Không phải nhiễm xong có miễn dịch tốt mà tiêm chủng để có miễn dịch chủ động cũng rất tốt. Quốc tế cũng khuyến cáo có thể tiêm ngay, không cần chờ. Nếu chờ thì nguy cơ có một lượng lớn có thể bỏ đi vì thời gian chờ tới 3 tháng trở lên, trong khi vắc xin về đến Việt Nam còn hạn không dài.
Hiện đã có 20 – 30% trẻ đã nhiễm COVID-19 và thuộc nhóm sẽ hoãn tiêm” – chuyên gia này nói.