19/11/2024

Những chuyện ‘thâm cung’ thời kháng Pháp thế kỷ 19: Mối quan hệ kỳ lạ Lê Trực – Mouteaux

Những chuyện ‘thâm cung’ thời kháng Pháp thế kỷ 19: Mối quan hệ kỳ lạ Lê Trực – Mouteaux

So với Nguyễn Phạm Tuân, có lẽ đề đốc Lê Trực gây ra cho viên đại úy Mouteaux nhiều nỗi lo hơn. Một trong những lý do để quyết đoán như vậy là khu vực đóng quân của Lê Trực cũng đồng thời là vùng quê của ông.

 

 

 

Khi thành Hà Nội bị thất thủ vào tay quân Pháp năm 1882, lãnh binh Lê Trực bị tước quan chức, trở về làng cũ sống bình dị với ruộng vườn. Khoảng năm 1885 – 1886, khi vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng đến Quảng Bình xuống chiếu Cần vương, Lê Trực đứng lên chiêu mộ người yêu nước, thành lập đạo quân Cần vương ngày một lớn mạnh. Vào thời điểm này, ông được vua Hàm Nghi phong đề đốc và thường được người dân trong vùng gọi bằng một cái tên thân thiết: Đề Lê.

Những chuyện 'thâm cung' thời kháng Pháp thế kỷ 19: Mối quan hệ kỳ lạ Lê Trực - Mouteaux - ảnh 1
Cận cảnh vị trí ngôi nhà của vua Hàm Nghi trên thượng nguồn sông Gianh  NGUỒN: BAVH SỐ 3/1929

Ngoài uy tín cá nhân đối với cư dân trong vùng, Lê Trực còn rành rẽ đường đi nước bước trong thôn làng và các khu vực rừng núi. Đây là một thế mạnh buộc giặc Pháp không dám xem thường.

Sau khi đến đồn Quảng Khê, Mouteaux công bố ngay một bản tuyên cáo dài đề ngày 18.11.1886, kêu gọi nghĩa quân và dân chúng hai huyện Bố Trạch và Minh Hòa thuộc phủ Quảng Trạch (Quảng Bình) hãy đầu hàng và phục tùng mệnh lệnh quan Pháp. Trong tuyên cáo, y đề ra 8 điều khoản chi tiết phải được mọi người Việt chấp hành (L. Cadière – Quelques papiers du capitaine Mouteaux (Mấy trang tài liệu của đại úy Mouteaux) – BAVH số 1 năm 1944, trang 54-56). Ngày 31.12.1886, Mouteaux gửi cho đề đốc Lê Trực bức thư chiêu hàng với những lời lẽ như sau:

“Đại úy Mouteaux, chỉ huy trưởng các đồn binh tại Phủ Chợ Đồn và huyện Bố Trạch gửi đề đốc Lê Trực.

“… Tôi lấy làm tiếc khi phải nói với ông rằng những điều kiện ông đưa ra không thể chấp nhận được. Cuộc chiến ở Quảng Bình bắt đầu với việc tàn sát giáo dân Thiên Chúa. Bổn phận của chúng tôi là bảo vệ họ, không phải vì họ là người Thiên Chúa giáo, mà vì do chúng tôi, họ mới bị sát hại.

… Tôi cũng lấy làm tiếc báo cho ông biết rằng nếu sau 8 ngày mà ông không quy hàng, chúng tôi sẽ tấn công trở lại. Đến Quảng Khê, ông và người của ông sẽ được đón tiếp trong tình thân hữu. Tôi đã bắt tay với người lãnh đạo khởi loạn ở Lèn-Bạc, và tôi có thể bảo đảm với ông rằng tôi quý trọng ông hơn ông ta rất nhiều.

Xin ông hãy suy nghĩ kỹ. Không cần chờ ông phúc đáp, tôi trả về ông vô điều kiện ông Trần Đế (nghĩa quân bị bắt làm tù binh – L.N) để ông thấy rằng tôi thành thật với ông.

Xin tạm biệt, mong gặp lại nhau, dù với tư cách bằng hữu hay kẻ thù.

Tôi và người của tôi có những bàn chân khỏe, nếu ông không đến, tôi hy vọng sẽ tìm gặp ông.

Thành thực chào ông với ước mong ông sẽ quyết định vì lợi ích của xứ sở ông.

Mouteaux” (L. Cadière – tlđd – trang 87-88).

Những chuyện 'thâm cung' thời kháng Pháp thế kỷ 19: Mối quan hệ kỳ lạ Lê Trực - Mouteaux - ảnh 2
Vua Hàm Nghi lúc mới lên ngôi (1884)  TƯ LIỆU

Bức thư của Mouteaux vừa mang những ngôn từ nhẹ nhàng, lịch sự, vừa ẩn chứa những lời đe dọa kín đáo. Qua các cuộc hành quân vào khu vực trú đóng của nghĩa quân và qua những thông tin do các giáo sĩ và giáo dân cung cấp, y biết được thực lực của họ khá hùng hậu, gồm khoảng 2.000 quân, trang bị chừng 50 khẩu súng, còn lại là giáo mác, cung tên và 8 khẩu đại bác nhỏ. Có lẽ do điều này mà Mouteaux đã chọn sách lược “vừa đánh vừa đàm”, dùng lời lẽ lịch sự để lung lạc tấm lòng trọng nghĩa của đề đốc Lê Trực.

Nhận được thư trên của viên đại úy Pháp, ngày 8.1.1887, Lê Trực gửi cho Mouteaux một thư trả lời với những lời lẽ cũng vừa cứng rắn, vừa lịch sự không kém.

“Ngày 15 tháng chạp năm Hàm Nghi thứ hai,… Ông đại úy, ông đã nhiều lần dụ tôi ra hàng triều vua mới, nhưng ông đã không thấy rằng chính những giáo sĩ (Pháp) và thầy tu An Nam là nguyên nhân gây ra mối bất hòa giữa chúng ta.

… Giờ đây, tôi kết hợp nhân dân lại, theo tiếng gọi của tôi, họ vũ trang để tự vệ và không có âm mưu sát hại những người theo đạo. Về phần tôi, do đau yếu, tôi cử các võ quan và binh sĩ đến gặp ông để nói cho ông rõ những ý định của tôi. Ông nghĩ rằng tôi không thích nhìn thấy những phòng tuyến do người theo đạo dựng lên, về điểm này, ông có lý.

Ông đại úy là người đại diện nước Pháp ở đây, tôi mong ông hiểu rằng tôi muốn quay về cảnh sống cô tịch, không làm tôi mọi bất cứ ai, trên một mảnh đất không thuộc về ai, chỉ có trời và đất. Tôi sẽ làm gì đây và sẽ ra sao? Tôi không còn biết nữa. Tôi cầu chúc các ông được sống trong sự thịnh vượng lâu dài.

Tôi chưa có lần bắt tay ông, nhưng chúng ta hiểu và tôn trọng nhau. Không nhất thiết phải ngồi chung một thuyền, ăn trên cùng một bàn, nằm trên cùng một chiếu, chúng ta mới hiểu nhau. Chuyện tôi có đầu hàng hay không, xin ông đừng bao giờ nghĩ rằng nó sẽ xảy ra. Tôi gửi đến ông những món quà mọn (hai con gà, trứng và trái cây) và lá thư này tôi gửi theo em trai của người tú tài mà ông đã trả về cho tôi (đã đề cập trong thư ngày 31.12.1886 của Mouteaux – L.N), nhờ anh ta thay mặt tôi gửi lời chào ông” (Ch.Gosselin – Sđd – trang 273-274 – L.N trích dịch).

(còn tiếp)

LÊ NGUYỄN

TNO