Xem xét chuyển Covid-19 từ bệnh ‘đặc biệt nguy hiểm’ sang nhóm ‘nguy hiểm’
Xem xét chuyển Covid-19 từ bệnh ‘đặc biệt nguy hiểm’ sang nhóm ‘nguy hiểm’
Hôm qua (17.3), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (Chương trình) được thực hiện trong 2 năm 2022 – 2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện Chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 tại điểm tiêm Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) ĐỘC LẬP |
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19: đến hết quý 1/2022 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên; bảo đảm đủ vắc xin và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9.2022.
Về kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19, mục tiêu đặt ra là tất cả cấp chính quyền có kịch bản phòng, chống dịch Covid-19; tất cả mọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tất cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá.
Có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn; giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên 1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á.
Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Tất cả đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị… đều được tiếp cận các dịch vụ y tế.
Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp y tế cụ thể. Trong đó, cần theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước; kịp thời sửa đổi, bổ sung, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn bảo đảm đúng phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời khôi phục, phát triển kinh tế. Thực hiện linh hoạt nguyên tắc “ngăn chặn – phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”.
Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (là các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh) sang nhóm B (nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong). Chính phủ yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm.
TP.HCM: F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu hạ nhiệt
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 17.3, TP.HCM có 2.370 ca mắc mới được công bố và 5.563 ca test nhanh dương tính. Tuy nhiên, chỉ có 742 ca nhập viện và 2 ca tử vong. Cùng ngày, có 689 ca xuất viện và hơn 17.000 ca hoàn thành cách ly tại nhà. Như vậy, tính đến hết ngày 17.3, TP.HCM đang cách ly, chăm sóc và điều trị cho 100.230 ca.
Trong đó có 5.326 ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, tầng 3. Số ca nặng có xu hướng tăng nhẹ, cụ thể có 616 ca thở ô xy và 97 ca thở máy xâm lấn. Tuy nhiên số ca F0 cách ly tập trung cũng giảm xuống còn 566 ca và cách ly tại nhà từ hơn 100.000 ca giảm xuống còn hơn 94.288 ca.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác chính trị – tư tưởng (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết kết quả khảo sát sự đồng thuận của phụ huynh học sinh từ 5 – 12 tuổi về tiêm vắc xin Covid-19 như sau: mầm non có 60,5% đồng thuận, tiểu học có 81,2% và THCS có 87,7%. Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục chuẩn bị một cách tốt nhất để sẵn sàng tiêm vắc xin cho học sinh trong độ tuổi này ngay khi có kế hoạch; đồng thời tổ chức truyền thông lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 để tạo sự đồng thuận cao hơn.
Duy Tính – Sỹ Đông
CHÍ HIẾU
TNO