Vì sao bậc tiểu học có số ca mắc và nghi mắc Covid-19 cao nhất?
Vì sao bậc tiểu học có số ca mắc và nghi mắc Covid-19 cao nhất?
Chưa được tiêm vắc xin, tổ chức bán trú tại trường, độ tuổi còn nhỏ, số lượng học sinh đông nhất trong các cấp học… là những lý do khiến cho số lượng ca nhiễm ở bậc tiểu học tại TP.HCM nhiều nhất trong những tuần qua.
Cần giải bài toán bán trú nhưng an toàn
Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM ngày 9.3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, qua thống kê số liệu báo cáo cho thấy bậc tiểu học phát hiện số ca nhiễm, và nghi nhiễm cao hơn các cấp học khác. Ông cho rằng vấn đề này đều có lý do của nó.
“Các cháu ngủ nằm kiểu đó sao mà không lây, cần tính sao phối hợp y tế nhà trường, phụ huynh để giải bài toán này. Đây là chỗ khó nhưng phải giải được bài toán này để hạn chế lây nhiễm, vì lây nhiễm càng nhiều thì nguy cơ nặng và tử vong khó giữ được như hiện nay”, ông Nên nói.
Chưa tiêm vắc xin, tổ chức bán trú, độ tuổi còn nhỏ… là những khó khăn các trường gặp phải khi tổ chức cho học sinh tiểu học đi học lại thời điểm này NGUYỄN LOAN |
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải tăng cường các biện pháp để đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong trường học. Thành phố đã mở cửa trường học, trong đó có các em dưới 12 tuổi chưa được tiêm nên phải hết sức tập trung, phòng chống dịch”.
Vì sao số ca tăng cao ở bậc tiểu học?
Theo báo cáo thống kê của Sở GD-ĐT, từ đầu tháng 2 tới nay, số trường hợp nghi mắc Covid-19 tăng nhanh trong trường học, đặc biệt là ở bậc tiểu học.
Từ ngày 21.2, bậc tiểu học liên tục ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm và nghi nhiễm tại trường, trong đó ngày 21.2 là 1.650 ca; 25.2 là 2.169 ca; ngày 1.3 là 2.900 ca… Tổng từ ngày 7.2 – 2.3 bậc tiểu học ở TP.HCM đã ghi nhận hơn 17.400 ca. Trong khoảng thời gian này, bậc THCS ghi nhận hơn 10.000 ca, THPT là hơn 7.300 ca nghi nhiễm…
Trong đó, số lượng ca mắc, nghi mắc cao nhất là Q.1 (4.005 người), Q.Bình Thạnh (3.483), TP.Thủ Đức (3.303), Q.12 (3.222) và Q.Tân Phú (2.871).
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên chiều 9.3, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng số ca nhiễm tăng nhanh ở bậc tiểu học có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đầu tiên, đây là bậc có số lượng học sinh cao nhất với 674.173 em, cao gần gấp đôi so với các cấp học khác (mầm non là 339.000 em, THCS là 453.082 em, THPT là 230.891 em).
Ngoài số lượng đông thì học sinh tiểu học hiện chưa được tiêm vắc xin nên có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19 cao hơn so với bậc THCS, THPT.
Khi tổ chức cho học sinh tiểu học đi học trở lại, Sở GD-ĐT cũng đánh giá đây là bậc học gặp nhiều khó khăn vì lứa tuổi các em còn nhỏ, kỹ năng và ý thức phòng bệnh và tự bảo vệ bản thân còn chưa cao nên gặp khó khăn khi tổ chức, cũng không thực hiện tốt việc phòng dịch bệnh như học sinh bậc THCS, THPT.
Ngoài ra, việc tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học cũng là một trong những yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến số ca F0 trong trường học tăng nhanh khi tổ chức ăn, ngủ cho học sinh tại trường. Nhưng bán trú ở bậc tiểu học là nhu cầu cần thiết của phụ huynh.
“Từ đầu, trước khi học sinh tiểu học đi học trực tiếp trở lại, Sở GD-ĐT đã lưu ý, tập huấn cho các trường, đặc biệt là vấn đề tổ chức bán trú. Nhưng đây là vấn đề rất khó với các trường, khi thực hiện trường phải đảm bảo nhiều tiêu chí phòng dịch mới được tổ chức. Nhưng hoạt động bán trú là cần thiết, nỗ lực tổ chức các hoạt động bình thường hóa trong trường học”, ông Trọng nói và cho biết hiện Sở GD-ĐT và Sở Y tế TP.HCM đang ngồi lại với nhau để có những điều chỉnh phù hợp trong việc tổ chức bán trú.
NGUYỄN LOAN
TNO