18/11/2024

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Từng có đề nghị toán, văn, ngoại ngữ là môn tự chọn

Sau khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành và công bố, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên, đã trải lòng khá thẳng thắn với Thanh Niên về quá trình từ lúc ông nhận lời đảm nhiệm vai trò này đến những chuyện ‘hậu trường’ trong quá trình soạn thảo chương trình.

  

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Từng có đề nghị toán, văn, ngoại ngữ là môn tự chọn

Sau khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành và công bố, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên, đã trải lòng khá thẳng thắn với Thanh Niên về quá trình từ lúc ông nhận lời đảm nhiệm vai trò này đến những chuyện ‘hậu trường’ trong quá trình soạn thảo chương trình.
 
 
 
 
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trải lòng về quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới /// TUỆ NGUYỄN

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trải lòng về quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới   TUỆ NGUYỄN

 

Tôi không định gánh vác việc này

Thưa ông, chức danh Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) lần đầu tiên có trong lịch sử giáo dục VN. Vì sao ông nhận lời làm công việc đầy “mạo hiểm” này?
Sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có mời tôi đến gặp hai lần. Lần đầu để hỏi một số vấn đề về giáo dục. Lần sau đề nghị tôi làm Tổng chủ biên CT GDPT. Tôi từ chối ngay vì lúc đó tôi đã bước sang tuổi 69, sức khoẻ có hạn, quỹ thời gian không còn nhiều, muốn để làm một số công việc riêng của mình. Tôi cũng có giới thiệu với anh Nhạ một số người khác.
 

Sau đó, tôi được biết anh Nhạ có tiếp xúc với 5 – 6 người. Khoảng 1 tháng, anh lại mời tôi lên và nói rằng những người anh gặp đều có mặt mạnh và sẽ mời tham gia công việc phù hợp với mặt mạnh của mỗi người, nhưng vẫn tha thiết đề nghị tôi đứng vai trò Tổng chủ biên.

 
Một phần nể anh Nhạ, phần cũng muốn chia sẻ gánh nặng với anh nên cuối cùng tôi đã nhận lời, dù tôi đã hình dung công việc này cực kỳ khó khăn. Tôi cũng đoán anh Nhạ chọn tôi vì những lý do nhất định. Trước khi làm quản lý ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, tôi từng dạy ở Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc 10 năm nên cũng có hiểu biết về GDPT. Sau đó, 6 năm về làm việc ở Viện Khoa học giáo dục, tôi cũng có điều kiện tham gia nghiên cứu GDPT, đi hướng dẫn giáo viên và tham gia viết sách giáo khoa từ năm 1992. Cho đến khi làm Tổng chủ biên CT GDPT, tôi đã tham gia nhiều công việc liên quan đến chương trình, sách giáo khoa phổ thông như: thẩm định chương trình, viết sách giáo khoa, thẩm định sách giáo khoa… suốt từ lớp 1 đến lớp 12 và dạy mẫu, dự giờ nhiều ở trường phổ thông…
 
Thời gian làm việc tính từ tháng 11.2016 đến khi chương trình chính thức được ban hành là 2 năm, 1 tháng. Thực sự nhìn lại vẫn thấy đây là một công việc quá lớn, có ảnh hưởng lâu dài đến giáo dục và nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Điều đó tạo ra sức ép nhưng cũng tạo thêm động lực làm việc cho tôi. Hai năm trời, tôi cùng với 55 anh em khác đã lao động hết sức vất vả, tâm huyết để có chương trình này.
 
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Từng có đề nghị toán, văn, ngoại ngữ là môn tự chọn1

Tài liệu giới thiệu về các chương trình môn học mới  ẢNH: TUỆ NGUYỄN

 
Ông có được quyền lựa chọn chủ biên các môn học không?
Có. Khoảng tháng 8.2016, sau khi Chính phủ VN và Ngân hàng Thế giới ký hiệp định cho vay vốn thì Bộ trưởng Nhạ có công văn gửi các sở GD-ĐT, các trường ĐH sư phạm, Viện Khoa học giáo dục… đề nghị giới thiệu người tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa. Tôi được quyền giới thiệu các chủ biên và các chủ biên được quyền giới thiệu những người tham gia. Chúng tôi giới thiệu dựa trên danh sách cơ sở đưa lên, bảo đảm số dư đối với mỗi vị trí. Bộ GD-ĐT và Ngân hàng Thế giới quyết định lựa chọn các chuyên gia này theo thủ tục chọn thầu quốc tế.

56 người không phải lúc nào cũng thuận hoà

56 người phối hợp với nhau để làm một công việc mà như ông nói, ảnh hưởng tới cả vài thế hệ học sinh và giáo viên, chắc không phải lúc nào cũng… thuận hòa?
Xây dựng CT GDPT là một công việc lớn; xây dựng chương trình theo định hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực lại là công việc rất mới mẻ. Do vậy, thời gian đầu, khi bắt tay vào việc, ngồi bàn bạc với nhau có thể nói là rất gian nan.
 
 
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Từng có đề nghị toán, văn, ngoại ngữ là môn tự chọn - ảnh 3

Tôi có nói đùa với anh em là khi tôi làm ở Quốc hội thì khó nhất là bàn chuyện phân bổ ngân sách; thôi làm đại biểu, ai ngờ lại phải can dự vào việc phân bổ thời lượng cho các môn học cũng rất cam go

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Từng có đề nghị toán, văn, ngoại ngữ là môn tự chọn - ảnh 4
 
 

Có những việc phải định nghĩa lại với nhau, vì trước nay chưa từng làm. Ví dụ, một việc rất khó, không tránh khỏi tranh luận trong xây dựng chương trình là phân bổ thời lượng cho các môn học. Tôi có nói đùa với anh em là khi tôi làm ở Quốc hội thì khó nhất là bàn chuyện phân bổ ngân sách; thôi làm đại biểu, ai ngờ lại phải can dự vào việc phân bổ thời lượng cho các môn học cũng rất cam go. Nhưng rồi, qua bàn bạc dân chủ, chúng tôi cũng đi đến thống nhất với nhau những căn cứ để phân bổ thời lượng cho các môn học.

Trong tranh luận, rất khó tránh khỏi những lần anh em gay gắt với nhau. Nhưng tôi thì tôi cho rằng đó là chuyện bình thường.
 
Mặc dù đã cùng anh chị em đưa con thuyền về đích rồi, nhưng nhìn lại thời gian đã qua, tôi vẫn thấy phụ trách công việc biên soạn CT GDPT là rất khó; không chỉ khó về chuyên môn mà còn khó vì phải giải quyết được hài hòa các mối quan hệ. Ban soạn thảo có 56 người, có rất nhiều “đầu lĩnh” về chuyên môn, ai cũng có cá tính mạnh. Để phát huy được sức mạnh của mỗi người, đi tới thống nhất quan điểm, phải bảo đảm được dân chủ trong bàn bạc, sáng tạo. Nhìn chung, trong hơn 2 năm làm việc, anh chị em ai cũng nói được hết ý của mình, kể cả những ý hoàn toàn trái ngược nhau. Đó cũng là cơ hội để học hỏi lẫn nhau.
 
Hẳn từ ý tưởng đầu tiên xây dựng chương trình đến khi chính thức ra đời, không tránh khỏi phải “uốn sửa” cho phù hợp hơn?
 
Có những chi tiết như vậy. Ví dụ, ý tưởng đầu tiên khi làm chương trình là ở cấp THPT phải phân hóa sâu, học sinh học thật ít môn, kể cả các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ cũng là môn học tự chọn. Thế nhưng dự tính này vấp phải nhiều khó khăn. Một là theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia của Chính phủ thì ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến hết lớp 12. Ngoại ngữ bắt buộc đến lớp 12 mà ngôn ngữ quốc gia (tiếng Việt) chỉ dạy đến hết lớp 9 thì không chấp nhận được. Toán cũng là môn học công cụ rất quan trọng. Chỉ ở một số nước thực hiện chương trình giáo dục cơ bản 10 năm thì đến 2 năm cuối cấp THPT, những học sinh không có định hướng nghề nghiệp khoa học tự nhiên và công nghệ mới không học toán.
 
Hay như các môn tin học, công nghệ, ngoại ngữ là những môn học rất quan trọng đối với yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập. Lúc đầu, Ban soạn thảo muốn bố trí dạy các môn học này từ lớp 1. Nhưng sau khi nghiên cứu thực tế thì thấy nếu đưa vào từ lớp 1 thì không thể kịp chuẩn bị các điều kiện dạy học; vì vậy phải chuyển lên lớp 3. Mặc dù vậy, để đáp ứng nhu cầu của một số vùng phát triển, chương trình vẫn bố trí ngoại ngữ là môn học tự chọn ở lớp 1, lớp 2. Những chuyện như thế phải bàn tính rất kỹ.
 
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Từng có đề nghị toán, văn, ngoại ngữ là môn tự chọn2

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (thứ 3 từ trái sang) trong buổi làm việc với các chuyên gia nước ngoài về xây dựng chương trình mới  ẢNH: NVCC

Có phải làm chương trình để “vẽ” ra tiêu tiền ?

Các thành viên trong Ban soạn thảo có nói thường xuyên nhận được email công việc của ông từ lúc nửa đêm về sáng…?
 
Cũng có nhiều lần tôi bị mất ngủ. Mất ngủ không phải vì không ngủ được mà không được ngủ (cười) vì áp lực công việc… Nhiều anh em trong Ban soạn thảo thắc mắc không biết tôi ngủ vào lúc nào khi mà không ít lần 11 giờ đêm tôi gửi email, anh em gửi email trả lời, đến 2 giờ 30 sáng tôi lại có email trao đổi về ý kiến rồi. Thực sự có những thời kỳ vất vả như vậy nhưng tôi nghĩ cũng may là trời cho có sức nên vẫn chịu đựng được. Nhưng nói thực, giá không phải chịu đựng vẫn tốt hơn.
 
Có ý kiến cho rằng xây dựng CT GDPT mới chỉ là cách “vẽ” ra để tiêu tiền và rồi nó chẳng đi đến đâu cả. Ông tiếp nhận thông tin này thế nào?
 
Thực ra việc cần thiết phải đổi mới thì các văn bản, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra và đó cũng là đòi hỏi từ thực tiễn. Không ai vẽ ra được cả. Và nếu vẽ ra để chia tiền thì chẳng ai tha thiết mời tôi tham gia làm gì và tôi cũng chẳng từ chối làm gì.
 
Đây là tiền vay của Ngân hàng Thế giới, hai bên kiểm soát rất chặt về chi tiêu. Ví dụ, các thành viên Ban soạn thảo chương trình được trả lương thông qua dự án và khi đã có lương thì phải tự lo hết mọi việc, không có thù lao họp hành, nghiên cứu gì hết. Các thành viên ở miền Nam, miền Trung bay ra bay vào để họp thì phải tự bỏ tiền mua vé máy bay, ăn ở, đi lại.
Tất nhiên, lâu nay có những dự án nghìn tỉ gây thất thoát, lãng phí đã làm mất niềm tin của xã hội nên khi cứ nghe thấy những đề án, dự án với số tiền lớn là dư luận lại nghi ngờ. Đó là điều dễ hiểu.
 
Đặt giả thiết vài năm hoặc lâu hơn nữa chương trình triển khai trong thực tế và không đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí là thất bại, lúc đó Ban soạn thảo chương trình đã xong nhiệm vụ của mình. Ông nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của ông với tư cách Tổng chủ biên và từng thành viên trong Ban soạn thảo?
 
Trong 4 lần cải cách và đổi mới giáo dục trước đây thì 3 lần cải cách giáo dục không kịp biên soạn chương trình mà chỉ viết sách giáo khoa. Đến lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông năm 2000, chúng ta mới tổ chức được việc soạn thảo, thẩm định và ban hành chương trình tương đối bài bản. Nhưng lúc đó, mỗi cấp học có một ban soạn thảo chương trình riêng, làm việc độc lập với nhau. Năm 2005, khi luật Giáo dục quy định chương trình phải có chuẩn thì lúc đó Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển mới giao cho Viện Khoa học giáo dục tập hợp chuyên gia, hợp nhất 3 chương trình của 3 cấp học và xây dựng chuẩn. Vì xây dựng chuẩn chương trình trong lúc sách giáo khoa đã có rồi nên chuẩn đó thực chất là chép từ sách giáo khoa vào.
 
Lần này chương trình đã được xây dựng rất bài bản, quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo, kế thừa những ưu điểm của chương trình hiện hành và tiếp thu kinh nghiệm quốc tế. Tôi có thể khẳng định rằng chương trình này nhất định thành công.
 
Còn về trách nhiệm của Ban soạn thảo, mỗi người chúng tôi từ khi bắt tay xây dựng chương trình đã ý thức được đầy đủ trách nhiệm của mình, ít nhất là trách nhiệm về tinh thần trước nhân dân, trước xã hội. Do vậy, chúng tôi đã làm bằng tất cả tâm huyết, hiểu biết và trách nhiệm của mình.
 
GS Nguyễn Minh Thuyết (71 tuổi) quê quán xã Phú Thị, H.Gia Lâm, Hà Nội.
Từ năm 1990 – 2003, ông là tiến sĩ, giáo sư, giảng viên cao cấp thuộc Khoa Ngôn ngữ học, Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trước khi làm quản lý ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ông từng dạy ở Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc; làm việc ở Viện Khoa học giáo dục; tham gia viết sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12.
 
Ông là đại biểu Quốc hội VN các khoá XI, XII của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn và từng đóng vai trò là Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ông nhận nhiệm vụ Tổng chủ biên CT GDPT mới từ tháng 11.2016.
* CT GDPT mới phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
 
Trong chương trình mới, chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục mới hoặc mang tên mới là: tin học và công nghệ, ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên ở cấp THCS; âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp THCS, THPT.
 
Chương trình có tổng kinh phí 778,8 tỉ đồng để biên soạn và triển khai áp dụng.

Luôn nhớ những email anh gửi vào đêm rất muộn
GS Phạm Hồng Tung, Chủ biên môn lịch sử
ẢNH: NVCC

CT GDPT và các chương trình môn học mới được công bố. Cả đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học trong Ban phát triển chương trình và toàn thể lãnh đạo và nhân viên của chúng tôi đều đã cố gắng hết mình để hoàn thành công việc. Nhưng người đóng góp nhiều nhất, tận tâm tận lực nhất chính là anh Thuyết. Không chỉ là người lãnh đạo, dẫn dắt anh em, anh còn là người nêu gương và truyền cảm hứng. Anh em luôn nhớ những email anh gửi vào lúc đêm rất muộn. Trên hết ở anh vẫn là nhà giáo với lương tâm, trách nhiệm và tinh thần khuyến khích và trọng dụng nhân tài.

GS Phạm Hồng Tung, Chủ biên môn lịch sử
Chương trình mới đã đáp ứng được yêu cầu mới
TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT
ẢNH: NVCC

CT GDPT mới đã đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và chuẩn hóa nội dung GDPT theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn. Nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh. Đối với mỗi môn học, việc lựa chọn, sắp xếp nội dung giáo dục bảo đảm sự tinh giản, gắn với thực tiễn, tạo thuận lợi cho việc thực thi các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh…

TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT

TUỆ NGUYỄN