23/11/2024

Luật điện ảnh sửa đổi: ‘Luật trước cấm có mấy dòng, giờ cấm cả trang!’

Luật điện ảnh sửa đổi: ‘Luật trước cấm có mấy dòng, giờ cấm cả trang!’

Đó là lời thốt lên của đại biểu Phan Thanh Bình khi tham dự Hội nghị góp ý dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) diễn ra tại TP.HCM sáng 23-2.

 

 

Luật điện ảnh sửa đổi: Luật trước cấm có mấy dòng, giờ cấm cả trang! - Ảnh 1.

Hội nghị nhận được nhiều góp ý của giới làm nghề về định hướng phát triển điện ảnh trong tương lai – Ảnh: MAI THỤY

Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích lấy ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 5 tới.

Đông đảo đạo diễn, nhà sản xuất, đơn vị phát hành, đại diện các hiệp hội đã tham gia thảo luận. Trong đó, vai trò của Nhà nước đối với lĩnh vực điện ảnh nhận được nhiều ý kiến sôi nổi.

Góp tiếng nói trong hội nghị do Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội triển khai, đạo diễn Phan Đăng Di đánh giá lại hiệu quả việc đầu tư công cho điện ảnh.

“Tôi không biết trước khi sửa đổi luật chúng ta đã có khảo sát hiệu quả đầu tư tiền ngân sách đối với các tác phẩm điện ảnh làm nhiệm vụ chính trị chưa.

Nếu chúng ta có điều tra, nó sẽ cho ra một kết quả rất đáng lo ngại vì: Thứ nhất, hầu hết những tác phẩm này không xuất hiện trong đời sống nghệ thuật. Thứ hai là chúng cũng không làm được nhiệm vụ đi vào liên hoan quốc tế để giới thiệu văn hóa Việt Nam. Vậy chúng ta có nên hiểu lại khái niệm nhiệm vụ chính trị hay không?” – ông Phan Đăng Di gợi ý.

Luật điện ảnh sửa đổi: Luật trước cấm có mấy dòng, giờ cấm cả trang! - Ảnh 3.

Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng nhiệm vụ chính trị trong điện ảnh phải đặt mục tiêu phim Việt có tiếng nói trên thế giới lên hàng đầu – Ảnh: LINH ĐOAN

Đạo diễn của bộ phim Bi, đừng sợ! cho biết trong gần 1 năm làm thành viên của Hội đồng Thẩm định kịch bản, ông đã nhận được rất nhiều tác phẩm không thể đi xa được với tư duy rất cũ của những năm 1980.

“Nhiệm vụ chính trị hiện nay vốn chỉ tập trung vào các phim thiếu nhi, lịch sử, đồng bào dân tộc miền núi… Trong khi nguồn lực hẹp mà nhiệm vụ chính trị cũng hẹp như vậy thì chúng ta đã hạn chế rất nhiều trong việc thu hút các tài năng” – ông nói thêm.

Đồng ý với quan điểm phải nới rộng khái niệm nhiệm vụ chính trị, bà Thanh Thúy, phó giám đốc Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM, nhận định “chính trị phải bao hàm tất cả vấn đề của cuộc sống, nó bao hàm cả kinh tế, giáo dục, y tế, tôn giáo… thì không lý gì đặt người dân ở ngoài”.

Sở dĩ “nhiệm vụ chính trị” nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đại biểu vì đi liền với thuật ngữ này là sự hỗ trợ của Nhà nước. Thuật ngữ càng hẹp, đồng nghĩa sẽ càng ít tác phẩm có cơ hội nhận được tài trợ từ ngân sách công và vô hình trung nền điện ảnh sẽ bị chết non từ trứng nước.

Tìm giải pháp cho câu chuyện này, PGS.TS Trần Luân Kim – nguyên chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam – đề xuất thay vì tài trợ cho đề tài, Nhà nước nên tài trợ cho kịch bản.

“Để làm được một bộ phim, người ta phải có kịch bản. Qua kịch bản, chúng ta có thể kiểm tra được bộ phim đó tương lai như thế nào trong khi vẫn chưa bỏ tiền ra. Đó là cơ sở quan trọng”.

Dù đã trải qua nhiều cuộc họp góp ý, các ý kiến nhìn nhận dự thảo luật hiện vẫn thiên về hướng quản lý, cấm đoán hơn là khuyến khích phát triển nền điện ảnh, đến mức ông Phan Thanh Bình – nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng – phải thốt lên: “Luật ngày càng cấm nhiều hơn, trước cấm có mấy dòng, giờ cấm cả trang giấy!”.

Suốt buổi họp, các đại biểu đã thảo luận nhiều lần về điều 9 liên quan đến những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong điện ảnh. Điều này chứng tỏ các quy định của luật đang làm bối rối người làm nghề và chưa hoàn thiện cao dù đã sắp đáo hạn trình ra Quốc hội phê duyệt.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng quy định cấm tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân rất mơ hồ. Nếu bộ phim na ná nhân vật nào đó, người ta có quyền kiện thì nhà sản xuất, đạo diễn buộc phải ngưng phim lại.

“Điều này đã từng xảy ra ở một số hội liên hiệp văn học nghệ thuật của các địa phương. Học trò của tôi là hội viên của các hội này nhưng bị khai trừ chỉ vì tác phẩm văn học ấy, câu chuyện ấy giống với một đồng chí abc nào đó hoặc một lãnh đạo địa phương” – ông Hùng Tú kể.

MAI THUỴ
TTO