Bệnh nhân COVID-19 nặng tăng lên 3.400 ca, làm gì để bảo vệ?
Bệnh nhân COVID-19 nặng tăng lên 3.400 ca, làm gì để bảo vệ?
10 ngày trước, số người bệnh F0 nặng trên cả nước khoảng 2.600 thì đến nay đã lên hơn 3.400 người. Nguyên nhân là số bệnh nhân COVID-19 tăng liên tục khiến bệnh nhân nặng và nguy kịch tăng theo.
Trước tình trạng số ca nặng tăng cao, các cơ quan y tế và chuyên gia đã đưa ra những hướng dẫn để bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Số ca nhiễm tăng kỷ lục
Số ca nhiễm COVID-19 trên cả nước những ngày qua tăng cao, với hàng chục nghìn ca mỗi ngày. Riêng ngày 22-2 gần 55.871 ca, đây là ngày được xem có số ca nhiễm tăng kỷ lục. Cùng với đó là số ca bệnh nặng cũng lên đến 3.434 ca.
Tại Hà Nội, số ca nhiễm COVID-19 luôn “dẫn đầu” so với cả nước và mỗi ngày “leo thang”. Trong ngày 22-2 cũng là ngày có ca nhiễm cao nhất trong nhiều tháng qua tại Hà Nội với 6.860 ca.
Đại diện phòng truyền thông Bệnh viện điều trị COVID-19 (Hà Nội) cho biết hiện bệnh viện đang điều trị khoảng 180 bệnh nhân COVID-19. Trong một tuần trước, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị khoảng 140 bệnh nhân. Như vậy, so với tuần trước, số bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện tăng lên 40 người.
Vị này cho biết thêm mặc dù số ca nhiễm tại bệnh viện tăng nhưng số ca tử vong đã giảm hơn so với thời gian trước (1 – 2 ca/ngày), nguyên nhân có thể do người nhóm nguy cơ cao đã được tiêm đủ vắc xin.
Tại TP.HCM, số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng. Hiện các bệnh viện trên địa bàn TP đang điều trị 50 bệnh nhân COVID-19 nặng thở máy, 9 bệnh nhân can thiệp ECMO. Số ca tử vong những ngày qua may mắn duy trì vài ca (chủ yếu từ các tỉnh khác chuyển đến), có ngày không ghi nhận ca nào.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – cho biết từ tuần trước, TP đã tính toán, sẵn sàng mọi kịch bản để ứng phó mọi tình huống dịch COVID-19 có thể bùng trở lại. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại là biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trong số ca nhiễm trong cộng đồng, TP có đề nghị sở cùng các chuyên gia, nhà khoa học chuẩn bị thêm kịch bản khi biến chủng mới này xuất hiện.
Hiện ngành y tế TP vẫn duy trì hoạt động các bệnh viện dã chiến đa tầng 13, 14 và 16, trong đó bệnh viện dã chiến số 14 và 16 có quy mô 600 giường bệnh. Bên cạnh đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Chợ Rẫy vẫn duy trì 200 giường bệnh hồi sức/bệnh viện. Nếu ca bệnh tiếp tục tăng cao, các bệnh viện dã chiến sẽ được kích hoạt hoạt động trở lại trong vòng 24 giờ.
Bảo vệ “hai chiều”
Theo PGS Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cần phải bảo vệ “hai chiều” nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19. Bản thân những người cao tuổi, có bệnh nền cần tuân thủ các biện pháp 5K, hạn chế đi lại, đến những nơi công cộng. Nếu chưa tiêm vắc xin cần tiến hành tiêm vắc xin càng sớm càng tốt.
Về phía gia đình cũng cần theo dõi nếu ra ngoài làm việc cần hạn chế tiếp xúc với người lớn tuổi trong gia đình. Nếu người trong nhà mắc COVID-19 thì cần cách ly nghiêm ngặt, tránh việc lây nhiễm. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng và tập luyện cho nhóm này cũng hết sức quan trọng. Cần tạo tâm lý lạc quan, tập luyện thể dục thể thao, bổ sung dinh dưỡng để có sức khỏe tốt.
“Nếu có biểu hiện mắc COVID-19 cần báo ngay cho cơ sở y tế để được theo dõi và xử lý kịp thời”, ông Phu khuyến cáo.
Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, TP về việc hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19. Trong đó nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao với mức độ bệnh tăng nặng và tử vong cao khi mắc COVID-19 là nhóm người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ.
Bộ Y tế yêu cầu tổ chức tiêm lưu động đến tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại nhà cho những người không di chuyển được. Đồng thời rà soát, lập danh sách, thống kê người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ và phê duyệt danh sách nhóm nguy cơ mắc COVID-19 trên địa bàn phụ trách.
Việc quản lý nhóm người có nguy cơ mắc COVID-19 cần điều tra xác định các yếu tố như tình trạng bệnh nền đang được điều trị, tình trạng sức khỏe (khả năng tự đi lại, tự chăm sóc bản thân), tình trạng sống chung (sống một mình, sống chung), nhu cầu hỗ trợ (chăm sóc, điều trị bệnh nền, thuốc, nhu cầu khác). Áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý, theo dõi tình trạng sức khỏe, tình trạng tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Đưa trẻ béo phì vào nhóm nguy cơ cao cần bảo vệ
Theo Bộ Y tế, trong thời gian gần đây trẻ em mắc COVID-19 đang có xu hướng gia tăng. Phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%).
Trẻ em mắc COVID-19 thường ở thể nhẹ, vì thế tỉ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn, tuy nhiên trẻ dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng.
Đặc biệt, trẻ hội chứng viêm đa hệ thống cũng ghi nhận gia tăng. Đây là hội chứng nặng, hiếm gặp và thường gặp ở giai đoạn muộn sau nhiễm COVID-19 từ 2 – 6 tuần, có thể gây tử vong.
Cùng tình hình chung cả nước, số trẻ nhiễm COVID-19 tại TP.HCM cũng gia tăng, đặc biệt các em mới đi học lại. Cụ thể trong tuần lễ từ ngày 7 đến 13-2, TP ghi nhận gần 500 học sinh mắc COVID-19 tại 117 trường. Con số này tăng lên 6000 học sinh tại 201 trường học tại TP trong tuần gần nhất.
Trước tình hình này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị sở đưa trẻ em vào chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao vì đây là đối tượng chưa thể bảo vệ mình, chưa thể tự thực hiện biện pháp 5K, người trực tiếp giám hộ, giáo viên cũng có thể là nguồn lây cho các em.
Ngày 22-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ tại TP đang được tiếp tục đẩy mạnh, trong đó có cả trẻ em có tình trạng béo phì. Trước đây nhóm người nguy cơ cao được ưu tiên bảo vệ tại TP là người cao tuổi, mắc bệnh nền, chưa tiêm vắc xin…