24/11/2024

TP.HCM: Trên 32.400 trẻ dưới 16 tuổi mắc COVID-19, 48 cháu tử vong

TP.HCM: Trên 32.400 trẻ dưới 16 tuổi mắc COVID-19, 48 cháu tử vong

Trong bối cảnh mở cửa trở lại, dự kiến số trẻ mắc cao, cha mẹ không nên chủ quan với trẻ mắc COVID-19. Báo cáo sáng nay của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết riêng tại TP.HCM đã có trên 32.400 trẻ mắc COVID-19, 48 cháu đã tử vong.

 

TP.HCM: Trên 32.400 trẻ dưới 16 tuổi mắc COVID-19, 48 cháu tử vong - Ảnh 1.

Học sinh cấp 2 tại Hà Nội quay trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến – Ảnh: NAM TRẦN

Chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Khoa – phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế – tại hội nghị tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức sáng 16-2 cho biết tính đến ngày 14-2, toàn quốc ghi nhận hơn 2.555.000 ca mắc COVID-19.

Trong đó có hơn 490.000 là trẻ em dưới 18 tuổi, chiếm 19,2% (13 – 17 tuổi 4,8%; 6 – 12 tuổi 8%; 3 – 5 tuổi 2,8% và 0 – 2 tuổi 3,6%).

Toàn quốc ghi nhận 165 trẻ mắc COVID-19 tử vong, chiếm 0,42% so với tử vong chung, cụ thể trẻ 13 – 17 tuổi 0,11%; 6 – 12 tuổi 0,1% và 0 – 2 tuổi 0,18%.

Theo phân tích tình hình COVID-19 tại một số bệnh viện đến ngày 7-2, tại TP.HCM số mắc trẻ em dưới 16 tuổi là trên 32.400 cháu trong 516.163 ca mắc chung của TP, chiếm tỉ lệ 6,3%.

Số ca tử vong trẻ em là 48 ca/tổng số ca tử vong cộng dồn 20.379 người (chiếm 0,23% tổng số ca tử vong). Tỉ lệ tử vong/mắc 0,15%. Phân tích 2.478 ca mắc, COVID-19 tại TP.HCM có 165 ca trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch. Trong số này có 13,9% các cháu dư cân, béo phì, 8,5% có bệnh đi kèm.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, tổng số trẻ em được khám và chẩn đoán COVID-19 là 611 cháu, trong đó có 545 ca được chuyển khám, cách ly tại địa phương, 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện.

Hiện Bệnh viện Nhi trung ương đang điều trị 10 ca, thời gian qua đã có 5 trẻ mắc COVID-19 tử vong (gồm 3 bệnh nhân sơ sinh, 1 bệnh nhân 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, 1 bệnh nhân 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên).

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương có tổng 617 ca trẻ em dưới 16 tuổi, 1 trẻ sơ sinh tử vong do sản phụ mắc COVID-19, suy hô hấp, thai 32 tuần. Các ca mắc COVID-19 có biểu hiện lâm sàng nhẹ chiếm 67,9%, trung bình 28,7%, số ca nặng 3,5% và ca có bệnh nền 0,8%. Ngày điều trị trung bình 16,2 ngày.

Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, rất may số tử vong ở trẻ em rất ít. “Chúng ta phải làm sao bảo vệ nhóm thừa cân béo phì, đang điều trị bệnh nền, mãn tính…, các nhóm này nhiễm COVID-19 khả năng tử vong cao hơn.

Trong bối cảnh mở cửa trở lại, dự kiến số trẻ mắc cao. Mặc dù số tử vong trẻ không cao nhưng 80% cháu bé không có bệnh nền, không nhóm tuổi sơ sinh vẫn chuyển biến nặng. Đây là số liệu buộc chúng ta cảnh giác, không thể chủ quan”, ông Khoa nhấn mạnh.

Trao đổi tại hội thảo, TS.BS Phan Hữu Phúc, phó trưởng khoa điều trị tích cực nội khoa – Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết dịch bệnh lây lan và tử vong ở người lớn cao nhưng tỉ lệ mắc ở trẻ em, đặc biệt mức độ nghiêm trọng và tử vong ở trẻ khá thấp trong 2 năm vừa qua.

“Những tháng gần đây, đặc biệt khi có biến chủng mới, chúng ta lo ngại tỉ lệ mắc ở trẻ em bắt đầu gia tăng. Gần đây một số trường hợp nặng và tử vong ở Bệnh viện Nhi trung ương, những trẻ có nguy cơ cao thường tiến triển nặng cao hơn nhóm khác và một số biến chứng đáng lo ngại”, ông Phúc nói.

BS Nguyễn Lân Hiếu, bộ môn tim mạch và BS Lê Nhật Cường – bộ môn Nhi, Trường đại học Y Hà Nội, cũng đưa ra các cách điều trị chăm sóc bệnh nhi mắc COVID-19 tại nhà.

Theo BS Hiếu, COVID-19 đã hiện hữu cùng y tế và xã hội trong hơn 2 năm, tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 ngày càng gia tăng. Bệnh cảnh nhìn chung nhẹ hơn người lớn nhưng cũng không được chủ quan.

Các yếu tố nguy cơ bệnh nặng ở trẻ gồm đẻ non, cân nặng thấp; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gene, béo phì; bệnh hô hấp mãn tính, hen phế quản; bệnh tim bẩm sinh; suy giảm miễn dịch bẩm sinh, mắc phải (HIV, điều trị corticoid kéo dài); bệnh thận mãn; ung thư, huyết học (bệnh hồng cầu hình liềm)…

Mục tiêu điều trị tại nhà là phát hiện kịp thời các triệu chứng nặng, điều trị các triệu chứng thông thường và tránh lây nhiễm chéo trong gia đình.

Lợi ích điều trị tại nhà là trẻ được chăm sóc trong vòng tay người thân, không bị thay đổi môi trường sống, ít ảnh hưởng tới tâm lý và hạn chế quá tải y tế không cần thiết.

Về dấu hiệu chuyển nặng, bao gồm thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú, tím môi, đầu chi, chi lạnh tái, nổi vân tím.

Khi có những dấu hiệu trên cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

DƯƠNG LIỄU
TTO