Chăm sóc sức khoẻ cho trẻ khi trở lại trường ra sao?
Chăm sóc sức khoẻ cho trẻ khi trở lại trường ra sao?
Nguy cơ nhiễm bệnh khi trẻ đi học trực tiếp sẽ không nhiều nếu nhà trường, thầy cô, phụ huynh cùng phối hợp để có sự chuẩn bị tốt, giúp trẻ an toàn khi quay lại trường cho dù có nhiều biến thể COVID-19 mới xuất hiện.
ThS.BS CKI Mai Quang Huỳnh Mai, phó khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), học trực tuyến quá lâu đã bộc lộ rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý và khả năng học tập của trẻ.
Nguy cơ nhiễm bệnh khi trẻ đi học trực tiếp sẽ không nhiều nếu nhà trường, thầy cô, phụ huynh cùng phối hợp để có sự chuẩn bị tốt, giúp trẻ an toàn khi quay lại trường cho dù có nhiều biến thể COVID-19 mới xuất hiện.
Chú ý 4 nhóm thực phẩm
Về dinh dưỡng, đối với bữa ăn sáng, phụ huynh cần chú trọng đầy đủ dưỡng chất vì đây là nguồn cung cấp năng lượng cho trẻ hoạt động và học tập hiệu quả tại trường. Cần dành đủ thời gian cho trẻ ăn sáng tại nhà (có thể đánh thức trẻ dậy sớm hơn khoảng 10-15 phút nếu cần để trẻ không phải ăn sáng trong tâm trạng vội vã).
Phụ huynh nên chuẩn bị bữa ăn sáng với đầy đủ bốn nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất) không phải là những thức ăn nhanh mua vội trên đường đi học vừa không đủ dinh dưỡng vừa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể cung cấp cho trẻ một số loại snack ngũ cốc để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ vào giờ giải lao.
Bữa trưa nếu trẻ phải học hai buổi tại trường, không thể đón trẻ về nhà thì một trong những biện pháp giúp trẻ an toàn khi học tại trường là cho trẻ mang theo hộp cơm ăn tại trường trong tình huống nhà trường chưa thể tổ chức cho trẻ ăn tập trung an toàn.
Bác sĩ Mai lưu ý thời tiết hiện nay khá nóng và oi bức, trẻ vận động sẽ đổ mồ hôi dẫn đến thiếu nước và điện giải, vì vậy chúng ta cần lưu ý chuẩn bị cho trẻ đủ nước (nước lọc, nước trái cây, nước có điện giải) và chất xơ, vitamin (rau củ quả, trái cây…) trong khẩu phần mang theo.
Cần lưu ý chuẩn bị các phương tiện bảo quản thức ăn cho trẻ, tránh tình trạng thức ăn bị hư hỏng do thời tiết nóng bức.
Với bữa tối, đây là bữa ăn hạnh phúc nhất trong ngày vì cả gia đình được ăn cùng nhau, nên chuẩn bị những món ngon miệng hợp khẩu vị trẻ, đủ dưỡng chất, cần lưu ý giờ ăn tối phù hợp (khoảng 1-2 giờ sau khi từ trường về) để trẻ không quá đói.
Thiết kế chế độ ăn cho trẻ đầy đủ dưỡng chất theo nguyên tắc “my plate”, trong đó chú trọng chất đạm (ưu tiên đạm quý có giá trị sinh học cao như thịt, cá, trứng, sữa…), rau xanh, trái cây cùng với lượng tinh bột vừa phải, hạn chế thực phẩm nhiều đường đơn (bánh kẹo ngọt, nước ngọt…), thức ăn nhanh chiên rán với dầu mỡ có nhiều axit béo bão hòa.
Thay đổi thói quen vận động, ngủ đủ giấc
Bác sĩ Huỳnh Mai cho biết tập luyện thể thao trở thành “xa xỉ” trong thời điểm giãn cách xã hội, hậu quả trẻ ngày càng trở nên lười vận động, thụ động và tỉ lệ béo phì, mắc tật khúc xạ mắt tăng cao.
Phụ huynh nên hạn chế tối đa việc trẻ sử dụng thiết bị điện tử ngoài giờ học online, vận động trong nhà, tìm mọi cơ hội cho trẻ được vận động vừa sức như yêu cầu trẻ phụ giúp làm việc nhà không dùng máy móc, lên xuống cầu thang, đi bộ trong khuôn viên nhà, chơi bóng rổ trong sân nhà…
Để chuẩn bị cho trẻ đi học lại chúng ta cần rèn lại cho trẻ có giờ giấc ngủ hợp lý, số lượng giờ ngủ trong ngày hợp lý như sau: Trẻ mầm non (10 – 13 giờ), tiểu học + THCS (9 – 11 giờ), THPT (8 – 10 giờ). Bác sĩ Huỳnh Mai nhấn mạnh giấc ngủ trưa (dù ngắn) nhưng có thể giúp trẻ học hiệu quả vào buổi chiều.
Trẻ cần đi ngủ sớm vào buổi tối (khoảng 21h) để não trẻ được nghỉ ngơi, qua đó giúp trẻ có thể thức dậy sớm vào sáng hôm sau để chuẩn bị cho một ngày mới học tập hiệu quả hơn. Không cho trẻ dùng thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ.
Kỹ năng ăn uống an toàn
Bên cạnh đó, cần huấn luyện cho trẻ kỹ năng ăn uống an toàn tại trường (khử khuẩn tay trước khi ăn, cởi bỏ khẩu trang đúng cách, ngồi giãn cách với các bạn ở vị trí thông thoáng gió, không nói chuyện trong khi ăn, đeo khẩu trang mới sau khi ăn…).