24/11/2024

Đức Bênêđictô XVI: Xấu hổ, đau đớn, chân thành cầu xin sự tha thứ về các vụ lạm dụng tính dục

Đức Bênêđictô XVI: Xấu hổ, đau đớn, chân thành cầu xin sự tha thứ về các vụ lạm dụng tính dục

Trong thư gửi các tín hữu Giáo phận Munich, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói về nạn ấu dâm của các giáo sĩ, và lấy một gợi ý từ những từ “tội rất nặng của tôi” được lặp lại trong Thánh lễ, ngài nói: “Bản thân chúng ta bị cuốn vào tội lỗi rất nặng này khi chúng ta không đối mặt với nó bằng quyết định cần thiết và trách nhiệm.”

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI lên tiếng trực tiếp và cách cá nhân để đưa ra tiếng nói của ngài về báo cáo về các vụ lạm dụng ở Giáo phận Munich và Freising, nơi ngài làm tổng giám mục gần 5 năm. Ngài thực hiện điều này bằng một lá thư mang tinh thần sám hối, trong đó có “lời thú tội” của cá nhân ngài bằng cách bày tỏ “nỗi đau của ngài đối với những lạm dụng và sai sót xảy ra trong thời gian tôi được giao nhiệm vụ ở những nơi tương ứng”.

Trong phần đầu lá thư, Đức Bênêđictô viết rằng ngài đã sống “những ngày kiểm thảo lương tâm và suy tư” sau khi báo cáo được công bố. Ngài cảm ơn vì sự gần gũi đã được bày tỏ bởi rất nhiều người, cảm ơn những người đã cộng tác với ngài để xem tài liệu và chuẩn bị các câu trả lời gửi đến uỷ ban. Như đã làm trong những ngày gần đây, một lần nữa ngài xin lỗi về sự nhầm lẫn, hoàn toàn không cố ý, về sự hiện diện của ngài trong cuộc họp ngày 15/1/1980, trong đó ngài quyết định tiếp đón một linh mục cần được chữa trị trong giáo phận. Và ngài cũng nói “đặc biệt biết ơn vì sự tin tưởng, hỗ trợ và những lời cầu nguyện mà cá nhân Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ với tôi”.

Trong phần thứ hai của lá thư, Đức nguyên Giáo hoàng nói rằng ngài được đánh động bởi thực tế là hàng ngày Giáo hội đặt ở trung tâm của mọi cử hành Thánh lễ “lời thú nhận tội lỗi của chúng ta và lời cầu xin ơn tha thứ. Chúng ta hãy công khai cầu xin Thiên Chúa hằng sống tha thứ cho tội lỗi, tội nặng và rất nặng của chúng ta. Đức Bênêđictô nói tiếp rằng rõ ràng là “từ ‘rất nặng’ không nói đến cùng một cách thức mỗi ngày, từng ngày. Nhưng mỗi ngày nó chất vấn tôi rằng phải chăng hôm nay tôi cũng phải nói về tội lỗi rất nặng hay không. Và nó nói với tôi cách an ủi rằng dù tội lỗi của tôi ngày hôm nay có lớn đến đâu, Thiên Chúa vẫn sẽ tha thứ cho tôi, nếu tôi thành tâm để mình được Người dò xét và thực sự sẵn sàng thay đổi bản thân”.

Sau đó, Đức Joseph Ratzinger nhắc lại những cuộc trò chuyện trực tiếp với các nạn nhân của các vụ lạm dụng do các giáo sĩ gây ra. Ngài viết: “Trong tất cả các cuộc gặp gỡ của tôi, đặc biệt là trong nhiều chuyến tông du, với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các linh mục, tôi đã nhìn vào mắt của họ của hậu quả của một tội lỗi rất lớn và tôi đã học cách hiểu rằng chính chúng ta bị cuốn vào tội lỗi rất nặng này khi chúng ta bỏ sót nó hoặc khi chúng ta không đối mặt với nó bằng quyết định và trách nhiệm cần thiết, như đã xảy ra và xảy ra quá thường xuyên.”

Đức nguyên Giáo hoàng khẳng định: “Như trong những cuộc gặp gỡ đó, một lần nữa tôi chỉ có thể bày tỏ sự xấu hổ sâu sắc, nỗi đau to lớn và lời cầu xin chân thành tha thứ từ tất cả các nạn nhân của lạm dụng tính dục. Tôi đã có những trách nhiệm lớn lao trong Giáo hội Công giáo. Lớn hơn rất nhiều là sự đau buồn của tôi đối với những lạm dụng và sai sót đã xảy ra trong thời gian tôi được giao nhiệm vụ ở những nơi tương ứng. Mỗi trường hợp lạm dụng tính dục đều khủng khiếp và không thể sửa chữa được. Tôi bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với các nạn nhân bị lạm dụng tính dục và tôi đau buồn vì mỗi trường hợp.”

Do đó, Đức Bênêđictô XVI nói rằng ngài càng hiểu hơn “sự rùng mình và sợ hãi mà Chúa Kitô đã trải qua trên Núi Ôliu khi nhìn thấy tất cả những điều khủng khiếp mà Người phải vượt qua trong nội tâm. Thời điểm đó các môn đệ đang ngủ và thật không may thời điểm đó lại tượng trưng cho tình hình đang xảy ra một lần nữa ngày nay và tôi cũng cảm thấy bị cật vấn về điều đó. Và vì vậy tôi chỉ có thể cầu nguyện với Chúa và tất cả các thiên thần và các thánh và các bạn, anh chị em thân mến, hãy cầu nguyện với Chúa là Thiên Chúa của chúng ta cho tôi”.

Đức nguyên Giáo hoàng kết thúc thư của ngài với những lời sau: “Tôi sẽ sớm đến trước thẩm phán cuối cùng của cuộc đời tôi. Ngay cả khi khi nhìn lại quãng đời dài của mình, tôi có thể có nhiều lý do kinh hoàng và sợ hãi, tôi vẫn có một tâm hồn  hạnh phúc vì tôi tin tưởng chắc chắn rằng Chúa không chỉ là người thẩm phán công minh, mà còn là người bạn và người anh đã chịu đựng những thiếu sót của tôi và do đó, với tư cách là thẩm phán, đồng thời là người biện hộ cho tôi (Paraclete). Nghĩ đến giờ phán xét, ân sủng của việc trở thành một Kitô hữu trở nên rõ ràng đối với tôi. Là một Kitô hữu cho tôi kiến​​thức, hơn nữa, tình bạn với vị thẩm phán của cuộc đời tôi và cho phép tôi tự tin vượt qua cánh cửa tối tăm của tử thần.”

Cùng với lá thư của Đức Bênêđictô XVI, một tài liệu ngắn 3 trang cũng được công bố, được viết bởi bốn cộng tác viên là các chuyên gia về luật – Stefan Mückl, Helmuth Pree, Stefan Korta và Carsten Brennecke – những người đã tham gia vào việc soạn thảo 82 trang để trả lời các câu hỏi từ ủy ban. Những phản hồi đó, được đính kèm với báo cáo lạm dụng ở Munich, đã gây ra tranh cãi và có một lỗichuyển dịch dẫn đến việc khẳng định sự vắng mặt của Đức Tổng Giám mục Ratzinger tại cuộc họp, trong đó ngài đã quyết định đón tiếp một linh mục bị buộc tội lạm dụng.

Trong các câu trả lời mới, các chuyên gia nhắc lại rằng Đức Hồng y Ratzinger, khi đón tiếp linh mục đến điều trị tại Munich, đã không biết rằng linh mục này là một kẻ lạm dụng. Và trong cuộc họp vào tháng 1 năm 1980, lý do linh mục này phải điều trị không được đề cập đến cũng như không được quyết định sử dụng trong hoạt động mục vụ. Các tài liệu xác nhận những gì Đức Ratzinger đã nói.

Tiếp đến, tài liệu của các chuyên gia giải thích cụ thể lý do về sai lỗi liên quan đến sự hiện diện của Đức Ratzinger mà ban đầu bị phủ nhận: chỉ Giáo sư Mückl được phép xem các tài liệu ở phiên bản điện tử, mà không được lưu, in hoặc sao chụp tài liệu. Trong giai đoạn soạn thảo tiếp theo, Tiến sĩ Korta đã vô tình mắc lỗi phiên âm, cho rằng Đức Ratzinger vắng mặt vào ngày 15/1/1980. Do đó, không thể quy lỗi phiên dịch này cho Đức Bênêđictô XVI như là tuyên bố sai lầm có chủ ý hay “nói dối”. Trong số những điều khác, vào năm 2010, một số bài báo, chưa bao giờ bị phủ nhận, đã nói về sự hiện diện của Đức Ratzinger tại cuộc họp đó và chính Đức nguyên Giáo hoàng, trong cuốn tiểu sử do Peter Seewald viết và xuất bản năm 2020, khẳng định ngài đã có mặt.

Các chuyên gia khẳng định rằng không có trường hợp nào được báo cáo phân tích cho thấy Đức Joseph Ratzinger biết về bất kỳ hành vi lạm dụng tính dục nào hoặc nghi ngờ về hành vi lạm dụng tính dục bởi các linh mục. Tài liệu không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho điều ngược lại và trên thực tế, trả lời các câu hỏi chính xác về điểm này trong cuộc họp báo giới thiệu tài liệu, chính các luật sư đã soạn thảo báo cáo cho biết họ giả định rằng Đức Ratzinger biết, nhưng tuyên bố của họ không được chứng thực bằng các lời chứng hoặc tài liệu.

Cuối cùng, các chuyên gia phủ nhận rằng trong các câu trả lời mà họ soạn thảo thay mặt cho Đức nguyên Giáo hoàng họ đã giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của hành vi khoe cơ thể của một linh mục. “Trong bản ghi nhớ, Đức Bênêđictô XVI không giảm nhẹ hành vi khoe cơ thể, nhưng ngài đã lên án rõ ràng hành vi đó. Cụm từ được sử dụng như bằng chứng giả định về việc giảm nhẹ sự khoe cơ thể là ngoài bối cảnh”. Trong câu trả lời, Đức Bênêđictô XVI tuyên bố rằng những lạm dụng, bao gồm cả việc khoe cơ thể, là “khủng khiếp”, “tội lỗi”, “đáng trách về mặt đạo đức” và “không thể sửa chữa được”. Trong đánh giá của các chuyên gia, người ta chỉ nhắc lại rằng theo luật có hiệu lực thời đó thì hành vi khoe cơ thể “không phải là tội theo giáo luật, bởi vì luật hình sự liên quan không bao gồm các hành vi thuộc loại đó trong trường hợp này”.

Bản đính kèm có chữ ký của bốn cộng tác viên chuyên gia về luật, mà Đức nguyên Giáo hoàng chịu trách nhiệm về kết quả công việc, do đó góp phần làm rõ những gì xuất phát từ tâm trí và trái tim của Đức Ratzinger, và về kết quả nghiên cứu của các cộng tác viên của ngài. Đức Bênêđictô XVI nhắc lại rằng ngài không biết về những hành vi lạm dụng của các linh mục trong thời gian ngài làm giám mục (của Munich). Nhưng với những lời lẽ khiêm tốn và mang tâm tình Kitô giáo sâu sắc, ngài cầu xin sự tha thứ cho “tội lỗi rất nặng” của những hành vi lạm dụng và những lỗi lầm, ngay cả những lỗi đã xảy ra trong thời gian ngài lãnh đạo.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-02/bien-duc-xvi-lam-dung-tinh-duc-munich-xau-ho-dau-don-tha-thu.html