Cần giảm tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục
Cần giảm tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục
Một năm cũ đã khép lại, nhiều giảng viên hy vọng năm 2022, trong bối cảnh mới ngành giáo dục sẽ có nhiều thay đổi để thích ứng mạnh mẽ hơn, đặc biệt phải dành sự quan tâm lớn vào người học và nhà giáo.
Cần chủ động hơn cho những tình huống bất trắc
Thạc sĩ Lê Minh Tiến, giảng viên Khoa Xã hội học, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng trong 2 năm qua đại dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả vô cùng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội mà trong đó, ngành giáo dục cũng không tránh khỏi những khó khăn vô cùng to lớn, chưa có tiền lệ. Vì thế, trong năm 2022, ngành giáo dục cần phải thay đổi mạnh mẽ để thích ứng.
Đại dịch Covid-19 khiến giảng viên và sinh viên, học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc thích ứng với việc chuyển đổi hình thức dạy và học M.Q |
“Một trong những điều mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy là trong thời kỳ dịch bệnh, sự bất bình đẳng trong giáo dục đã hiện rõ hơn khi nhiều em học sinh thuộc các gia đình, các khu vực khó khăn đã không có đầy đủ các phương tiện để học tập khi ngành giáo dục chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Chắc chắn là trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều em học sinh đã thật sự bị bỏ lại phía sau xét về khía cạnh tiếp cận với giáo dục”, thạc sĩ Tiến nhìn nhận.
Trong tổng số gần 700.000 học sinh trung học tại TP.HCM, có khoảng 17.000 học sinh không có thiết bị và đường truyền internet để học trực tuyến, hơn 5.000 học sinh có thiết bị nhưng lại không có internet. Nhiều học sinh ở các tỉnh thành khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Trường mầm non tư thục khốn đốn vì dịch khiến giáo viên cũng khốn khổ N.N |
Bên cạnh đó, thạc sĩ Tiến nói đến khó khăn của giáo viên, giảng viên, nhất là giáo viên mầm non khi dịch bệnh kéo dài. “Nhiều trường mầm non đã phải giải tán, đóng cửa và do đó nhiều giáo viên chắc cũng đã chuyển đổi nghề nghiệp để mưu sinh vì bậc học này không áp dụng giảng dạy trực tuyến như các bậc học khác. Đối với những bậc học khác, gần như giáo viên, giảng viên chưa quen thuộc với phương pháp giảng dạy này, dẫn đến chất lượng giảng dạy không cao và rải rác đâu đó có những thầy cô có ứng xử chưa phù hợp khi dạy trực tuyến và đây là điều có thể hiểu và thông cảm được”, thạc sĩ Tiến phân tích tác động của dịch Covid-19 đối với giáo dục.
“Vì vậy, mong muốn của tôi trong năm 2022 và trong thời gian tới là ngành giáo dục phải có những giải pháp quyết liệt trong việc giảm tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục của học sinh và không để giáo viên, giảng viên phải chịu thiệt thòi dẫn đến bỏ nghề. Muốn vậy, ngành giáo dục phải có sự chuẩn bị chủ động hơn cho các tình huống bất trắc”, thạc sĩ Tiến nêu quan điểm.
Mong vị thế nhà giáo không phải là hư vinh
Trong những thời khắc cuối cùng của năm, thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhớ lại nội dung bàn về vị thế của nhà giáo mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã gửi cho giáo viên khi ông vừa nhận nhiệm vụ.
“Bộ trưởng nhắc đến “tâm tư và lo lắng, những thiệt thòi và thậm chí là oan uổng” của nghề giáo. Tôi cho rằng hai điều này có mối liên hệ thiết thân với nhau. Khi nào giáo viên còn “những tâm tư và lo lắng, thiệt thòi”, khi nào nhà giáo mới chỉ được đề cao bằng hư vinh, khi đời sống của nhà giáo còn chưa được quan tâm đúng mức, thì khi đó vị thế của nghề giáo sẽ chưa được như kỳ vọng”, thạc sĩ Khôi bày tỏ.
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn xã hội, ngành giáo dục cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy. Trước việc bị động rồi dần chủ động chuyển đổi hình thức dạy học, thạc sĩ Khôi và đồng nghiệp đã không ngừng trăn trở để thích ứng với hoàn cảnh mới và đảm bảo chất lượng giảng dạy. Đó là chưa kể đến việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa cuốn chiếu theo lộ trình đến niên khóa 2024 – 2025 cũng tạo những áp lực nhất định đến đội ngũ giáo viên.
Thạc sĩ Bảo Khôi mong nhà giáo được hỗ trợ tương xứng với trách nhiệm mà họ đang gánh vác Đ.N.T |
“Dĩ nhiên, bản thân chúng tôi sẽ phải nỗ lực hết mình để “gương mẫu, tự tin” mà giữ gìn “tôn nghiêm của nghề”. Tuy vậy, trước thềm năm mới, chúng tôi, những nhà giáo “tự trọng, yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải” luôn mong mỏi những người có trách nhiệm hãy cùng chúng tôi kiến tạo vị thế tôn nghiêm cho nghề bằng những hành động cụ thể, kịp thời. Chúng tôi đồng thuận với Bộ trưởng rằng “hãy nhìn về phía học trò thân yêu, lẽ phải cao nhất và sự bù đắp lớn nhất nằm ở đó” nhưng nếu có những hỗ trợ khác sao cho tương xứng với trách nhiệm nặng nề mà giáo viên đang gánh vác, ngay trong năm mới và bắt đầu từ niên khóa tới, tất yếu vẫn là điều vô cùng cần thiết và đáng hoan nghênh”, thạc sĩ Bảo Khôi trăn trở.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thoa, Trưởng khoa Chính trị Luật, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, mong muốn năm mới, nền giáo dục cần thay đổi thông qua việc học trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ tiện ích hơn, hệ thống lưu trữ thuận lợi hơn, hiệu ứng và công cụ giảng dạy thuận lợi hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp tục.
“Năm 2022 và thời gian tiếp theo, tôi mong giảng viên được cung cấp phần mềm, các khoá đào tạo giảng dạy trực tuyến để nâng cao kỹ năng thông qua các buổi tập huấn và hướng dẫn, cũng như tài liệu thiết kế bài giảng đẹp mắt, lôi cuốn khi giảng dạy cho sinh viên. Ngoài ra, giảng viên cũng mong muốn một môi trường hiện đại, năng động để phát huy hết khả năng trong công tác giảng dạy và hỗ trợ các hoạt động giáo dục”, tiến sĩ Thu Thoa chia sẻ.
MỸ QUYÊN
TNO