23/12/2024

Học sinh tiểu học hồi hộp với bài kiểm tra trực tuyến

Học sinh tiểu học hồi hộp với bài kiểm tra trực tuyến

Kéo sát màn hình điện thoại lại gần, Thanh Ngọc tự tay phóng to màn hình để có thể đọc đề kiểm tra dễ dàng hơn. Cô bé học sinh tiểu học này làm bài kiểm tra học kỳ 1.

 

 

Bên cạnh tờ giấy làm bài kiểm tra, Ngọc còn chuẩn bị sẵn giấy nháp, hộp bút, vở kê… Thanh Ngọc là học sinh (HS) lớp 3, Trường phổ thông Hermann Gmeiner (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Cũng như mọi ngày, vì học trực tuyến, không đến trường nên từ sáng sớm Ngọc đã cùng mẹ đi làm, trong khi mẹ làm việc, cô bé được sắp xếp ngồi trong một phòng nhỏ yên tĩnh để làm bài kiểm tra. Hôm nay (12.1), Ngọc sẽ làm bài kiểm tra học kỳ 1 môn toán, cô bé có 40 phút để hoàn thành 12 câu hỏi.

Học sinh tiểu học hồi hộp với bài kiểm tra trực tuyến - ảnh 1
Thanh Ngọc đang làm bài kiểm tra trực tuyến trên điện thoại  NGUYỄN LOAN

8 giờ mới thi nhưng Ngọc và các bạn đều vào lớp trước 15 phút để nghe cô giáo dặn dò cách làm bài thi trực tuyến, từ việc đọc đề ra sao, viết câu trả lời thế nào, cách trình bày sao, làm xong bài thì phải làm gì… Ngọc cho biết dù những điều này đã được cô nhắc nhở nhiều lần trước đó, nhưng trước mỗi giờ kiểm tra môn mới, cô lại nhắc nhở học trò thêm lần nữa.

Sau khi đăng nhập vào lớp học, cô giáo nhắc nhở tất cả HS phải bật camera lên, ngồi thẳng lưng, chuẩn bị giấy làm bài kiểm tra và những vật dụng cần thiết. Những bạn nào chưa bật, cô gọi tên từng em. Giáo viên (GV) còn nhắc nhở học trò viết sẵn tên, lớp, tên môn kiểm tra, thời gian làm bài… vào tờ giấy kiểm tra, yêu cầu các em dò lại thông tin chính xác trước khi làm bài.

Đúng 8 giờ, khi điểm danh sĩ số lớp đã đủ, camera HS đã mở hết, cô giáo bắt đầu yêu cầu các em tắt hết micro rồi chia sẻ đề thi lên màn hình chính. Để các em không hấp tấp, cô chỉ đưa lên mỗi lần 4 câu hỏi.

Ngay khi có đề thi, Thanh Ngọc khá căng thẳng kéo sát điện thoại lên trước mặt. Vì màn hình khá nhỏ nên Ngọc tự tay phóng to màn hình tập trung đọc từng câu hỏi.

Trong khi cả lớp đang làm bài, lâu lâu lại nghe tiếng cô giáo nhắc các bạn nhỏ ngồi nghiêm túc làm bài, thẳng người và tất cả phải bật camera.=

Tương tự, cô bé Bảo Châu, HS lớp 4 Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp) cũng được mẹ bố trí ngồi ở một bàn riêng trên công ty để làm bài kiểm tra trong những ngày này.

Nhiều GV cho biết việc kiểm tra trực tuyến thì công tác tư tưởng cho phụ huynh và HS rất quan trọng. GV phải khéo léo nhắc nhở phụ huynh không nên hỗ trợ, giúp con làm bài thi khiến GV không đánh giá đúng được năng lực của từng em. Với HS, cô cũng hướng dẫn các em cách làm bài, ôn tập trước đó nên các em hoàn toàn có thể tự tin, chủ động với bài kiểm tra của mình.

Chia sẻ về việc tổ chức cho HS kiểm tra cuối kỳ, cô Phạm Nguyên Vân Hà, GV lớp 4, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM), cho biết trường cho các em làm bài kiểm tra trên phần mềm OLM. GV có thể giám sát quá trình làm bài của các em qua camera.

Ngoài ra, khi làm bài kiểm tra trực tiếp trên phần mềm này, GV có thể cập nhật được tiến độ làm bài của tất cả HS. GV hoàn toàn nắm bắt được bé vừa viết gì lên bài làm, viết đúng hay sai chỗ nào. Đặc biệt, với phần mềm này nếu các em copy bài từ trên mạng hoặc từ bên ngoài khi dán vào phần mềm sẽ lập tức đổi từ phông chữ màu xanh sang màu đen, lúc đó cô giáo sẽ biết được các em đã copy bài từ đâu đó. Hệ thống cũng sẽ cập nhật liên tục giờ các em đăng nhập hay thoát ra khỏi hệ thống, nếu bạn thoát ra liên tục, hoặc địa chỉ đăng nhập IP khác là GV có thể biết ngay.

Hiện hầu hết trường tiểu học ở TP.HCM đã bắt đầu cho HS khối lớp 3, 4, 5 làm bài kiểm tra từ tuần này. Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM, ở bậc tiểu học do các em vẫn còn học trực tuyến nên với lớp 1, 2 chỉ tổ chức bài kiểm tra định kỳ khi HS quay trở lại trường, học theo hình thức trực tiếp. Và các em sẽ làm bài kiểm tra định kỳ môn toán, tiếng Việt.

 

NGUYỄN LOAN

TNO