Bình Dương từ ‘đỏ đậm đặc’ thành vùng xanh
Bình Dương từ ‘đỏ đậm đặc’ thành vùng xanh
Từ địa phương được xem là điểm “nóng” về dịch Covid-19, trong thời gian gần đây Bình Dương chỉ còn ghi nhận ca mắc ở mức 2 con số.
Số ca thấp nhất 7 tháng qua
Ngày 11.1, Sở Y tế Bình Dương cho biết trong ngày địa phương này chỉ ghi nhận 25 ca dương tính Covid-19 qua xét nghiệm PCR, đây là số ca thấp nhất trong 7 tháng qua.
Theo đánh giá cấp độ dịch gần nhất, Bình Dương có 58 xã, phường, thị trấn dịch ở cấp độ 1 thuộc nguy cơ thấp (vùng xanh) và 33 xã, phường còn lại ở cấp độ 2 thuộc nguy cơ trung bình (vùng vàng); không có xã, phường thuộc cấp độ 3 và 4. Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết sở thực hiện đánh giá cấp độ dịch ở cấp xã trong toàn tỉnh vào ngày thứ 5 hằng tuần theo quy định. “So với tuần trước đó (ngày 5.1) số xã, phường, thị trấn thuộc vùng xanh ở Bình Dương tăng 33 xã và vùng vàng giảm 26 xã. Đến ngày 11.1, Bình Dương ghi nhận tổng cộng 291.501 ca Covid-19 hầu hết đã được điều trị khỏi bệnh. Hiện chỉ còn 587 bệnh nhân đang điều trị trong các cơ sở y tế và 25.171 bệnh nhân nhẹ đang điều trị tại nhà”, ông Chương cho hay.
Trong đại dịch, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa của Bình Dương vẫn tăng Đ.T |
Chia sẻ với PV Thanh Niên về những ngày tháng chống dịch Covid-19, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nhớ lại: “Bình Dương đã tập trung bằng tất cả mọi nguồn lực, nhân vật lực để khống chế dịch bệnh. Ngày 19.7.2021, thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh, thành phía nam, trong đó có Bình Dương là những ngày có thể nói hết sức khốc liệt”. Theo ông Minh, vào ngày 15.7.2021, Bình Dương đã tiến hành xét nghiệm diện rộng từ phía bắc và phía nam của tỉnh để xác định khoanh vùng xanh, vùng đỏ. “Đang thực hiện thì thiếu test nhanh, chúng tôi phải vận động các nhà tài trợ và đi mua lúc được 10.000, lúc 20.000 kit test. Máy xét nghiệm PCR cũng thiếu, chúng tôi cũng phải vận động để mua máy và mạnh dạn cho phép các trạm y tế xã, phường, y tế tư nhân thực hiện xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm PCR. Một việc làm chưa có tiền lệ”, ông Minh nói.
Ở giai đoạn 2 của công tác phòng chống dịch (tháng 8.2021 – PV), ông Minh cho biết cũng đã phải “cân não” khi số lượng F0 tăng quá nhanh, có ngày lên đến trên 6.000 ca. Trong khi đó, các cơ sở thu dung điều trị chỉ đáp ứng được khoảng 80.000 giường bệnh. “Thời điểm này, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Bình Dương đã họp bàn, tìm giải pháp, có khi đến 1 – 2 giờ sáng vẫn họp và đi đến quyết định thần tốc xây dựng bệnh viện dã chiến chỉ trong 5 – 6 ngày để đưa vào sử dụng. Đồng thời, nâng công suất giường bệnh của các trung tâm y tế các huyện thị; tận dụng các kho bãi, nhà xưởng để cách ly, thu dung điều trị bệnh nhân. Trong thời điểm khó khăn như vậy, Bình Dương rất trân trọng khi nhận được sự chi viện, hỗ trợ từ các bộ ngành T.Ư, các địa phương, tỉnh, thành bạn”, ông Minh nói.
Doanh nghiệp không đứt gãy sản xuất
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Dương, dịch bệnh bùng phát mạnh, lây lan nhanh đã làm hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, nhiều công nhân bị mất việc, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các hoạt động của đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh được khôi phục theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Ông Võ Văn Minh nói: “Điều làm chúng tôi rất mừng là trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh, nhưng trên 1.600 doanh nghiệp (DN) với trên 300.000 công nhân vẫn kiên trì, duy trì sản xuất “3 tại chỗ”. Trong khi đó có trên 600 DN phát hiện trên 10.000 F0, có DN nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu có trên 1.000 F0, nhưng tất cả vẫn cố gắng duy trì, nỗ lực vượt qua. Đến nay nhiều DN nói lời cảm ơn vì hoạt động sản xuất không bị gãy, chuỗi cung ứng toàn cầu được đảm bảo”.
Về yếu tố đã đưa Bình Dương vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, ông Minh cho rằng: “Trong dịch bệnh, Bình Dương đã tập trung, huy động mọi nguồn lực để vừa chống dịch vừa sản xuất đảm bảo thực hiện mục tiêu kép. Khi đã cơ bản khống chế được dịch, Bình Dương bắt tay ngay vào hỗ trợ DN phục hồi sản xuất bằng việc thành lập trung tâm hỗ trợ DN sau đại dịch nên việc phục hồi kinh tế nhanh, mạnh mẽ”.
Nhiều chỉ số tăng trưởng
Mặc dù trong tình hình dịch bệnh, giãn cách xã hội nhưng Bình Dương đã có những giải pháp linh hoạt, phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC tổ chức trên 20 cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác nước ngoài thu hút vốn đầu tư FDI trực tiếp đạt 2,069 tỉ USD, vượt 14,9% kế hoạch. Tình hình kinh tế của Bình Dương đạt và vượt 21/31 chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 2,62% so với cùng kỳ 2020. Theo Cục Hải quan Bình Dương, lũy kế đến 31.12.2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 60,227 tỉ USD, tăng 14,32% so với cùng kỳ 2020; kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế đạt 7,5 tỉ USD, tăng 29,78% so với cùng kỳ (trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 31,5 tỉ USD, tăng 13,5%). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5%. Thu ngân sách ước đạt 61.200 tỉ đồng, đạt 104% so với dự toán của HĐND tỉnh. Chi hỗ trợ 3,9 triệu lượt người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 số tiền trên 2.897 tỉ đồng.
ĐỖ TRƯỜNG
TNO