Nở rộ hội nhóm… thi hộ trực tuyến
Nở rộ hội nhóm… thi hộ trực tuyến
Rao giá chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, các hội nhóm mang danh ‘hỗ trợ’ học tập ngang nhiên chào mời các dịch vụ gian lận, với lời hứa ‘bao’ uy tín, đảm bảo điểm cao.
Quá trình học trực tuyến kéo dài một mặt mang lại sự an toàn trong mùa dịch, mặt khác cũng đem đến nhiều vấn đề tiêu cực, nhất là trong cách đánh giá kết quả.
Theo ghi nhận, các trường hiện nay chủ yếu áp dụng 4 hình thức thi trên môi trường mạng là trắc nghiệm, vấn đáp, tự luận và tiểu luận. Các hình thức này đều có chung kẽ hở là khó quản lý và giám sát người học, dù có yêu cầu phải bật camera trong quá trình làm bài hay làm trên website chuyên cho việc thi trực tuyến. Từ thực tế này, ngày càng xuất hiện nhiều hội nhóm chào mời các dịch vụ “làm giúp”, “thi hộ”, hỗ trợ “làm đẹp” điểm số.
“Thị trường” sôi động: Đủ các cấp, đủ dịch vụ
Khi việc kiểm tra và thi trực tuyến trở nên phổ biến, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện hàng loạt hội nhóm mang tên hỗ trợ học tập như “Hỗ trợ sinh viên học tập – Làm bài”, “Hỗ trợ – Giúp đỡ học tập”, “Hỗ trợ học tập”… thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn thành viên tham gia.
Nhưng đây không phải là nơi để người học có thể cùng thảo luận về bài giảng hay giúp đỡ nhau học tập, mà là địa điểm trá hình chuyên cung cấp các dịch vụ lấy phí, từ làm bài tập trên lớp đến cả học hộ, thi hộ. Theo một quản trị viên, các nhóm đặt tên như vậy thường là để tránh bị kiểm duyệt. “Khi đăng bài, các từ như học hộ, thi hộ, làm bài thuê… cũng cần phải viết tắt”, người này nói.
Hàng loạt hội nhóm học hộ, thi hộ trá hình, dưới danh nghĩa hỗ trợ học tập được tạo từ giữa năm 2021 CHỤP MÀN HÌNH |
Hoạt động sôi nổi nhất có thể kể đến nhóm “Hỗ trợ – Giúp đỡ học tập” hiện đang có gần 31.000 thành viên, với lời giới thiệu: “Group được tạo ra nhằm mục đích giúp các bạn học sinh, sinh viên có thể trao đổi, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong học tập”.
Bấm tham gia vào nhóm, thứ “đập vào mắt” tôi đầu tiên không phải là những thông tin học thuật bổ ích như mong đợi, mà là liên tiếp những yêu cầu muốn tìm người làm giúp bài tập, bài thi dưới danh nghĩa “hỗ trợ”, bất kể ngày đêm.
Thành viên Tuấn Anh viết: “Mình cần sp (viết tắt của “support”, nghĩa là “hỗ trợ”) tiểu luận môn dẫn luận ngôn ngữ + cơ sở văn hóa VN”, trong khi thành viên Mi Mi đăng tin “cần sp trắc nghiệm kinh tế quốc tế, ai uy tín inb mình”. Thậm chí, có những học sinh THCS, THPT đến thuê người làm bài, như thành viên Minh Nguyễn muốn “tìm người sp vật lý 10”, hay thành viên Tuấn Tuấn đề nghị “cần sp địa, gd, sử, sinh, tin, công nghệ”.
Bên dưới những bài viết đó, luôn có những người làm thuê thường trực nhận yêu cầu. Một số tài khoản còn đăng bài tự quảng cáo dịch vụ, kèm theo nhiều hình ảnh “minh chứng” cho độ uy tín, tất cả đều là phản hồi từ những khách đã từng “đặt hàng”.
Qua tìm hiểu, những đối tượng làm thuê thường hoạt động cá nhân hoặc theo nhóm. Phạm vi nhận “hỗ trợ” mở rộng từ trung học đến đại học, trải dài nhiều môn từ đại cương đến chuyên ngành, đa dạng thể loại từ bài tập lớn nhỏ, tiểu luận đến học hộ, thi hộ hay thậm chí cả luận văn tốt nghiệp.
Chi phí của từng loại dịch vụ dao động từ vài chục đến tối đa là vài trăm nghìn đồng, tùy theo số trang nếu là tiểu luận, hoặc tùy theo độ khó của môn thi. Điểm yêu cầu ở mức từ 7 trở lên đối với đề khó, cao hơn nữa với đề dễ hoặc môn đại cương. Nếu điểm thấp không như kỳ vọng sẽ được hoàn tiền.
Dịch vụ “hỗ trợ” làm bài thi được nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH |
Tất cả đều trót lọt
Để dễ qua mặt giảng viên, các đối tượng thi hộ không thay mặt người học tham dự buổi thi như “truyền thống”, mà chỉ đóng vai trò “hỗ trợ” đằng sau, đợi người học gửi đề qua rồi làm giúp hoặc cùng làm song song với người học thông qua các ứng dụng có chức năng chia sẻ màn hình, hoặc trao đổi qua điện thoại.
Từng nhiều lần sử dụng dịch vụ thi hộ, tài khoản Vũ Đức Hoàn chia sẻ với người viết rằng tất cả bài làm đều được nộp trót lọt mà không hề bị giảng viên nghi ngờ. “Điểm thi lúc nào cũng trên 8”, người này khẳng định. Một tài khoản khác mang tên Nguyễn Linh Đan thì cho biết nhiều lần nhờ làm đều được 8 đến 9 điểm, đồng thời cũng chia sẻ sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ “hỗ trợ” này.
Để tránh bị kiểm duyệt, các đối tượng còn chuyển hoạt động sang website hoặc mạng xã hội khác. Tài khoản Nguyễn Công Huy, quản trị viên nhóm “Hỗ trợ học tập, giải bài 2022”, chia sẻ: “Nhóm bên Facebook đang bị sờ gáy, anh em chia sẻ nhóm Zalo cho bí mật nhé”.
Sau nửa tháng, nơi đây đã quy tụ hơn 270 thành viên, mỗi ngày lại có thêm vài người mới. Hoạt động trong nhóm diễn ra khá suôn sẻ: Chỉ cần có khách đăng yêu cầu, sẽ sớm có người đồng ý nhận làm.
“Bao” điểm cao, đảm bảo tỷ lệ đạo văn dưới 30%
Nhập vai một sinh viên cần làm bài tiểu luận kết thúc môn triết học, tôi tìm đến tài khoản C.T., nơi đang chào mời dịch vụ tương ứng với giá “sinh viên” và hiện đang lấy phí chỉ bằng một nửa thị trường vì “tình hình dịch bệnh”.
Theo C.T., đề bài tôi ủy thác có giá trung bình là 350.000 đồng nhưng người này chỉ lấy 180.000 đồng và không cần tôi phải cọc tiền trước. Những gì tôi cần làm chỉ là gửi đề, đợi nhận bài, kiểm tra lại và thanh toán bằng cách chuyển khoản. “Chị làm chả ai dưới 8 bao giờ”, tài khoản này khẳng định chắc nịch khi tôi hỏi về số điểm tối thiểu sẽ đạt được.
Không dừng lại ở đó, khi được nhờ “hỗ trợ” bài thi môn logic học đại cương, C.T. cũng vui vẻ đồng ý dù tôi lưu ý quy chế thi yêu cầu bật webcam, và phải làm bài trên website riêng chuyên cho việc thi trực tuyến. Người này giải thích: “Em chỉ cần lén chụp ảnh đề gửi qua, chị làm xong sẽ nhắn lại”.
Được nhiều khách hàng phản hồi tích cực và hiện đang hoạt động theo mô hình nhóm, tài khoản T.D. đồng ý nhận yêu cầu của tôi với giá 250.000 đồng. “Tớ làm xong sẽ chụp ảnh cho bạn, bạn chuyển khoản rồi tớ mới gửi file nha”, T.D. thông báo về quy trình làm việc và đảm bảo tỷ lệ đạo văn sẽ dưới 30%.
Thử tìm đến một tài khoản khác mang tên H.N.A, tôi “giật mình” vì người này thông báo đã “kín lịch” trong hai ngày kế tiếp. H.N.A đảm bảo bài làm sẽ “từ 7 điểm trở lên” sau khi xem qua yêu cầu của tôi, nhưng hẹn báo giá vào 4 ngày sau vì đang thực hiện những ủy thác khác.
“Bảng giá” dịch vụ của một tài khoản chuyên nhận làm thuê ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH |
Rủi ro đằng sau danh tính ảo
Để tránh bị lộ thông tin cá nhân, đa số thành viên tham gia đều không công khai danh tính mà liên lạc với nhau bằng tài khoản phụ, chỉ một số ít người làm bài thuê sử dụng tài khoản chính chủ mà theo họ là để “đảm bảo uy tín”. Cũng từ đây, không ít rủi ro trong quá trình giao dịch và thanh toán đã xảy ra.
Phổ biến nhất là việc người làm thuê bị “bùng” tiền sau khi đã hoàn thành bài. Bị người thuê dịch vụ chặn số, lừa mất 200.000 đồng sau khi đã “hỗ trợ” bài thi, tài khoản Nguyễn Đăng Linh bức xúc: “Tin tưởng làm xong đợi điểm chuyển khoản mà cứ thế này riết mất niềm tin vào cuộc sống quá”.
Tuy vậy, cũng có không ít trường hợp người thuê dịch vụ bị cho “leo cây” sau khi đã hoàn tất thanh toán. Tài khoản Nguyễn Thùy Linh kể trong nhóm: “Mình có thuê sp với giá 400 mà cái mình nhận được lại là sự vô trách nhiệm và qua loa. Trắc nghiệm sai gần nửa còn tự luận anh chỉ chụp công thức rồi bảo mình chép, xong lặn mất tăm”.
Để hạn chế rủi ro như trên, những người “làm nghề” đã sử dụng hình thức giao dịch trung gian, tức ủy thác tiền và tín nhiệm cho một bên thứ ba, thường là quản trị viên của nhóm. Đây là hình thức mà theo họ, sẽ “an toàn nhất để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên”.
“Hai bên tạo nhóm chat rồi thêm mình vào. Bên thuê có trách nhiệm gửi tiền vào số tài khoản của mình, bên nhận làm bài gửi bên thuê như yêu cầu. Sau khi thấy bài theo đúng yêu cầu thì mình sẽ chuyển tiền cho bên nhận, nếu không thì mình sẽ trả lại bên thuê”, tài khoản Đào Duy Tuấn hướng dẫn trong bài viết ghim ở đầu trang. (Còn tiếp)
NGỌC LONG
TNO