‘Sương mù não’ hậu Covid-19
‘Sương mù não’ hậu Covid-19
Sương mù não không phải là một tình trạng bệnh lý cụ thể mà là một thuật ngữ để chỉ các triệu chứng liên quan đến suy nghĩ và trí nhớ.
Đa số người mắc phải tình trạng sương mù não có thể cảm thấy thiếu minh mẫn, khó tập trung, mất nhiều thời gian hơn khi nhớ tên một ai đó hoặc thường bất chợt quên việc mình định làm…
Trang Verywell Mind dẫn lời tiến sĩ tâm lý học James C.Jackson, Giám đốc Sức khỏe hành vi – Trung tâm phục hồi ICU tại Đại học Vanderbilt (Mỹ): “Thuật ngữ sương mù não còn khá mới, trước khi Covid-19 bùng phát, sương mù não thường được nhắc đến trong kết quả đánh giá nhận thức ở những người bị ung thư”.
Những cách rèn luyện trí não: tập thể dục, khiêu vũ, viết, vẽ, giải ô chữ, ô số,chơi cờ, làm toánSHUTTERSTOCK |
Theo một nghiên cứu được công bố trên chuyên san JAMA Network Open ngày 22.10.2021, hơn 20% số người được kiểm tra gặp vấn đề về trí nhớ sau khi nhiễm Covid-19 trong vòng hơn 7 tháng. Trong đó, người nhiễm Covid-19 phải nhập viện có nguy cơ mắc sương mù não nhiều hơn người điều trị ngoại trú.
Tiến sĩ Jacqueline H.Becker, nhà khoa học thuộc Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai (New York, Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết ban đầu cô và các đồng nghiệp dự định chỉ xem xét hội chứng sương mù não ở người lớn tuổi, nhưng kết quả cho thấy đa số người gặp tình trạng này còn khá trẻ và khỏe mạnh. Tuổi trung bình của họ là 49 và hầu hết đều không mắc các bệnh nền như đái tháo đường và tăng huyết áp, theo trang tin Health.
Nguy cơ cao ở người nhiễm covid-19 nặng
Tiến sĩ Becker cho biết, nguyên nhân dẫn đến sương mù não có thể do SARS-CoV-2 (vi rút gây bệnh Covid-19) xâm nhập trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương và thậm chí trở thành vi rút gây viêm mãn tính. Trong đó, những người mắc Covid-19 nặng bị thiếu hụt ô xy sẽ gây ảnh hưởng đến các mô cơ thể như não, có nguy cơ cao để lại di chứng sương mù não.
“Nguyên nhân khác có thể do tác dụng phụ của các loại thuốc an thần, thuốc ICU (thuốc dùng để giảm đau, giãn cơ trong thở máy… khi hồi sức cấp cứu) được sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19 trở nặng”, trang tin Health dẫn lời bác sĩ Amesh A.Adalja, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins (Mỹ). Chính vì vậy, việc tiêm vắc xin để giảm nguy cơ trở nặng, hạn chế các di chứng hậu nhiễm Covid-19 là rất quan trọng.
Tiến sĩ Sabrina Romanoff, nhà tâm lý học lâm sàng tại New York (Mỹ), nhận định trên trang Verywell Mind: “Covid-19 có thể gây ra chứng viêm trong não, ảnh hưởng khả năng giao tiếp của các tế bào thần kinh trong não với nhau, dẫn đến tình trạng sương mù não. Tuy nhiên, căng thẳng, lo lắng vì mối đe dọa của đại dịch cũng có thể gián tiếp gây ra sương mù não, vì khiến não của chúng ta mệt mỏi”.
Làm sao đối phó sương mù não ?
Kết quả nghiên cứu tuy chưa xác định chính xác nhưng vẫn cho thấy sương mù não có thể tự khỏi theo thời gian ở hầu hết các bệnh nhân, thường sau khoảng 10 tháng hoặc lâu hơn. Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường khi tập trung hoặc ghi nhớ sau nhiễm Covid-19, bạn nên đến các cơ sở y tế để gặp bác sĩ thần kinh hay chuyên gia tâm lý nhằm kiểm tra mức độ nhận thức của não bộ và được theo dõi thêm.
Thay đổi lối sống tích cực cũng là cách để tăng cường sức khỏe não bộ, cải thiện hội chứng sương mù não. Hội đồng toàn cầu về sức khỏe não bộ khuyến nghị nên tập thể dục thường xuyên, luyện kích thích nhận thức bằng các câu đố, trò chơi, ứng dụng rèn luyện trí não hoặc học một ngôn ngữ mới.
Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo ngủ đủ giấc, nên chọn chế độ ăn giàu chất béo không bão hòa đơn, protein thực vật, ngũ cốc nguyên hạt và cá. Việc luôn giữ kết nối xã hội và tương tác với cộng đồng cũng góp phần tăng khả năng tập trung và cải thiện trí nhớ.
ĐẶNG PHƯỢNG
TNO