Hội chứng “giày cao gót”
Một trong những nguyên nhân làm ngón chân cái lệch trục là do giày cao gót quá cao, cứng, mũi giày quá nhọn và đi giày cao gót nhiều năm.
Hội chứng “giày cao gót”
Một trong những nguyên nhân làm ngón chân cái lệch trục là do giày cao gót quá cao, cứng, mũi giày quá nhọn và đi giày cao gót nhiều năm.
Ở nước ngoài thì người ta theo dõi và thống kê về căn bệnh này, nhưng ở VN lại chưa có thống kê
BS Ngô Văn Toàn
Bác sĩ Ngô Văn Toàn, nguyên trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức, cho hay ở châu Âu, Mỹ và các nước phát triển, do phụ nữ có thời gian đi giày cao gót nhiều năm, trong y văn đã có một chứng bệnh gọi là “lệch trục ngón chân cái”.
“Ở Việt Nam cũng có những bệnh nhân bị lệch trục ngón chân cái hoặc gai gót chân liên quan đến giày cao gót, phần lớn là phụ nữ lứa tuổi trên 40 và có những bệnh nhân trong số này phải phẫu thuật để điều trị”- ông Toàn nói.
Hội chứng vẹo ngón chân cái
Có những phụ nữ sau nhiều năm đi giày cao gót, ngón chân cái dần dần lệch về phía ngón chân kế tiếp. Nếu tiếp tục đi giày bó mũi chân, càng ngày phần lệch đó càng nặng và mấu xương ở bìa trong của chân, vị trí chân của ngón cái càng nhô ra, có người vị trí đó dần tạo thành vết chai lớn mất thẩm mỹ, có người thì phần xương lồi ra thành một cái mấu lớn. Bàn chân với ngón cái bị nghiêng, thậm chí có xu hướng chồng lên ngón kế tiếp cũng trở nên mất thẩm mỹ.
Bệnh này được coi là chứng lệch trục ngón chân cái và một trong những nguyên nhân gây bệnh được xác định là đi giày cao gót kéo dài, bên cạnh đó có thể do các nguyên nhân về xương, khớp hoặc căn bệnh đái tháo đường.
BS Toàn cho biết khi đi các đôi giày cao gót có phần mũi nhọn thì giày có xu hướng ôm bó đầu các ngón chân, ngón cái hướng vào các ngón bên cạnh. Nếu đi những đôi giày nhọn bó mũi kéo dài thì việc ngón cái hướng vào các ngón bên trong sẽ không phải là tạm thời, bỏ giày ra là hết mà gây tình trạng lệch trục, biến dạng diện khớp vĩnh viễn nếu không được can thiệp.
Bên cạnh đó, ngón chân bị vẹo cũng khiến bàn chân mất tư thế vững, ảnh hưởng ở các tư thế đứng hoặc khi đi bộ…
Chọn giày cao gót như thế nào?
Theo BS Toàn, hầu như chị em phụ nữ nào cũng đều có giày cao gót, có đôi gót nhọn, có đôi gót vuông, có đôi mũi giày tròn êm chân, nhưng cũng có những đôi giày gót nhọn hoắt cao trên 10cm, mũi giày nhọn bó chặt vào những ngón chân; trường hợp giày vừa cao vừa nhọn, chất liệu may giày lại cứng nữa thì đôi giày không tiện cho chị em đi bộ trong thời gian dài.
Các chị em không nên đi những đôi giày quá cao, mũi quá nhọn và nếu có cơ hội thì trong những ngày phải đi giày cao gót kéo dài cũng thỉnh thoảng nên cho chân nghỉ trên những đôi dép thấp gót và êm chân.
Trong trường hợp ngón chân cái bị lệch trục hoặc diện khớp của bàn chân bị biến dạng, cần thăm khám để có thể chỉ định biện pháp điều trị, nhưng cũng có những trường hợp phải phẫu thuật mới điều trị được. Khi đó, các bác sĩ sẽ mở phần bị biến dạng để chỉnh lại xương và dây chằng, có thể phải bắt vít để xương cố định ở vị trí bị lệch và sau phẫu thuật chỉnh hình, bệnh nhân sẽ phải tập phục hồi chức năng. Những trường hợp bị đau ở phần cân gan bàn chân hoặc đau tạm thời vì đi giày cao gót thì có thể xoa bóp thể phục hồi.
Tác hại của đi giày cao gót với gót nhọn, mũi bó nhọn
Theo bác sĩ CKII Trương Công Dũng – Hội Nội soi cơ xương khớp TP.HCM, một trong những ảnh hưởng dễ thấy nhất của việc đi giày cao gót với phần gót quá cao, quá nhọn và phần mũi giày bó hẹp là gây mất thăng bằng dẫn tới rất dễ bị trượt chân, té ngã và lật cổ chân.
Về lâu dài, việc đi loại giày này quá nhiều lần trong một tuần, đi lâu dài sẽ tác động tiêu cực tới hệ thống các cơ ở chân như sự cân bằng giữa cơ trước và cơ sau. Vị trí dễ bị đau nhất nằm ở phần gót chân.
Khi các điểm chịu lực của bàn chân thay đổi, trình tự chịu lực cũng thay đổi trong một thời gian dài thì khả năng chịu lực tự nhiên của chân cũng không còn bình thường nữa.
Những ảnh hưởng tiêu cực này sẽ không dừng lại ở bàn chân mà còn tác động đến đầu gối, vùng lưng gây đau nhức do cơ bắp chân bị rút ngắn lại, dễ bị gai, cong lệch cột sống, dáng đi không bình thường, đẩy nhanh quá trình suy giãn tĩnh mạch.
MẠNH KHANG