Kiểm soát song hành cùng ngăn chặn giới trẻ tiếp cận thuốc lá thế hệ mới
Kiểm soát song hành cùng ngăn chặn giới trẻ tiếp cận thuốc lá thế hệ mới
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước cần quản lý thuốc lá thế hệ mới, trong đó vấn đề ngăn chặn giới trẻ tiếp cận sản phẩm được quan tâm đặc biệt.
Các nước quản lý dựa trên tình trạng thực tế và khoa học
Theo báo cáo tiến độ toàn cầu về việc thực hiện Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) năm 2018, trong 102 quốc gia có thuốc lá thế hệ mới hiện diện trên thị trường thì mới chỉ có 63 quốc gia là có khung quản lý áp dụng cho các sản phẩm này.
Trung Quốc đã chính thức kiểm soát thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới khác theo Luật kiểm soát thuốc lá hiện hành |
Trung Quốc, thị trường tiêu thụ thuốc lá điếu lớn nhất và tầm ảnh hưởng toàn cầu, cuối cùng đã chính thức đưa thuốc lá điện tử (TLĐT) và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) khác vào quản lý theo Luật kiểm soát thuốc lá hiện hành. Động thái này của Trung Quốc đã bác bỏ hoàn toàn những dự đoán trước đó được cho là tạo thế độc quyền cho thị trường thuốc lá điếu tại quốc gia tỉ dân này.
Trước sự phổ biến tràn lan của TLTHM tại Trung Quốc, cũng như tranh luận về tác hại đối với các sản phẩm TLĐT, nước này vẫn không lựa chọn phương án cấm đoán cực đoan. Thay vào đó cơ quan quản lý thuốc lá Trung Quốc cho biết họ sẽ thiết lập một “nền tảng quản lý thống nhất có tính chất quốc gia cho việc mua bán TLĐT”. Điều này có nghĩa, tất cả các doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ TLĐT muốn được cấp phép phải thông qua những tiêu chuẩn trong hệ thống quản lý.
Bằng chính sách này, nhà nước Trung Quốc có thể kiểm soát liều lượng nicotin có trong TLĐT, các hóa chất được thêm vào dung dịch TLĐT và mức độ nguy hại cũng sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Hành động của chính phủ Trung Quốc chính thức khép lại thời kỳ nằm “ngoài vòng pháp luật” của các sản phẩm TLTHM kể từ khi loại hình sản phẩm này phổ biến rộng rãi.
Trong khi đó, Mỹ quản lý TLLN như các sản phẩm thuốc lá theo Đạo luật Phòng chống hút thuốc cho gia đình và Kiểm soát thuốc lá (TCA). Tất cả “sản phẩm thuốc lá mới” phải được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép trước khi bán hợp pháp. Sản phẩm TLLN cũng được được quản lý và đánh thuế.
Ở New Zealand, cơ quan Tăng cường sức khỏe phối hợp với Bộ Y tế xây dựng một website chuyên dụng, giải thích về hình thức giảm thiểu tác hại của khói thuốc lá. New Zealand cũng đưa vào luật định nội dung “hỗ trợ người hút thuốc chuyển sang các sản phẩm được kiểm soát, ít gây hại hơn”.
Tại Philippines, chính phủ đã cam kết trước thềm Hội nghị các bên lần thứ 9 (COP9) của Công ước Khung FCTC của WHO là sẽ có cách tiếp cận “công bằng và dựa trên sở cứ” để kiểm soát thuốc lá. Đồng thời chính phủ nước này tuyên bố không có ý định cấm TLĐT hoặc các sản phẩm TLLN. Malaysia cũng đã dự định quản lý và đánh thuế các sản phẩm TLĐT thay vì lựa chọn cấm đoán.
Nhiều biện pháp bảo vệ giới trẻ
Những nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… xác định rõ phải có cơ chế bảo vệ trẻ tránh những sản phẩm thuốc lá bằng luật pháp. Theo đó, Trung Quốc ban hành quy định cấm bán TLĐT cho trẻ từ 18 tuổi năm 2018. Một năm sau đó, quốc gia này cấm bán sản phẩm này trên các trang mạng trực tuyến.
Tại Mỹ, mặc dù cho phép TLĐT hệ thống đóng (closed system), TLLN, thuốc lá ngậm, nhưng điều đó không có nghĩa là FDA cho phép toàn bộ các sản phẩm TLTHM được phép lưu hành. Cụ thể, vào tháng 9 năm nay (FDA) Mỹ vừa mới lệnh cho 3 nhà sản xuất TLĐT dừng bán hơn 55.000 sản phẩm TLĐT có tẩm hương vị. Lý do của FDA là các công ty này đã không cung cấp đủ chứng cứ cho thấy lợi ích của những sản phẩm đó vượt trội hơn so với các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn của người sử dụng.
Riêng đối với các công ty sở hữu các sản phẩm TLTHM đã được FDA cho phép kinh doanh phải thường xuyên hợp tác với cơ quan này để cung cấp các giải pháp ngăn chặn giới trẻ tiếp xúc với sản phẩm. Theo đó, các tập đoàn thuốc lá phải thiết kế hệ thống nhận diện độ tuổi khách hàng trước khi được phép tiếp cận hoặc mua TLTHM. Tại một số nước châu Âu, người mua hàng phải trải qua quá trình nhận diện và được hệ thống xác nhận mới có thể kích hoạt thiết bị điện tử của thuốc lá điện tử.
Hiện Mỹ cũng đã tăng độ tuổi được phép tiếp cận mọi loại thuốc lá từ 18 lên 21 để nhằm ngăn chặn sự trẻ hóa tình trạng nghiện thuốc lá. Ông Mitch Zeller, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm thuốc lá của FDA Hoa Kỳ cũng cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục đưa ra quyết định cấp phép và xây dựng các chính sách quản lý dựa trên khoa học tốt nhất hiện có với mục tiêu giảm thiểu các bệnh có thể phòng ngừa được và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra (Tobacco control and prevention efforts in the U.S – openaccessgovernment.org).
BÌNH MINH
TNO