Đầu tư cho văn hoá là không thể tiếc tiền
Đầu tư cho văn hóa là không thể tiếc tiền
Nhà thơ Trần Đăng Khoa – phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nêu quan điểm rằng “đầu tư cho văn hoá là không thể tiếc tiền”, phải đầu tư lớn, tính toán căn cơ để phát triển văn hoá cho thật phong phú.
Cho rằng “sự phi văn hóa đang đe dọa mọi ngưỡng cửa gia đình”, tại hội nghị lấy ý kiến về các giải pháp quản lý nhà nước, phát triển văn học do Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch tổ chức ngày 9-12 ở Hà Nội, nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo Đề án nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 mà Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch đang xây dựng, đồng tình với việc phải tăng đầu tư cho văn hóa nói chung và văn học nói riêng.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa – phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nêu quan điểm rằng “đầu tư cho văn hóa là không thể tiếc tiền”, phải đầu tư lớn, tính toán căn cơ để phát triển văn hóa cho thật phong phú.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cũng đồng tình phải đặt văn hóa lên tầm quan trọng để văn hóa trở thành hàng rào quan trọng ngăn cản sự xuống cấp về đạo đức xã hội.
“Sự phi văn hóa đang đe dọa mọi ngưỡng cửa gia đình. Ngày ngày chúng ta trở về ngôi nhà của mình cùng con cháu mình với đầy nỗi lo âu cho con cháu trong cuộc sống nhiều thách thức hiện nay…
Chỉ có gieo vào đứa trẻ chủ nghĩa nhân văn, những giá trị chân, thiện, mỹ bằng văn học nghệ thuật thì chúng mới phân biệt được thiện – ác để vững bước đi suốt cả cuộc đời mình”, ông Thiều nói.
Vì vậy ông Thiều hy vọng đề án mà Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch đang xây dựng sẽ là một cú hích để văn học nghệ thuật phát triển, từ đó bồi đắp cho tâm hồn con người, xây dựng những giá trị tốt đẹp cho con người.
Góp ý cụ thể cho đề án, một số ý kiến cho rằng cần đổi mới phương thức đặt hàng sáng tác, cải tổ các trại sáng tác.
Ông Vương Duy Biên – phó chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam – nói ông từng phụ trách nhiều trại sáng tác và ông thừa nhận chúng không hiệu quả, mấy hội liên hiệp văn học địa phương cứ mấy văn nghệ sĩ lớn tuổi tham gia, chủ yếu với mục đích giao lưu chứ ít khi sáng tác được gì với 10-15 ngày của một trại sáng tác.
Theo ông, nên có hình thức đặt hàng khác, lựa chọn người có năng lực, uy tín, đã thành công để đặt hàng sáng tác. Nữ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cũng có cùng ý kiến về tính hiệu quả của các trại sáng tác hiện nay, đề nghị Nhà nước tăng đầu tư, kéo dài thêm số ngày của trại sáng tác.
Sắp có nghị định về hoạt động văn học
Đề án mà Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch đang xây dựng đặt mục tiêu phát triển văn học hướng tới có nhiều tác phẩm có giá trị, nhân văn, nâng cao trí tuệ, bồi dưỡng tâm hồn cho con người Việt Nam, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ sáng tác, quảng bá văn học Việt Nam, phát huy tài năng của đội ngũ người cầm bút…
Theo đó, Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch sẽ xây dựng các văn bản quản lý nhà nước, tổ chức các hội thảo, đặt hàng tác phẩm và phát động sáng tác, bồi dưỡng tập huấn, mở các trại sáng tác. Dự kiến năm 2024 xây dựng nghị định về hoạt động văn học.