18/11/2024

Cục Quản lý dược: Mua, bán thuốc COVID-19 là vi phạm nghiêm trọng Luật dược

Cục Quản lý dược: Mua, bán thuốc COVID-19 là vi phạm nghiêm trọng Luật dược

Việc mua, bán sử dụng thuốc điều trị COVID-19 có dược chất Molnupiravir, Favipiravir trên mạng xã hội là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật dược; tiềm ẩn nguy cơ xấu đến sức khoẻ người dân, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu…

 

Cục Quản lý dược: Mua, bán thuốc COVID-19 là vi phạm nghiêm trọng Luật dược - Ảnh 1.

Thuốc điều trị COVID-19 đăng bán trái phép khắp các hội nhóm trên Facebook – Ảnh: CẨM NƯƠNG

Ngày 7-12, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có văn bản gửi đến Sở Y tế TP.HCM về việc tăng cường kiểm tra, xác minh việc mua bán thuốc điều trị COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc chưa được cấp phép lưu hành trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến.

Theo văn bản này, ngày 7-12, báo chí có phản ánh một số người lợi dụng tâm lý lo lắng và nhu cầu dự trữ thuốc điều trị COVID-19, tình trạng thiếu hụt gói thuốc C nên rao bán trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến các loại thuốc điều trị COVID-19 có dược chất Molnupiravir (đang thử nghiệm lâm sàng) hoặc thuốc nước ngoài chứa dược chất Molnupiravir, Favipiravir (chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam).

Cục Quản lý dược cho hay việc mua, bán, sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.

Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, thực hiện nghiêm Luật dược 2016 và chấn chỉnh tình trạng trên, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp các đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra việc phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc điều trị Molnupiravir đang được thử nghiệm lâm sàng tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.

Các trường hợp vi phạm cần xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm, tránh thất thoát, thẩm lậu thuốc ra ngoài thị trường. Trường hợp phát hiện dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Cục Quản lý dược cũng yêu cầu Sở Y tế TP.HCM tham mưu cấp có thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn TP như: Ban chỉ đạo 389, Công an và các cơ quan chức năng khác kiểm tra, xác minh vụ việc trên. Xử lý nghiêm để răn đe các trường hợp vi phạm.

Đồng thời rà soát, kiểm tra tình trạng thiếu hụt túi thuốc C tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Nếu có tình trạng thiếu hụt, Sở Y tế chủ động có giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt để kịp thời cung ứng đầy đủ thuốc cho bệnh nhân F0.

Kết quả kiểm tra, xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có), đề nghị Sở Y tế thông tin cho báo chí theo thẩm quyền và báo cáo về Cục Quản lý dược để tổng hợp báo cáo lãnh đạo bộ.

Ngày 1-12, Tuổi Trẻ có bài viết “Thuốc trị COVID-19 miễn phí được rao bán giá cắt cổ‘” trong bối cảnh thuốc kháng virus tại TP.HCM đang khan hiếm, nhiều người mắc COVID-19 (F0) cần nhưng không có thì một số người lấy danh nghĩa là bác sĩ, nhân viên y tế rao bán với giá “cắt cổ”.

Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi trung tâm y tế các quận, huyện, TP Thủ Đức và các cơ sở kinh doanh thuốc nhỏ lẻ trên địa bàn TP yêu cầu chấn chỉnh hoạt động cấp phát, kinh doanh thuốc điều trị COVID-19.

XUÂN MAI
TTO