23/12/2024

Trẻ bị sốt xuất huyết, không nên truyền dịch tại nhà

Trẻ bị sốt xuất huyết, không nên truyền dịch tại nhà

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng linh hoạt với Covid-19, các địa phương cũng đã ban hành các cấp độ dịch và mở cửa đi lại liên tỉnh.

 

 

 

Trung tâm bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) cho biết các tuần gần đây, trong số các bệnh nhi nhập viện điều trị sốt xuất huyết đã ghi nhận nhiều trường hợp nặng, nguy kịch do nhập viện muộn.

Trẻ bị sốt xuất huyết, không nên truyền dịch tại nhà - ảnh 1
Điều trị bệnh nhi sốt xuất huyết tại Trung tâm bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi T.ƯXUÂN TÙNG

Kiểm soát môi trường sống phòng bệnh cho trẻ

TS-BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội tổng quát (Trung tâm bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi T.Ư), thông tin: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra, có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Sốt xuất huyết thường xảy ra vào thời điểm mùa mưa, bởi đây là thời gian thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển.

TS-BS Hải lưu ý sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến nhanh chóng từ giai đoạn nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn phục hồi.

Ở giai đoạn đầu của bệnh, trẻ thường sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì có biểu hiện đau đầu, đau người, buồn nôn, chán ăn, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam… Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Vào giai đoạn này, trẻ có thể vẫn còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương. Tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện thường thấy là: vật vã, bứt rứt, li bì, tụt huyết áp, xuất huyết dưới da… Sau giai đoạn nguy hiểm là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng sức khỏe cải thiện.

Theo BS Hải, sốt xuất huyết là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ bằng cách kiểm soát môi trường sống xung quanh trẻ: đảm bảo sạch sẽ, tránh để những vật dụng tạo ra vùng nước đọng lại, tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng và phát triển; cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn…

Tuyệt đối không tự ý truyền dịch

BS Hải khuyến cáo khi trẻ mắc hoặc nghi mắc sốt xuất huyết, cần cho trẻ đi khám để được hướng dẫn chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cần nhập viện. Ngoài ra, cha mẹ lưu ý một số vấn đề về chăm sóc trẻ như: cho trẻ uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội), nước trái cây…

Về việc dùng thuốc hạ sốt khi mắc sốt xuất huyết, theo BS Hải: “Nên cho dùng thuốc hạ sốt paracetamol theo đúng liều lượng, không tự ý sử dụng loại khác khi không có chỉ định của bác sĩ”, đồng thời lưu ý các phụ huynh: “Nếu tình trạng bệnh có dấu hiệu nặng, phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý truyền dịch cho trẻ tại nhà hoặc các cơ sở y tế không đủ điều kiện, đề phòng biến chứng dẫn đến tử vong”.

TS-BS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết truyền dịch (thuốc) điều trị sốt xuất huyết cũng như trong điều trị bệnh nói chung chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ. Quá trình truyền thuốc điều trị cần được theo dõi diễn biến sức khỏe để kiểm soát các nguy cơ có thể gây tai biến (sốc). Do đó, tiêm, truyền chỉ được thực hiện tại bệnh viện, cơ sở y tế đã được cấp phép.

 

LIÊN CHÂU

TNO