Toà Thánh: Hệ thống lương thực phải phục hồi, bao gồm và bền vững hơn
Toà Thánh: Hệ thống lương thực phải phục hồi, bao gồm và bền vững hơn
Buổi hội thảo về lương thực được tổ chức bởi Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, phái đoàn thường trực của Toà Thánh tại Tổ chức Lương nông (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), Chương trình Lương thực Thế giới (PAM), và Diễn đàn Roma của các tổ chức phi chính phủ có cảm hứng từ Công giáo.
Trong bài phát biểu tại Hội thảo này, Đức ông Arellano nhận định rằng nếu chỉ quan tâm đến sản xuất nông nghiệp thì không đủ trong cuộc chiến chống nghèo đói. Khi nói về hệ thống lương thực cần phải có sự thay đổi mô hình khái niệm. Để chấm dứt nạn đói, không chỉ áp dụng cách tiếp cận định lượng đối với các nguồn thực phẩm sẵn có, nhưng phải áp dụng các hành vi và giải pháp với cái nhìn cởi mở đối với sự phụ thuộc và chia sẻ. Ngoài ra còn phải áp dụng các giải pháp sáng tạo có thể chuyển đổi cách chúng ta sản xuất và tiêu thụ thực phẩm vì phúc lợi của cộng đoàn và hành tinh chúng ta.
Theo Quan sát viên thường trực của Toà Thánh, để chống lại nạn đói và đạt được mục tiêu không còn đói nghèo, cần phải thay đổi các chiến lược hiện đang được sử dụng, để các hệ thống lương thực cần phục hồi, bao gồm và bền vững hơn.
Trước hết phải có sự phục hồi. Bởi vì những xáo trộn hiện tại gây ra bởi các hệ thống bất công đòi hỏi sự can đảm để phục hồi, với sức mạnh và tốc độ vì lợi ích của mỗi người.
Tiếp đến là sự bao gồm, bởi vì nếu không có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, sẽ không thể nói đầy đủ về hệ thống lương thực. Vì lý do này, cuộc chiến chống nghèo đói và chuyển đổi hệ thống lương thực sẽ chỉ có thể thực hiện được thông qua sự hợp tác của các bên liên quan khác, như khu vực công, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các trường đại học. Có ba nhóm xã hội cần phải được khẩn trương đưa vào thảo luận: các nhóm phụ nữ sản xuất nhỏ ở nông thôn; các nhóm người trẻ, đại diện cho các nhà lãnh đạo của ngày hôm nay; và các dân tộc bản địa, những người đóng vai trò cơ bản trong việc bảo vệ thiên nhiên.
Sau cùng là bền vững, bởi vì hệ thống lương thực phải được chuyển đổi phù hợp với tính lâu dài. Vì vậy, sự thay đổi của hệ thống này phải được thực hiện trong sự tôn trọng môi trường, người lao động và thế hệ tương lai. (CSR_6913_2021)
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-10/toa-thanh-he-thong-luong-thuc-bao-gom-ben-vung-hoi-phuc.html