Hoá ra béo phì không phải do ăn nhiều mà do điều này
Hoá ra béo phì không phải do ăn nhiều mà do điều này
Không phải do ăn quá nhiều, mà nghiên cứu đã tìm ra chính những thứ như thực phẩm tiện lợi, chế biến sẵn và đóng gói mới là nguyên nhân gây béo phì.
Lâu nay mọi người vẫn nghĩ rằng béo phì là do ăn quá nhiều. Mọi người ở mọi lứa tuổi đều đổ lỗi cho béo phì là do ăn quá nhiều, tuy nhiên, hóa ra điều này không hoàn toàn đúng.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ, thì lý do thực dự gây ra béo phì là thường xuyên tiêu thụ thực phẩm tiện lợi, chế biến và đóng gói sẵn, theo Timesnownews. Những thực phẩm này làm thay đổi sự trao đổi chất của cơ thể, thay đổi cách cơ thể xử lý và lưu trữ chất béo, do đó dẫn đến béo phì.
Chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều carbohydrate tinh chế và nhiều đường – như mì gói, bánh mì kẹp thịt nguội, bánh pizza, bánh rán, thịt xông khói… có thể là con đường dẫn bạn đến với béo phì, theo Timesnownews. Những loại thực phẩm này có nhiều chất béo bão hòa và thậm chí cả carbs đơn có thể dễ phân hủy thành glucose, lưu trữ trong máu, từ đó khiến tuyến tụy sản xuất quá nhiều insulin dẫn đến tăng cân. Dần dần có thể dẫn đến béo phì.
Ngoài ra, còn 5 nguyên nhân hàng đầu gây béo phì sau đây:
1. Hội chứng buồng trứng đa nang
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây béo phì ở phụ nữ. Theo Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ, có đến 40 – 80% phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang cũng bị thừa cân hoặc béo phì. Nguyên nhân là do hội chứng này tác động lên tỷ lệ trao đổi chất, dẫn đến trao đổi chất bất thường và tăng nguy cơ mắc cả bệnh tiểu đường và béo phì, theo Timesnownews.
2. Ít vận động
Lối sống ít vận động đóng vai trò rất lớn đối với béo phì. Một mặt, cơ thể vẫn hấp thụ calo vào, nhưng nếu không tham gia bất kỳ hoạt động thể chất nào, cơ thể sẽ tích tụ chất béo từ đó dẫn đến béo phì theo thời gian.
Đặc biệt người làm công việc ngồi nhiều, cần phải đứng lên và đi lại để giữ cơ thể vận động và tránh nguy cơ béo phì.
|
3. Di truyền
Gien di truyền đóng vai trò rất lớn đối với béo phì, vì nó quy định cách cơ thể xử lý và lưu trữ chất béo, cũng giống như bệnh tiểu đường và hội chứng buồng trứng đa nang có thể di truyền. Người có cả cha và mẹ đều béo phì sẽ dễ bị béo phì hơn.
4. Thiếu hụt hoóc môn
Sự thiếu hụt các hoóc môn như leptin có thể dẫn đến béo phì theo thời gian.
Leptin là một loại hoóc môn được sản xuất bởi các tế bào mỡ trong cơ thể, thường được gọi là “hoóc môn tạo cảm giác no” hay “hoóc môn điều chỉnh cân nặng”.
Khi cơ thể đã có đủ lượng chất béo tích trữ thì leptin có nhiệm vụ báo cho não bộ biết rằng không cần ăn thêm nữa và có thể đốt cháy calo ở mức bình thường.
Khi cơ thể không hấp thu đủ hoóc môn leptin, sẽ dẫn đến mất cân bằng hóc môn này, lâu dần sẽ gây ra tình trạng béo phì, theo Timesnownews.
5. Căng thẳng và lo lắng
Cảm xúc và tâm trạng thay đổi thất thường ảnh hưởng đến cách ăn uống, khiến nhiều người đặc biệt là thanh thiếu niên thích ăn nhiều đường, thức ăn tiện dụng chế biến sẵn – dần dần có thể dẫn đến béo phì. Điều này cũng có thể xảy ra do buồn chán.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm là ăn uống khi tâm trạng căng thẳng có thể gây ra chứng rối loạn ăn uống, theo Timesnownews.
THIÊN LAN
TNO