24/01/2025

Hiện tượng đường huyết ‘3 giờ sáng’ là gì?

Hiện tượng đường huyết ‘3 giờ sáng’ là gì?

Hầu hết bệnh nhân tiểu đường thường thức giấc vào cùng một thời điểm: 3 giờ sáng.
Bệnh nhân tiểu đường hay bị mất giấc ngủ /// Shutterstock
Bệnh nhân tiểu đường hay bị mất giấc ngủ  SHUTTERSTOCK
Nguyên nhân là vì lượng đường trong máu tăng đột ngột. Có 2 kiểu tăng đột ngột thường được gọi là hiện tượng bình minh hoặc hiệu ứng Somogyi.

Hiện tượng bình minh

Theo trang tin Times of India, cơ thể chúng ta sử dụng glucose để tạo ra năng lượng. Để chuẩn bị cho việc thức dậy, cơ thể sẽ sử dụng lượng glucose dự trữ, đồng thời gan giải phóng thêm glucose trong máu do hormone, cortisol và catecholamine tăng lên. Quá trình này thường xảy ra vào khoảng 2-3 giờ sáng. Thời điểm này cũng là lúc thuốc trị tiểu đường ngày hôm trước bắt đầu hết tác dụng. Tất cả yếu tố trên khiến đường huyết đột ngột tăng cao vào buổi sáng.

Hiệu ứng Somogyi

Hiệu ứng này xảy ra khi lượng đường trong máu hạ xuống quá thấp vào ban đêm. Để giúp tăng đường huyết, cơ thể sẽ tiết ra các hormone buộc gan giải phóng lượng glucose dự trữ. Người bình thường thì không sao, nhưng với người bệnh tiểu đường, lượng glucose được giải phóng này sẽ khiến đường huyết tăng cao.
Bạn nên đo đường huyết trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Nếu lượng đường trong máu thấp vào ban đêm và cao lúc thức dậy thì đó là hiệu ứng Somogyi. Còn đường huyết bình thường ban đêm nhưng cao vào sáng sớm có thể là hiện tượng bình minh.
Ngoài ra, hiệu ứng Somogyi có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

Cách kiểm soát lượng đường trong máu vào buổi sáng

Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ. Tùy nguyên nhân là gì mà có cách giải quyết khác nhau.
Đối với hiện tượng bình minh:
Thay đổi thời gian uống thuốc hoặc loại thuốc tiểu đường
Ăn sáng nhẹ
Tăng liều lượng thuốc buổi sáng
Đối với hiệu ứng Somogyi:
Giảm liều thuốc tiểu đường vào ban đêm
Thêm một bữa ăn nhẹ nạp carb trước khi đi ngủ
Thay đổi lịch tập thể dục qua ban ngày vì tập thể dục có thể làm hạ đường huyết
UYÊN LÊ
TNO