23/11/2024

Trì hoãn điều trị khiến ung thư nguy hiểm hơn

Trì hoãn điều trị khiến ung thư nguy hiểm hơn

Ghi nhận các ca ung thư tiến tiến nặng do trì hoãn khám, các đơn vị điều trị ung bướu tại Hà Nội đã hướng dẫn giúp bệnh nhân điều trị kịp thời trong dịch Covid-19.
Bệnh nhân ung thư cần được khám, điều trị sớm để tăng cơ hội chữa trị thành công /// ẢNH P.LINH
Bệnh nhân ung thư cần được khám, điều trị sớm để tăng cơ hội chữa trị thành công ẢNH P.LINH

Suy kiệt do ung thư trở nặng

Mới đây, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.T (nam, 62 tuổi, ở H.Đông Anh, Hà Nội) đến khám trong tình trạng khó thở, không nói được, do khối u khẩu cái trong khoang miệng đã lan rộng lên mũi.
Trước đó, bệnh nhân đã phát hiện khối u trong miệng nhưng trì hoãn điều trị do dịch Covid-19. Chỉ trong chưa đến 2 tháng, khối u vùng miệng đã phát triển to lên nhanh chóng, sùi loét, hoại tử, gây biến dạng gương mặt.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán có khối tại khẩu cái cứng, kích thước khoảng 8 x 10 cm, xâm lấn hốc mũi, xâm lấn lợi hàm, xương hàm trên, phát triển đè đẩy vào khoang miệng. Giải phẫu bệnh xác định ung thư biểu mô vảy.
Bác sĩ Trần Quang Kiên, công tác tại Khoa Xạ trị theo yêu cầu (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội), người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân này, cho biết sau khi xử trí tình trạng nhiễm trùng của khối u, bệnh nhân được xạ trị, giảm đau, chống chảy máu. Sau 10 buổi xạ trị, bệnh đáp ứng tốt, khối u giảm kích thước 70%. Bệnh nhân hiện có thể nói chuyện, ăn uống dễ dàng hơn, hết khó thở và tiếp tục được điều trị theo phác đồ, tăng thời gian sống thêm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một trường hợp khác là bệnh nhân N.X.T (42 tuổi, ở Bắc Giang) bị khối u vùng mặt xuất hiện cách đây hơn 1 năm. Sau 2 lần phẫu thuật tại các cơ sở y tế tuyến dưới, hồi tháng 4, bệnh tái phát. Khối u to lên nhanh, có mùi hôi, rỉ máu liên tục, đôi khi chảy máu ồ ạt.
Tuy nhiên, do e ngại dịch bệnh, sau 4 tháng kể từ khi tái phát, bệnh nhân mới đến khám tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội trong tình trạng mệt mỏi, cơ thể suy kiệt, sút gần 10 kg. Lúc này, kích thước khối u đã lên đến 7,5 x 9 cm, thâm nhiễm dính rộng cơ mặt phải, vùng mang tai.
Trường hợp của bệnh nhân N.X.T, TS Đàm Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Ngoại, đã cùng kíp mổ tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ khối và lấy hết tế bào ung thư, sau đó tạo hình thẩm mỹ lại vùng má bị khuyết hổng rộng 10 cm.
Cả 2 bệnh nhân hiện đều được điều trị ổn định.

Hướng dẫn khám và lĩnh thuốc điều trị

Bác sĩ Phương Linh, công tác tại Phòng Quản lý chất lượng – Công tác xã hội (Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội), chia sẻ do thực hiện giãn cách chống dịch Covid-19, không ít bệnh nhân lo nhiễm dịch nên đã trì hoãn đến bệnh viện khám, điều trị.
Để tuân thủ phòng dịch nhưng vẫn đảm bảo được điều trị kịp thời, đặc biệt với bệnh nhân ung thư, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã tiếp nhận đăng ký hẹn khám qua điện thoại, hướng dẫn bệnh nhân các thủ tục cơ bản trước khi đến khám.
Bệnh viện này cũng đã thông báo trên web chính thức (benhvienungbuouhanoi.vn) số điện thoại tổng đài (02471002828) kèm các số máy lẻ đến từng khoa và các bộ phân liên quan về khám chữa bệnh, điều trị để người bệnh và người nhà có thể liên hệ trước, được hướng dẫn cụ thể về khai báo y tế. Đồng thời, duy trì tổng đài chăm sóc khách hàng 19001017 (từ 8 -18 giờ các ngày thứ 2 – thứ sáu trong tuần) nhận đặt lịch hẹn khám và hướng dẫn các thủ tục cần thiết khác về đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội.
Để hỗ trợ tuyến dưới, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã có hệ thống khám chữa bệnh từ xa, tham gia hội chẩn với các bệnh viện tỉnh trong chẩn đoán, điều trị, các bệnh nhân nặng.
Tương tự, Bệnh viện K (Bộ Y tế) cũng duy trì số điện thoại liên hệ và và số máy trực đường dây nóng: 0904690818, đồng thời duy trì tư vấn trực tuyến về các vấn đề liên quan điều trị (hóa trị, xạ trị, dinh dưỡng…) các loại ung thư.
 Theo hướng dẫn của Trung tâm Ung bướu (Trung tâm) Bệnh viện Bạch Mai, để đảm bảo cấp thuốc cho người bệnh ung thư ngoại trú tại các vùng bị cách ly, phong tỏa hoặc thực hiện giãn cách không thể đến Trung tâm, người bệnh có thể ủy quyền cho người nhà đến lĩnh thuốc thay.
Người nhà đến lấy thuốc cần có giấy uỷ quyền của người bệnh (có xác nhận của UBND cấp xã, phường nơi cư trú, hoặc thủ trưởng đơn vị đang làm việc, học tập); thẻ BHYT gốc của người bệnh và bản phô tô (1 giấy chuyển tuyến, 1 CMND hoặc căn cước công dân, 2 thẻ BHYT).
Các bác sĩ cũng lưu ý, bệnh nhân ung thư nên đi khám ngay tại y tế địa phương khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc tái phát. Hầu hết các tuyến tỉnh có thể đánh giá được các yếu tố nghi ngờ ung thư. Trường hợp cần chuyển tuyến điều trị, các bệnh viện đã có kết nối để việc vận chuyển bệnh nhân được thuận lợi và đảm bảo an toàn phòng dịch.

Các chuyên gia ung bướu khuyến cáo, điều trị ung thư trị kịp thời đem lại cơ hội thành công cao hơn, kiểm soát các nguy cơ tiến triển nặng, di căn xa, gây tử vong sớm.

LIÊN CHÂU

TNO