‘Lịch triều tạp kỷ’ và những sự kết thúc đặc biệt
‘Lịch triều tạp kỷ’ và những sự kết thúc đặc biệt
Lịch triều tạp kỷ (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành), ghi chép lại các sử kiện thời Hậu Lê theo lối sử biên niên, từ đời Lê Gia Tông năm Dương Đức thứ nhất (1672) đến đời Lê Mẫn đế năm Chiêu Thống thứ 4 (1789), kéo dài hơn 100 năm.
Lịch triều tạp kỷ do Cao Tẩu ở Ái Châu biên soạn, con trai là Xiển Trai bổ sung. Cao Tẩu chính là Lê (hoặc Ngô) Cao Lãng, tự Lệnh Phủ, hiệu Viên Trai, một danh sĩ đời Gia Long, đỗ hương cống (năm 1828 trở về sau đổi là cử nhân) khoa Đinh Mão (1807), làm đến tri phủ.
Sách gồm 6 quyển. Năm 1975, dịch giả Hoa Bằng viết: “Thư viện Sử học có các quyển: I, II, III, IV, thiếu quyển V và quyển VI; Thư viện Viện Khoa học xã hội, ký hiệu A.15, chỉ có quyển IV và quyển VI, thiếu quyển I, II, III, và V”. Vì vậy, bản Việt ngữ chỉ gồm 5 quyển, thiếu quyển V.
Kết thúc nội chiến Trịnh – Nguyễn
Sách mở đầu bằng sự kiện chúa Trịnh Tạc cất quân đi đánh Dũng Quốc công Nguyễn Phúc Tần ở hai xứ Thuận Quảng vì cớ chống lại mệnh lệnh triều đình, không thần phục vua Lê. Tháng 4.1672, chúa Trịnh Tạc trưng dụng binh lính ở các xứ, mua vũ khí của người Hà Lan, cáo tế trời đất, điều động và bố trí các tướng lĩnh. Tháng 6.1672, chúa thân phò vua Lê Gia Tông (bấy giờ mới 12 tuổi) ngự giá Nam chinh.
Tiết chế Trịnh Căn vượt sông Gianh (Linh giang) đóng trại, hiểu dụ quân và dân Thuận Quảng rằng: “Đánh kẻ có tội để cứu lấy dân, đó là ý nghĩa dấy quân của vương giả. […] Đất là đất của vua [Lê], dân là dân của vua, thế mà họ Nguyễn lại lén lút chiếm cứ đất này…” (tr.26).
Để có lý do hành quân, tháng 3 năm Canh Tuất (1670) Trịnh Tạc sai người mang tờ dụ của vua Lê vào Thuận Quảng khuyên họ Nguyễn cống nộp thuế nhưng Nguyễn Phúc Tần từ chối, phái bộ tay không trở về Bắc hà. Đây không phải lần đầu họ Trịnh đốc suất đại binh vào Nam hà để “hỏi tội” họ Nguyễn. Cuộc tấn công năm Tân Sửu (1661) đã khiến chúa Nguyễn Phúc Tần phòng xa, cho đắp hai bên cửa sông Nhật Lệ hai lũy Trấn Ninh và Sa Phụ, hoàn thành năm Quý Mão (1663).
Chúa Trịnh dẫn quân xâm lăng thì chúa Nguyễn phải tăng cường phòng thủ, cố thủ. Biết tin Trịnh Tạc dấy binh, Nguyễn Phúc Tần họp tướng sĩ bố trí việc canh phòng, phong công tử thứ tư là Nguyễn Phúc Hiệp làm nguyên soái. Tháng 7.1672, nguyên soái Hiệp đến phủ Tân Thắng (Quảng Bình) trù liệu việc binh.
|
Sứ giả hai bên đối đáp bên bờ sông Gianh, phía chúa Trịnh cho rằng vì chúa Nguyễn không nhận sắc dụ của vua Lê nên cất quân đến đánh, phía chúa Nguyễn thì cho rằng chúa Trịnh chuyên quyền, vì đấy là sắc dụ của chúa Trịnh chứ không phải của vua Lê nên họ không nhận. Hai bên giao chiến, thấy đánh không thể thắng nên cuối năm 1672, Trịnh Tạc hạ lệnh hồi quân, đầu năm 1673 xa giá vua Lê về đến kinh đô.
Quân Trịnh về Bắc để lại sau lưng vùng chiến sự hoang tàn đổ nát, hai bên tổn thất rất nhiều nhân mạng. Sau 45 năm, kể từ trận chiến đầu tiên vào năm 1627, có tổng cộng tám lần đối đầu giữa quân Trịnh – Nguyễn trên phần đất từ phía nam đèo Ngang đến sông Nhật Lệ. Cuộc chiến năm 1672 là lần cuối, kết thúc thời kỳ mà lịch sử quen gọi là cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn hay Trịnh – Nguyễn phân tranh. Kể từ đó, Nam yên Bắc ổn, Bắc hà của họ Trịnh, Nam hà của họ Nguyễn.
Kết thúc Lưỡng đầu chế và nhà Hậu Lê
Lịch triều tạp kỷ quyển IV nói về triều Lê Hiển Tông Vĩnh Hoàng đế (1740 – 1786), trong lịch sử Đại Việt năm Bính Ngọ (1786) được xem là mốc quan trọng. Năm đó, Nguyễn Huệ lấy cớ phò Lê đưa quân ra Bắc hà tiêu diệt họ Trịnh, sau khi Nguyễn Huệ về Phú Xuân thì Án Đô vương Trịnh Bồng quay lại thiết lập vương phủ, Nguyễn Hữu Chỉnh kéo quân từ Nghệ An ra dẹp tan tàn dư họ Trịnh.
Như vậy, tính từ năm Kỷ Hợi (1599), năm Trịnh Tùng được gia phong tước Vương từ đó xác lập nên thể chế vua Lê chúa Trịnh, đến năm 1786 là 187 năm, trải qua 12 đời vua Lê và 10 đời chúa Trịnh. Chừng đó năm ở Bắc hà tồn tại thể chế có hai vị “vua” cùng cai trị, phương Tây gọi là “dyarchie” (chế độ lưỡng quyền), còn ở Việt Nam thì năm 1969, tác giả Lê Kim Ngân gọi là “lưỡng đầu chế” khi đệ trình luận án luật khoa tiến sĩ (Ban Công pháp).
Lưỡng đầu chế ở Đại Việt bấy giờ quyền lực thực chất do chúa Trịnh nắm hết, vua Lê chỉ có hư vị, từ năm 1722 trở về sau càng rõ ràng hơn. Lịch triều tạp kỷ viết:
“… quyền ban tước thưởng đi đánh dẹp, ban cho hay đoạt lại, cho sống hay bắt chết, đều do nhà chúa mà ra cả, nhà vua chỉ mua vui bằng thanh âm ca vũ” (tr.502).
Quyển VI đề cập đoạn sử đời Lê Mẫn đế năm Chiêu Thống thứ 4 (Kỷ Dậu, 1789). Tết năm Kỷ Dậu, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc đại phá quân Thanh, Tôn Sĩ Nghị chạy về Quảng Tây, vua Lê Chiêu Thống xuất bôn sang Trung Hoa. Đây là lần thứ ba Nguyễn Huệ ra Thăng Long, cũng kết thúc luôn mặt trời nhà Hậu Lê phủ bóng trên mảnh đất Đại Việt suốt 257 năm (1532 – 1789) ròng rã, nhưng sĩ phu Bắc hà vẫn mãi cứ hoài Lê.
Lần lượt những tiến sĩ, cống sĩ văn chức triều Lê như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn… về hàng Nguyễn Huệ, đấy là điều mà bấy giờ họ Nguyễn cần. Nhưng Nguyễn Huệ cần hơn cả là sự quy phục của bậc đại túc nho để củng cố tính chính đáng của mình.
Nguyễn Huệ đã giao thiệp và hội kiến La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp nhiều lần trong giai đoạn 1787 – 1789, cầu hiền tài như Lưu Bị cầu Khổng Minh. Việc lập Sùng Chính viện với Nguyễn Thiếp làm viện trưởng là việc làm khôn ngoan của Nguyễn Huệ, mà cái đích cuối nhắm đến có lẽ là thu phục giới sĩ phu Bắc hà.
Không chỉ ghi chép những sự kiện lịch sử và chính trị quan trọng, Lịch triều tạp kỷ còn cung cấp nhiều thông tin thú vị và quý giá về văn hóa (kiến trúc, điêu khắc), kinh tế (ruộng tư rơi vào tay hào phú, sưu cao thuế nặng, bất bình đẳng xã hội), đời sống và sinh hoạt xã hội… của người Việt lúc bấy giờ.
Lịch triều tạp kỷ mang đến cho độc giả ngày nay nguồn tài liệu tham khảo thú vị và quý giá về nhiều mặt đời sống ở Đại Việt từ cuối thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18.
NGUYỄN QUANG DIỆU
TNO