Ca hát, trồng cây, giúp người khác để vượt bất ổn tâm lý mùa dịch
Ca hát, trồng cây, giúp người khác để vượt bất ổn tâm lý mùa dịch
Đại dịch dai dẳng khiến giãn cách xã hội kéo dài, nhiều người thừa nhận cơ thể của mình dần có những bất ổn về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Nhiều người ở nhiều lứa tuổi, công việc khác nhau đang bị stress…
Lo lắng, khủng hoảng
“Tôi luôn mệt mỏi, dù cả ngày chẳng làm gì cực nhọc hay áp lực” – Hà Linh (27 tuổi, quận 3, TP.HCM) chia sẻ đầy lo lắng.
Là người làm trong lĩnh vực truyền thông, trước đây Hà Linh luôn bận rộn trong đời thường và nghĩ đến việc một ngày nào đó có kỳ nghỉ dài thì ắt hẳn mọi thứ sẽ rất tuyệt.
“Tôi đi làm thêm từ năm hai đại học, dù phải thừa nhận bản thân đã học hỏi, trưởng thành nhiều nhưng tôi chưa dành đủ thời gian cho mình và gia đình. Những kỳ nghỉ dài ngày để đọc hết vài quyển sách, giảm vài cân là một mơ ước mãnh liệt vì công việc cứ ập đến, cuốn đi”, Hà Linh thừa nhận.
Vậy mà vài tháng qua công ty chuyển sang hình thức làm việc ở nhà hoàn toàn, có nhiều thời gian rỗi hơn hẳn, Hà Linh nào ngờ mọi chuyện diễn ra khác với dự định. Bạn dậy trễ, với tay chộp “dế” đọc ngấu nghiến các tin tức ảm đạm về COVID-19… rồi mới uể oải làm đồ ăn sáng, ngồi vào góc làm việc.
Hà Linh cho biết cả chất lượng cuộc sống lẫn công việc của mình đều đang “tuột dốc”, khả năng sáng tạo cạn kiệt. Thời gian rỗi nhiều hơn, vậy mà sự tập trung để hoàn thành việc đọc sách không có, động lực tập thể dục cũng không, và nhất là bạn thường trở nên cáu gắt với mọi người.
Bạn căng thẳng, mất ngủ thường xuyên và luôn tự hỏi bản thân đang thật sự cần gì, muốn gì. Câu chuyện của Hà Linh dần trở nên phổ biến ở nhiều bạn trẻ hiện nay.
ThS.BS Nguyễn Trung Nghĩa (chuyên khoa tâm thần Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) cho biết trong đại dịch thì những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sức khỏe tinh thần đáng kể là những người dưới 40 tuổi, nữ giới, mắc bệnh mãn tính… hoặc nhóm thất nghiệp và học sinh sinh viên, kế đến là các cá nhân thường xuyên tiếp xúc với mạng xã hội và tin tức liên quan đến COVID-19.
Theo ThS tâm lý Lê Trần Hoàng Duy (tốt nghiệp ĐH Newcastle, Úc), một trong những cách giải thích cho sự ức chế, bức bách của các cá nhân trên là dựa vào những nhu cầu và cách họ đáp ứng nhu cầu của bản thân.
“Theo học thuyết về nhu cầu của nhà tâm lý học Abraham Maslow, các nhu cầu cơ bản của con người bao gồm nhu cầu thể chất, an toàn, được yêu thương và thuộc về, được tôn trọng, được phát triển hết tiềm năng. Khi đối chiếu với hoàn cảnh sống của nhiều người trong đại dịch, có thể thấy rất nhiều nhu cầu trong số đó đang không được thỏa mãn một cách phù hợp”, ThS Hoàng Duy chia sẻ.
Cụ thể, việc thiếu vận động và tiếp xúc với thiên nhiên (nhu cầu thể chất), thiếu trải nghiệm kết nối xã hội (nhu cầu được yêu thương và thuộc về), thiếu mục tiêu và cảm giác thành tựu (nhu cầu được tôn trọng và được phát triển hết tiềm năng)… dễ dẫn đến sự bức bối ở nhiều người.
Lắng nghe bản thân rất quan trọng
Theo ThS Hoàng Duy, giải pháp cho các cá nhân trên dựa vào sự thấu hiểu những nhu cầu của bản thân và đáp ứng chúng theo một cách linh động, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Chẳng hạn, thay vì ra ngoài để kết nối với thiên nhiên, chúng ta có thể mang thiên nhiên vào trong chính căn phòng của mình bằng cách trồng một cây cảnh nhỏ… Khi đó, dịch bệnh không còn là vật cản mà chỉ làm nhịp sống đời thường trở nên “khác”, thử thách hơn đôi chút và chúng ta vẫn có thể tiếp tục phát triển bản thân.
ThS tâm lý Nguyễn Hồng Ân (quyền trưởng bộ môn tâm lý học Trường ĐH Hoa Sen) nhận định việc phải quanh quẩn trong 4 bức tường suốt thời gian dài đúng là dễ dẫn đến tâm trạng bức bối, tù tùng và dễ sinh cáu gắt, cạn dần năng lượng tích cực và sự sáng tạo ở con người.
“Lúc này điều chúng ta cần làm là tận dụng hiệu quả các bài tập hít thở, thư giãn. Cho phép bản thân có những khoảng lặng, bước lùi lại trong lúc đang giận dữ để có khoảng không gian và thời gian suy nghĩ, phản ánh lại những sự kiện đang diễn ra và cảm xúc của bản thân”, anh nhận định.
Bên cạnh đó, ThS Hồng Ân cũng cho rằng việc nhìn nhận và tái đánh giá những suy nghĩ thường trực hay xuất hiện về bản thân, về người khác hay về hoàn cảnh hiện tại cũng là cách để chúng ta ứng phó hiệu quả với những khó khăn trong hành vi và cảm xúc của chính mình.
Theo anh, các câu hỏi mà mọi người có thể tự vấn là: “Liệu tôi có đang đòi hỏi ở mình hay người khác quá nhiều? Liệu tôi có đang vội vàng quy kết tình huống này? Có cách giải thích, nhìn nhận nào khác cho hoàn cảnh, điều kiện hiện tại hay không?…”.
Còn ThS.BS Trung Nghĩa bổ sung những giải pháp khác đơn giản nhưng cũng rất hiệu quả là tập cách giúp đỡ người khác và thực hành chánh niệm (mindfulness).
“Thông qua việc hỗ trợ người khác, chúng ta cảm nhận được sự kết nối với cộng đồng, thấy mình là một phần của cộng đồng và tìm thấy được giá trị của bản thân.
Thời giãn cách hạn chế đi lại, nhiều nghệ sĩ vẫn sáng tác và quay MV động viên tinh thần mọi người… Hoặc đơn giản là chúng ta lắng nghe tâm sự của một ai đó, để họ thoải mái khóc trên vai mình.
Còn chánh niệm là khi bạn dành sự chú tâm của mình cho khoảnh khắc hiện tại, vận dụng cả 5 giác quan để cảm nhận trọn vẹn sự ấm áp của nụ hoa nở trong nắng hay tiếng chim hót… rồi chúng ta sẽ cảm nhận được cuộc sống thi vị hơn hẳn”, ThS.BS Trung Nghĩa chia sẻ.
Các nguồn thông tin hỗ trợ về tâm lý
ThS Hồng Ân cho biết để tìm hiểu thông tin chính thức về các vấn đề tâm lý, mọi người có thể tham khảo các trang của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), Mạng lưới quốc gia về bệnh lý tâm thần (NAMI) hoặc tạp chí Observer của Hiệp hội Khoa học tâm lý (APS), của Tổ chức WHO Việt Nam…