Câu chuyện cách ly F0 tại nhà và những điều cần biết
Câu chuyện cách ly F0 tại nhà và những điều cần biết
Thời gian qua, TP.HCM đã thiết lập nhiều bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 bên cạnh các bệnh viện điều trị sẵn có. Số F0 ngày càng nhiều, việc theo dõi chăm sóc, cách ly F0 tại nhà được nhiều người quan tâm.
Ngày 21.7 vừa qua, UBND TP.HCM có văn bản hướng về việc phối hợp giữa ngành y tế, địa phương, hộ dân trong việc cách ly tập trung, cách ly đối với F0.
Ngày 22.7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) có thông tin hướng dẫn về việc cách ly đối với F0 như sau:
Theo đó, cách ly tập trung với những F0 qua test nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR dương tính nhưng không có triệu chứng lâm sàng, không bệnh lý nền (bệnh có sẵn), hoặc nếu có bệnh lý nền nhưng đã được điều trị ổn định, không béo phì.
Với F0 không triệu chứng thực hiện cách ly tập trung 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 7, nếu kết quả âm tính hoặc dương tính nhưng có tải lượng vi rút thấp (giá trị CT > hoặc = 30) thì chuyển cách ly tại nhà.
Nếu kết quả xét nghiệm ngày thứ 7 dương tính nhưng giá trị CT < 30 thì làm test nhanh mỗi 2 ngày/lần cho đến khi có kết quả test nhanh âm tính thì cho phép F0 đó về tiếp tục cách ly theo dõi tại nhà theo quy định.
Đối với F0 mới phát hiện không có triệu chứng, có kết quả xét nghiệm RT-PCR với giá trị CT > hoặc = 30 và hội đủ các điều kiện theo quy định của ngành y tế thì xem xét cách ly tại nhà.
F0 cách ly tại nhà lưu ý gì?
Gia đình chị T.M (ở TP.HCM) có F0 và báo cáo cơ quan chức năng địa phương. Hôm nay 26.7, chị M. cho phóng viên Thanh Niên biết, cơ quan chức năng có tư vấn do F0 chưa có triệu chứng nên tạm để cách ly, theo dõi tại nhà.
Trước đó, gia đình chị T.V, ở Q.1, TP.HCM, có 4 F0. Ban đầu, 2 F0 có triệu chứng được cơ quan chức năng đưa đi cách ly, điều trị trước; 2 F0 không triệu chứng tạm thời ở nhà cách ly phòng riêng. Chị T.V lo bữa ăn cho F0 theo hướng dẫn cơ quan chức năng, đảm bảo phòng chống dịch bệnh…
|
Chiều 26.7, trao đổi với Thanh Niên liên quan đến việc cách ly F0, bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia lâu năm về bệnh truyền nhiễm), có những lưu ý đối với F0 và người nhà như sau:
Với F0 theo dõi tại nhà cần ăn uống đầy đủ (như thường lệ), uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tập thể dục, đi lại (trong phòng); không được ra khỏi nhà khi chưa được phép; khi tiếp xúc với người nhà phải trên 2 mét, đeo khẩu trang; không ăn chung, dùng chung dụng cụ sinh hoạt, dụng cụ ăn uống; không ở chung phòng với người nhà.
F0 ở phòng riêng. Nhà vệ sinh trong phòng cách ly F0 luôn sạch sẽ. Khi đi vệ sinh mang khẩu trang, rửa tay sau khi đi vệ sinh. Lúc ở trong phòng 1 mình, F0 không nhất thiết phải mang khẩu trang.
Người nhà có cách ly F0 cần biết
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, khi tiếp tế thức ăn cho F0 nên đặt ở cái bàn để trước cửa phòng F0, để đồ ăn lên bàn. Nên dùng chén, dĩa nhựa (hoặc giấy) dùng 1 lần rồi bỏ.
|
Nếu có tiếp xúc F0 để đưa thức ăn thì cần trên 2 mét, người nhà và F0 nhớ lúc này có mang khẩu trang, găng tay, tấm kính chắn giọt bắn.
Nếu gia đình có người bệnh nặng thì không cách ly F0 chung nhà. Cách ly F0 tại nhà khác, hoặc người có bệnh nặng tạm đến nơi khác ở…
Khi cách ly F0 tại nhà, người nhà cùng để ý, theo dõi nếu thấy F0 có những bất thường, có triệu chứng (sốt, ho, khó thở…) thì báo cho địa phương, cơ sở y tế gần nhất.
Tính từ ngày 27.4.2021 (đợt dịch thứ 4) đến sáng nay (26.7), tại TP.HCM ghi nhận tổng cộng 62.139 ca nhiễm Covid-19 (số đã được công bố). Còn số mắc cả nước tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay là 97.421 ca, trong đó có 16.564 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
KHÁNH VY
TNO