Bà Trần Thị Lệ (52 tuổi, ở ấp Cảng) cho biết 11 năm trước, do nhà nghèo nên bà được chính quyền xét vào khu dân cư (KDC) ấp Cảng mua nền và nhà trả chậm. Khoảng 4 năm sau, KDC này mới có nhà máy cấp nước. Ban đầu, nước máy sinh hoạt đạt chất lượng tốt, nhưng chỉ vài tháng sau thì trục trặc, nước không tải đến được nhà dân.
Sau khi người dân phản ánh thì nhà máy hoạt động lại. Tuy nhiên xả van hết cỡ cũng không thấy nước, rồi nhà máy đóng cửa đến bây giờ. “Sau khi nhà máy ngưng hoạt động, bà con phải mua nước ngọt dưới ghe. Thời gian sau chuyển sang mua nước chở bằng xe, bởi nước dưới ghe chất lượng kém hơn. Xe chở nước ngọt từ Hòn Heo về KDC ấp Cảng khoảng 5 km, bán với giá 80.000 đồng/m3. Người dân ở đây cam chịu cảnh này suốt 7 năm qua”, bà Lệ bức xúc nói.
Còn bà Nguyễn Thị Lệ (53 tuổi, sống cạnh nhà máy nước bị bỏ hoang) cho biết nhà bà có 4 nhân khẩu nhưng tiền mua nước sinh hoạt lên đến 1,2 triệu đồng/tháng. Trong khi gia đình bà cũng nghèo. Trước đây, để có nước sử dụng, ngoài việc trả 20.000 đồng/m3, bà còn phải đóng 450.000 đồng gắn đồng hồ. Chính vì vậy, khi nhà máy nước ngưng hoạt động, bà cùng nhiều người dân khiếu nại. Lãnh đạo xã cứ hứa sang năm có nước, nhưng chờ hết năm này sang năm khác vẫn chưa có.
Ông Đỗ Văn Tứ (64 tuổi), vốn là quản lý nhà máy nước, cho biết nhà máy nước ở KDC ấp Cảng được xây dựng hoàn thành khoảng năm 2011. Công việc của ông là cuối tháng đi thu tiền nước của các hộ dân rồi báo cáo UBND xã việc thu, chi. Mấy tháng đầu nhà máy hoạt động tốt và có lãi, ông Tứ được trả công 400.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, vài tháng sau, nhà máy tiêu tốn điện rất lớn, thêm vào đó mô tơ điện bị cháy, ống dẫn bị xì nhiều chỗ. Lúc này, ông Tứ báo cáo UBND xã Hoà Điền và đề nghị sửa chữa nhưng xã không có kinh phí.
Theo ông Tứ, lúc mới đưa vào sử dụng, giá nước thu của các hộ dân là 15.000 đồng/m3, sau đó tăng lên 20.000 đồng/m3 nhưng vẫn thua lỗ. Khi họp dân đề xuất tăng giá nước thì dân không đồng tình, từ đó UBND xã Hoà Điền cho đóng cửa nhà máy.
Ông Trần Văn Thời, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Điền, xác nhận dân ở ấp Cảng phải mua nước sử dụng với giá 80.000 đồng/m3 là có thật, nhưng giải quyết chuyện này là việc quá tầm tay của xã.
Ông Giang Thanh Khoa, Chủ tịch UBND H.Kiên Lương, cho biết giữa Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang và Trung tâm nước sạch tỉnh Kiên Giang chưa thể thống nhất được chuyện bàn giao nhà máy nước bỏ hoang. Mặc dù Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang đã đấu nối đường ống dẫn nước đến đường chính nhưng ngưng lại, chưa dẫn vào khu dân cư do lấn cấn chuyện bàn giao tài sản này. Do đây là tài sản của hai đơn vị cấp tỉnh nên huyện chỉ đốc thúc chứ không can thiệp được. Do đó chưa biết bao giờ dân có nước để sử dụng.
THANH TUẤN