6 lời khuyên giúp hồi phục sức khoẻ sau khi hết COVID-19
6 lời khuyên giúp hồi phục sức khoẻ sau khi hết COVID-19
Nhiều bệnh nhân COVID-19 gặp tình trạng bị kéo dài các triệu chứng dù đã khỏi bệnh. Một bác sĩ Ấn Độ tiết lộ 6 bí quyết giúp loại bỏ các triệu chứng và hồi phục nhanh hơn.
“COVID và hồi phục sau COVID” là quyển sách mới xuất bản của bác sĩ người Ấn Độ Vishakha Shivdasani.
Mở đầu sách là lời tâm sự của một bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh được một tháng: “Bác sĩ ơi, sống sót không giống như bình phục. Tôi đã thoát COVID-19 nhưng tôi không còn là con người như trước nữa. Tôi vẫn chưa khỏe”.
“COVID-19 kéo dài” là hiện tượng đang được các nhà khoa học nghiên cứu từ Đông sang Tây. Nhiều bệnh nhân COVID-19, dù nhẹ hay nặng, kể họ vẫn bị triệu chứng hành hạ nhiều tháng sau khi xét nghiệm âm tính với virus, bao gồm khó thở, cơ bắp yếu, tâm thần không ổn…
“Tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp – từ bệnh nhân hoàn toàn không triệu chứng đến những người bị virus quật ngã – mắc COVID kéo dài” – bác sĩ Shivdasani cho biết.
Từ kinh nghiệm lâu năm giúp bệnh nhân tiểu đường, bệnh tim và béo phì, bác sĩ Shivdasani đưa ra 6 lời khuyên về dinh dưỡng và lối sống có thể giúp bệnh nhân COVID-19 chữa dứt các triệu chứng còn sót lại và đẩy nhanh tốc độ hồi phục:
1. Chọn thực phẩm khôn ngoan
Hãy bắt đầu một ngày mới với protein (đạm), đừng chọn carbohydrate (bột, đường…). Đừng sợ dầu mỡ, chế độ ăn có mỡ sẽ giúp bạn không ăn nhiều. Tránh các loại mỡ xấu như dầu hạt, chọn mỡ tốt như dầu oliu, dầu dừa, dầu trái bơ, dầu mù tạt.
Không nên ăn đường – đây là loại thực phẩm gây viêm và ức chế hệ miễn dịch. Tránh cả thực phẩm chế biến.
2. Bảo vệ sức khỏe đường ruột
Giữ đường ruột khỏe mạnh bằng cách nuôi dưỡng hệ vi khuẩn tốt chống lại tác nhân lạ, bao gồm virus gây COVID-19. Ăn chất xơ (như tỏi, dâu, hành tây, táo…) và men vi sinh (như yogurt, kefir, kim chi, củ quả ngâm…) sẽ giúp vi khuẩn tốt sinh sôi.
Hãy dùng các loại rau và trái cây có màu sắc khác nhau trong bữa ăn.
3. Ngủ ngon
Hãy nghe theo nhịp sinh học của bạn, đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày. Cần 6-7 tiếng ngủ ngon mỗi đêm để giữ hệ miễn dịch khỏe mạnh.
4. Hãy vận động
Tập thể dục giúp giảm tình trạng viêm và cải thiện hệ miễn dịch. Hãy đi ra ngoài để hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời.
5. Đừng căng thẳng, lo lắng
Căng thẳng sẽ khiến cơ thể tiết ra các cytokin gây viêm, buộc hệ miễn dịch phải làm việc quá mức. Ngồi thiền và tập thở sẽ giúp giảm nhịp tim, huyết áp và tình trạng viêm, kích thích tiết ra các chất dẫn truyền thần kinh tốt như serotonin, dopamine.
6. Đẩy nhanh hồi phục bằng vitamin bổ sung
Vitamin D chống oxy hóa và kháng viêm tốt, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Thiếu vitamin D sẽ khiến phổi hoạt động không tốt. Vitamin C thì giúp giảm protein CRP – dấu hiệu thường gặp khi cơ thể bị viêm nặng do COVID-19.
Magie – được mệnh danh “thuốc an thần tự nhiên” – có thể giúp ngủ ngon, giảm viêm, giảm lo lắng và ổn định nhịp tim. Trong khi đó, kẽm đóng vai trò quan trọng tạo ra tế bào T cho hệ miễn dịch.
Bác sĩ Shivdasani dặn dò một số điều còn lại: “Hiện chưa có sách vở hay hướng dẫn hồi phục chính thức nào cho bệnh COVID-19 như các bệnh khác. May mắn là thống kê cho thấy số người hồi phục hoàn toàn vẫn nhiều hơn những người bị di chứng.
Tình trạng viêm mãn tính ở những người mắc bệnh nền là nguyên nhân khiến COVID-19 trầm trọng, khắc phục điều này sẽ giúp họ chống chọi bệnh tốt hơn.
Hãy tranh thủ nâng cao sức khỏe và đề kháng của bạn. Chúng ta không thể kiểm soát virus, nhưng chúng ta có thể cải thiện sức khỏe bằng nhiều công cụ sẵn có”.