Các tỉnh thành phía Nam hình thành ‘vành đai chống dịch’ quanh TP.HCM
Các tỉnh thành phía Nam hình thành ‘vành đai chống dịch’ quanh TP.HCM
Chiều 9-7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, đã họp với các địa phương lân cận TP.HCM (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) để triển khai công tác phòng, chống dịch.
Đến nay, tỉnh Đồng Nai, các địa bàn của Bình Dương, Long An tiếp giáp với TP.HCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (chỉ thị 16).
Báo cáo Phó thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết đến thời điểm hiện tại Đồng Nai đã ghi nhận 160 ca mắc. Sau khi TP.HCM giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, Đồng Nai xác định nếu không tận dụng được cơ hội này cùng với TP.HCM, thì sau này tỉnh cũng trở thành nguy cơ. Tận dụng 15 ngày để quyết liệt truy vết, dập dịch trong thời gian sớm nhất.
Đồng Nai kiến nghị Trung ương hỗ trợ máy xét nghiệm; ưu tiên phân bổ thêm vắc xin; đề nghị Bộ Y tế đứng ra mua sinh phẩm cho các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương…
Lãnh đạo Tây Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại tỉnh đã ghi nhận 176 ca COVID-19, trong đó có 17 ca nhiễm trong cộng đồng, cơ bản đã khống chế được các chuỗi lây nhiễm, hiện chưa phát sinh vấn đề gì lớn.
Tỉnh cũng đã phân tích các nguy cơ dịch bệnh để xây dựng các phương án phòng chống dịch chủ động, linh hoạt với các tình huống, đảm bảo chống dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ, thực hiện mục tiêu kép.
Thời gian tới, Tây Ninh sẽ kiểm soát chặt người từ các địa phương ra vào tỉnh, thực hiện khai báo y tế, lịch trình di chuyển, số điện thoại liên hệ…
Đối với công nhân từ các địa phương khác ra vào Tây Ninh làm việc hằng ngày, Tây Ninh đã giao trách nhiệm cho doanh nghiệp trong thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, đồng thời đề nghị các địa phương cùng phối hợp để quản lý hiệu quả…
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đến thời điểm hiện tại Bình Dương đã ghi nhận 1.118 ca trong cộng đồng với 17 ổ dịch. Thời gian qua, tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Y tế và Tổ thông tin đáp ứng nhanh phân tích, dự báo tình hình diễn biến dịch… Trên cơ sở đó, Bình Dương đã tăng cường năng lực cách ly, điều trị, xét nghiệm, chuẩn bị kế hoạch ứng phó tình huống 2.000 ca F0…
Xác định nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn rất cao, Bình Dương kiến nghị hỗ trợ trang thiết bị, nhân lực, gỡ vướng về cơ chế mua sắm máy xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch.
Theo lãnh đạo tỉnh Long An, từ ngày 27-5 tỉnh ghi nhận ca nhiễm đầu tiên đến nay đã có tổng số 412 ca COVID-19 trong cộng đồng, đặc biệt từ ngày 29-6 đến nay ghi nhận 335 ca… qua phân tích các yếu tố dịch tễ, tỉnh đã quyết liệt triển khai các phương án truy vết, khoanh vùng, khống chế các ổ dịch trong bệnh viện, khu/cụm công nghiệp.
Tỉnh đã áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, chỉ thị 16 theo từng địa bàn, đảm bảo giao lưu hàng hóa bình thường, phối hợp với các địa phương, giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý chuyên gia, nhà quản lý, công nhân lao động tại tỉnh…
Tuy nhiên, số lượng người hằng ngày đi qua địa bàn tỉnh rất lớn, Long An có tới hơn 36.000 người làm việc tại TP.HCM. Số công nhân từ TP.HCM làm việc tại tỉnh cũng trên 20.000 người… Thời gian tới, tỉnh nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo, khuyến cáo của trung ương, phối hợp với các địa phương quản lý chặt người lao động qua lại.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng về cơ bản đã hình thành “vành đai chống dịch” xung quanh TP.HCM. Các tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm soát người ra, vào TP.HCM, bảo đảm lưu thông vận chuyển hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc.
Trong 15 ngày tới, các tỉnh cùng với TP.HCM cố gắng tranh thủ thời gian, thực hiện quyết liệt các giải pháp đề ra để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm của dịch bệnh. Trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì vướng mắc thì kịp thời phản ánh để tháo gỡ ngay.
Phó thủ tướng đề nghị đối với những khu vực đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thì phải làm rất nghiêm, tuyệt đối tránh tình trạng ngoài chặt, trong lỏng.
“Khoanh hẹp mà chặt, thì chống dịch vất vả, kinh tế đỡ thiệt hại. Khoanh rộng và chặt thì chống dịch đỡ vất vả nhưng ảnh hưởng đến kinh tế nhiều hơn. Song nếu khoanh mà không chặt thì thiệt hại sẽ rất lớn. Do đó, đã khoanh là khoanh cho chặt. Sau khi đã khoanh vùng, phải điều chỉnh truy vết, xét nghiệm phù hợp…”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, đến tận thôn, xóm, khu phố, tổ dân thậm chí đến từng gia đình. Các địa phương cần có hệ thống nắm bắt, tiếp nhận thông tin sức khỏe của từng người dân, nhất là người già có bệnh nền, người có triệu chứng, cử lực lượng đến xét nghiệm tại nhà. Tuyệt đối không để tình trạng tập trung đông người khi lấy mẫu xét nghiệm hay điểm tiêm vắc xin.
Các cơ sở cách ly tập trung phải bảo đảm chống lây nhiễm chéo nhất là biến chủng mới của virus có tốc độ lây lan rất mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết thêm hiện nay thẩm quyền chỉ định thầu thuộc về các địa phương, cơ sở pháp lý đã cho phép trong điều kiện có dịch. Bộ Y tế đã công khai giá cả sinh phẩm, thiết bị trên Cổng thông tin điện tử của bộ. Đối với những loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh đang khan hiếm, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tham khảo sinh phẩm tương đương trên Cổng thông tin điện tử của bộ.
Đồng Nai được phép chỉ định thầu mua sinh phẩm xét nghiệm COVID-19
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Đồng Nai hiện đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống COVID-19 trên phạm vi toàn tỉnh.
Đây là mức độ cao nhất, nên Đồng Nai được phép chỉ định thầu mua sinh phẩm xét nghiệm để đảm bảo công tác chống dịch.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội phải khoanh chặt và nghiêm để có hiệu quả. Công tác xét nghiệm cần phải linh hoạt, đến tận nhà để lấy mẫu. Cụ thể, gia đình nào có người bệnh sẽ đến tận nơi lấy mẫu và khám nhằm giảm tải việc tập trung tại bệnh viện.
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ hỗ trợ một trung tâm xét nghiệm cho tỉnh để thực hiện chống dịch; sớm phân bổ vắc xin ngừa COVID-19 cho địa phương nhằm giảm tải áp lực về nhu cầu vắc xin từ các doanh nghiệp.
B.AN