Dạy trẻ biết cách tự bảo vệ khỏi sự xâm hại như thế nào?
Xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề nhức nhối mà tất cả các nước phải đối mặt, chứ không riêng gì Việt Nam. Một số chuyên gia, phụ huynh người nước ngoài chia sẻ cách dạy trẻ biết tự bảo vệ mình.
Dạy trẻ biết cách tự bảo vệ khỏi sự xâm hại như thế nào?
Xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề nhức nhối mà tất cả các nước phải đối mặt, chứ không riêng gì Việt Nam. Một số chuyên gia, phụ huynh người nước ngoài chia sẻ cách dạy trẻ biết tự bảo vệ mình.Học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM) tham gia buổi nói chuyện về xâm hại tình dục trẻ em – Ảnh: Như Hùng
Ông CHARLIE OAKES (người Mỹ):
Dạy về quyền cơ thể khi trẻ biết nói
Ảnh hưởng khi bị lạm dụng tình dục là một vết sẹo về tinh thần không bao giờ xóa được với trẻ. Vì vậy người lớn cần nói với trẻ sớm về cách tự bảo vệ mình – tốt nhất là ngay từ khi trẻ biết nói. Trẻ phải hiểu rõ là không ai được phép chạm vào những chỗ kín trên người mình.
Khi trẻ khoảng 6 tuổi, cha mẹ dạy trẻ tin vào trực giác của mình và cách xử lý những tình huống thực tế có thể làm con không thoải mái, như cần làm gì khi đang ở nhà bạn và có người muốn đụng vào con, làm gì nếu có người cho con xem những thứ không hay ho và sau đó muốn cùng con tái hiện những gì đã xem… Tôi nghĩ cảnh báo về những tình huống có thể xảy ra trong đời thực là rất quan trọng và đây là những điều tôi đã dạy con và cháu mình.
Tôi nói với con trai mình khi cháu 2 tuổi và tương tự với các cháu của mình rằng những bộ phận phải che đậy bằng quần áo lót là thuộc về riêng mình, không ai được phép đụng vào đó.
Khi con lớn hơn một chút, tôi luôn nói với con rằng con không bao giờ phải sợ hay có ý nghĩ con không thể kể cho cha/mẹ nghe về một chuyện gì đó.
Trấn an và đảm bảo điều này với con là rất quan trọng để chúng hiểu rằng mình không đơn độc khi có chuyện không hay xảy ra và con sẽ không phải sợ hãi khi kể lại cho cha mẹ, ông bà hay người chăm sóc mình.
Tôi nghĩ quá trình chuẩn bị và khuyến khích trẻ thoải mái kể chuyện với cha mẹ được hình thành và củng cố khi trẻ còn rất nhỏ và suốt quá trình trưởng thành. Trẻ cần biết và dám nói “không” để mình không trở thành nạn nhân.
Ngoài gia đình, nhà trường, giáo viên cũng cần được tập huấn để nhận ra dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị lạm dụng. Khi phát hiện dấu hiệu lạ, trách nhiệm của họ là phải báo ngay với phụ huynh, người giám hộ của trẻ và nhà chức trách có liên quan (ở Mỹ, chúng tôi sẽ báo với cảnh sát). Ở Mỹ, đa số trẻ được học về lạm dụng ở trường, từ khi vào lớp 1.
Ông PORITH POPO (người Pháp):
Người lớn phải bị ràng buộc hành xử đứng đắn
Lạm dụng tình dục trẻ em là điều mà người bình thường nào cũng phẫn nộ và lên án. Đáng tiếc là vẫn có những kẻ bệnh hoạn trong xã hội, thậm chí là người thân thích đã lạm dụng tình dục trẻ em.
Điều tôi băn khoăn là cha mẹ nói chuyện với trẻ là một chuyện, nhưng trẻ có hiểu được và khi thực sự lâm vào hoàn cảnh bị lạm dụng, trẻ có thể tự vệ không lại là chuyện khác. Vì vậy, theo tôi, ngoài việc trang bị tốt nhất có thể cho trẻ trong khả năng và điều kiện của chúng ta về lạm dụng và chống lại lạm dụng, chúng ta cần có những ràng buộc xã hội được công nhận để người lớn không thể tuỳ tiện hành xử với trẻ.
Chẳng hạn, dù yêu quý một đứa trẻ hàng xóm đến cỡ nào, bạn không được phép nói chuyện với trẻ mà không thông báo với cha mẹ chúng, không được mời trẻ vào nhà mình hoặc đi chơi riêng mà cha mẹ trẻ không được biết.
Bạn không thể biện minh rằng hành động của mình chỉ đơn thuần là vì yêu mến trẻ, vì đây là hành động dễ gây hiểu lầm. Khi bạn là giáo viên hoặc người đáng tin cậy của trẻ, bạn không được gặp trẻ ở nơi không có người làm chứng, vào những khoảng thời gian hoặc không gian không thích hợp. Nếu trong sáng, chẳng ai ngại sự có mặt của những người thứ ba. Nếu yêu quý trẻ, chúng ta sẵn sàng hành động vì lợi ích tốt nhất cho trẻ, không phải vì sự thuận tiện cho mình.
Tôi muốn những nguyên tắc ứng xử này phải là một sự đồng thuận xã hội mà người lớn phải tuân thủ để việc lạm dụng trẻ trở nên bất khả thi với những kẻ có ý đồ.
Ngoài ra, nhà nước cần đảm bảo ai vi phạm sẽ không tránh khỏi hậu quả nặng nề và nghiêm khắc. Như vậy, ai dám liều lĩnh thì họ cũng biết trước cái giá phải trả là vô cùng đắt, chứ không phải chỉ là phởn phơ vài năm tù rồi lại được tự do tiếp tục đi hại đời những nạn nhân vô tội khác.
Ông FRÉDÉRIC COUT (người Canada):
Nâng cao nhận thức cho phụ huynh
Ở nước tôi, giáo dục giới tính là bắt buộc và bắt đầu lúc trẻ mới 11 tuổi, tức là khi mới bước vào cấp II, và trước khi trẻ bắt đầu nhận thấy sự thay đổi ở cơ thể mình. Việc cha mẹ có thể làm là dạy cho con mình nói “không” với tất cả những gì chúng không thích và luôn kể cho người thân khi có người khác ép mình làm điều mình không thích. Như vậy, nếu có chuyện xảy ra mới mong đứa trẻ chia sẻ.
Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái không trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục. Nhưng phần đông phụ huynh, đặc biệt là tại các vùng sâu vùng xa và trong các gia đình nghèo khó, phụ huynh lại không có kiến thức. Họ tôn thờ việc cho con cái học văn hóa nhưng lại không mấy quan tâm đến kỹ năng sống. Chính vì vậy mà chính phủ, xã hội cần phải nâng cao ý thức của phụ huynh về vấn đề này.
Nhận ra dấu hiệu khác thường trước khi quá muộn
Theo ông Charlie Oakes, cha mẹ hay người chăm sóc trẻ cần quan tâm, nhận ra những dấu hiệu khác thường của trẻ để bảo vệ trẻ trước khi quá muộn. Bạn có thể sẽ thấy những thay đổi trong hành động hay tâm lý của trẻ và đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị lạm dụng.
Cần lưu ý khi trẻ tránh mọi sự đụng chạm, kể cả với những người họ hàng đáng tin cậy; trẻ có hành động hay biểu hiện sự căng thẳng như cắn/mút ngón tay ở trẻ nhỏ, thay đổi thói quen vệ sinh như không tắm hoặc tắm quá cẩn thận; trẻ có các hành vi tình dục không phù hợp với độ tuổi, mất ngủ hoặc gặp ác mộng; bị bầm hoặc sưng gần bộ phận sinh dục, có máu trên drap giường hoặc quần lót…
Những tín hiệu bằng lời cần lưu ý là trẻ sử dụng những từ quá “người lớn” so với tuổi; trẻ im lặng không có lý do hoặc ít nói hẳn so với bình thường.
Ông L. Dennis Woolbright (người Mỹ):
Dạy con đủ thông tin để biết đúng, sai
Ở phương Tây, chúng tôi thường cảnh báo trẻ con rằng “đừng bao giờ nhận kẹo của người lạ cho”, nhưng những kẻ xâm hại tình dục thường là những người ở vị thế đáng tin đối với bọn trẻ, nên lời khuyên này cũng không mấy có tác dụng.
Vì vậy, điều quan trọng là trẻ con nên được dạy rằng việc một người lớn nào đó và cả người thân thích đụng chạm hay mơn trớn con là điều không đúng và con nên nói với cha mẹ hoặc một người lớn nào đó có trách nhiệm với con.
Con trẻ nên được dạy những điều trên ngay từ khi con bắt đầu hiểu ngôn ngữ. Con càng lớn, người lớn càng nên dạy đi dạy lại các con những điều này. Nhà trường cần phải đề cao cảnh giác và kiểm tra kỹ tất cả những người mà học sinh tiếp xúc, không chỉ là với giáo viên mà là tất cả nhân viên ở trường.
Điều quan trọng nhất là thông tin, con cái của bạn cần được giáo dục đủ thông tin để biết rõ hành vi nào đúng, hành vi nào sai mà nói “không” với cái sai nhằm tự bảo vệ mình.
Ông Bill Harany (người Canada):
Không đổ lỗi, phán xét con
Cha mẹ nên thiết lập được một mối quan hệ tốt với con cái mình, để con có thể nói chuyện với cha mẹ về những vấn đề mà chúng gặp phải. Bởi vì rất nhiều vụ xâm hại xảy ra mà thủ phạm là người quen, nên rất khó để có thể bảo vệ con bạn mọi lúc. Cha mẹ nên chú ý những thay đổi trong hành vi của trẻ và nhẹ nhàng hỏi han con để chặn đứng hành vi xâm hại nếu nó đã xảy ra. Hành động xâm hại con trẻ đã tồi tệ, xâm hại tiếp diễn trong một thời gian dài có thể hủy hoại hoàn toàn một đứa trẻ.
Cha mẹ phải hiểu rằng con trẻ là đối tượng yếu thế nhất trong chuyện này. Hiếm có trường hợp nào mà thủ phạm lại nhỏ hơn nạn nhân nên trẻ con hầu như bất lực khi bị lợi dụng và thao túng. Vậy nên, cha mẹ không nên đổ lỗi cho con, hay phán xét con một khi việc xâm hại được phát hiện.
Ngoài ra, nhà trường nên tổ chức chương trình giáo dục giới tính một cách hiệu quả cho cả học sinh và nhân viên nhà trường. Nhân viên nhà trường, dù là nam hay nữ, cũng đều phải được kiểm tra và giám sát.
NGỌC ĐÔNG ghi