Thực hư chuyện vắc xin AstraZeneca gây từ tính, khiến con người phát sóng bluetooth
Thực hư chuyện vắc xin AstraZeneca gây từ tính, khiến con người phát sóng bluetooth
Giới chuyên gia y tế đã bác bỏ thông tin thất thiệt cho rằng người tiêm vắc xin AstraZeneca sẽ xuất hiện ”từ tính”, xuất hiện sóng Bluetooth hay bị biến đổi ADN và tử vong vì chứng máu đông.
Hồi cuối tháng 5, một bài đăng với thông tin thất thiệt trên nền tảng Naver Blog của Hàn Quốc về tác dụng phụ của vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca đã được chia sẻ tràn lan.
Bài đăng bằng tiếng Hàn viết rằng: “Các thiết bị điện tử nhận ra một người đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 như một thiết bị khác có chức năng Bluetooth. Chúng ghép đôi bạn và hiển thị tên bạn là ‘AstraZeneca’. Bây giờ tất cả đều nghe có lý khi những người được tiêm một liều Covid-19 chết do chứng máu đông hiếm gặp và trở nên nhiễm từ tính. Rõ ràng là vắc xin làm thay đổi ADN của bạn”.
Sau đó, bài viết này đã được chia sẻ lại cùng với một số ảnh chụp màn hình của một video có tiêu đề: “Tác dụng phụ của AstraZeneca Bluetooth” và “Kết nối với Bluetooth để xem điều gì xảy ra phần 2!”. Video ban đầu được đăng trên TikTok vào ngày 4.6 nhưng sau đó đã bị xóa.
Các bài viết tương tự cũng đã được chia sẻ trên Facebook cũng như trên trang mạng xã hội Daum Cafe của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định những thông tin trên hoàn toàn sai sự thật. AFP trước đây đã lật tẩy các bài đăng sai sự thật cho rằng cơ thể người xuất hiện từ tính sau khi được tiêm vắc xin Covid-19. Các chuyên gia cho biết thành phần của các vắc xin Covid-19 hiện nay không hề có nguyên liệu kim loại.
Về việc thiết bị điện tử “bắt sóng Bluetooth” từ người tiêm vắc xin, các chuyên gia nói rằng đây chỉ là trò lừa vì ai cũng có thể dễ dàng thay đổi tên thiết bị Bluetooth.
AFP dẫn lời một phát ngôn viên của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) nói rằng không có thành phần nào trong vắc xin AstraZeneca hoặc bất kỳ vắc xin Covid-19 nào khác có thể biến con người thành Bluetooth hoặc khiến cơ thể người phản ứng với thiết bị kết nối Bluetooth. “Về mặt khoa học, tuyên bố đó là vô căn cứ”, người phát ngôn khẳng định.
|
Về trường hợp cục máu đông, KDCA cho biết khả năng này là cực kỳ hiếm, và nếu được chẩn đoán ở giai đoạn đầu thì bệnh nhân có thể được điều trị và phục hồi.
Chưa có ai ở Hàn Quốc tử vong do chứng máu đông hiếm gặp liên quan đến vắc xin AstraZeneca cho đến ngày 14.6. Cho đến nay, nhà chức trách đã ghi nhận một ca xuất hiện chứng máu đông sau khi tiêm vắc xin nhưng bệnh nhân đó đã được điều trị và hồi phục.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu cho biết chứng máu đông bất thường nên được liệt kê là một tác dụng phụ rất hiếm của vắc xin AstraZeneca, mặc dù cơ quan này đã nhấn mạnh rằng lợi ích của việc tiêm vắc xin là lớn hơn các nguy cơ.
Các chuyên gia y tế cũng cho biết vắc xin Covid-19 không thể thay đổi ADN. “Mặc dù các công nghệ vắc xin Covid-19 đều sử dụng mã di truyền để tạo ra protein gai (protein spike) bên trong cơ thể, nhưng mã này không thể được tích hợp vào ADN trong cơ thể. Vắc xin không chứa công cụ chuyên biệt cần thiết để ‘sao chép’ hoặc ‘chỉnh sửa’ ADN”, theo Dự án Kiến thức về vắc xin thuộc Đại học Oxford (Anh).
Vắc xin AstraZeneca Covid-19 là một trong 3 loại vắc xin ngừa Covid-19 đang được sử dụng tại Hàn Quốc. Tính đến ngày 14.6, nước này đã tiêm hơn 7,9 triệu liều đầu tiên và hơn 711.000 liều thứ hai của vắc xin AstraZeneca.
NGUYỄN LAN HƯƠNG
TNO