26/12/2024

‘Chợ’ tiểu luận vào mùa

‘Chợ’ tiểu luận vào mùa

Có cầu ắt có cung, những ‘chợ’ mua bán tiểu luận nhộn nhịp lên hẳn trong gần một tháng nay.

 

 

 

Chợ tiểu luận vào mùa - Ảnh 1.

Tìm người viết thuê tiểu luận trong một cộng đồng sinh viên trên mạng xã hội và “mức giá” cho từng loại tiểu luận – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Khi các trường ĐH, CĐ chuyển sang dạy học trực tuyến, nhiều học phần đã được đổi hình thức thi, từ việc làm bài trên lớp thành làm tiểu luận tại nhà. Tưởng chừng phương án này tạo cơ hội cho sinh viên tự nghiên cứu những ngày “nhàn rỗi”, không ít bạn lại tìm cách nhờ người làm hộ.

Đủ mọi mặt hàng

“Em cần tìm người làm tiểu luận môn pháp luật đại cương, hạn nộp là tối thứ tư tuần này. Ai làm được nhắn tin em”. Đó là lời rao ngày 7-6 của tài khoản N.H.S. trên một cộng đồng viết tiểu luận thuê. S. là sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đang cần hỗ trợ giải quyết bài được giao về nhà để lấy điểm kết thúc môn học.

Lời rao này nhận được đến 12 lời đề nghị hợp tác từ các “cây viết” thuê. Đa số đều dùng tài khoản ảo, không tiết lộ danh tính. Nếu “cây viết” muốn tìm hiểu kỹ về các yêu cầu bài viết như số chữ, hạn chót gửi bài, và người thuê muốn kỳ kèo giá cả thì hai bên sẽ nhắn tin riêng.

Theo tìm hiểu, “chợ” tiểu luận này có gần 6.000 người tham gia trên Facebook, là một trong những hội nhóm “ảo” lớn về chủ đề này. Trung bình mỗi ngày “chợ” có trên dưới 50 tin rao, những ngày cao điểm có thể lên tới 70-80 tin, 2/3 trong số đó là từ người có nhu cầu thuê viết.

Các môn, ngành học được “rao bán” cũng đa dạng từ triết học, tư tưởng, pháp luật đến kinh tế, ngân hàng… Không chỉ tiểu luận, nhiều khách còn cần người giải các bài tập lớn, viết đề cương, nghiên cứu khoa học. Độ khó dễ không giống nhau, vất vả nhất là những bài viết bằng tiếng Anh.

Sinh viên P., khoa quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), rao nhờ người làm một tiểu luận bằng tiếng Anh gồm hai câu hỏi về lĩnh vực kiểm toán, trong một ngày phải xong. Cũng do đầu bài khó và thời gian ngắn, một số “cây viết” sau khi cân nhắc đã từ chối nhận. Tối cùng ngày, P. một lần nữa “đăng đàn” nhờ người trợ giúp, dù chỉ phụ viết dàn ý thôi cũng được.

Chợ tiểu luận vào mùa - Ảnh 2.

Tìm người viết thuê tiểu luận trong một cộng đồng sinh viên trên mạng xã hội và “mức giá” cho từng loại tiểu luận – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ai đang viết thuê?

Trong vai sinh viên “nước tới chân mới nhảy”, chúng tôi đăng ba bài với ba tài khoản khác nhau tìm người làm giùm một tiểu luận dài 20 trang, chủ đề pháp luật, hạn nộp trong ba ngày. Chưa đến 5 phút sau, mỗi bài đã có bốn người chủ động nhắn tin hỏi thăm. Đến cuối ngày, số lượng người “ứng tuyển” công việc là 20 người.

Một trong những người trao đổi riêng nhiệt tình nhất với chúng tôi là V.A. – sinh viên khoa luật Học viện Ngân hàng. V.A. hỏi rất kỹ về yêu cầu, giới hạn số trang và thời hạn gửi bài. V.A. chốt giá là 250.000 đồng cho tiểu luận và đảm bảo giao đúng thời hạn. “Khi làm xong, mình sẽ chụp ảnh lại cho bạn một phần để xác nhận. Sau đó bạn chuyển khoản rồi mình gửi bản word” – V.A. dặn dò.

Một người nữa cũng rất quan tâm đến đề tài này của tôi là P.T., hiện là sinh viên khoa pháp luật kinh tế Trường ĐH Luật Hà Nội. Lần này chúng tôi đặt vấn đề trường mình đang có áp dụng phần mềm chống đạo văn và muốn bài viết qua được “máy soi” này. T. ra giá nếu có thêm điều kiện này thì sẽ lấy 350.000 đồng/bài thay vì 200.000 đồng/bài.

Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy còn có nhiều thành phần khác, từ những cử nhân mới tốt nghiệp chưa tìm được việc làm, những bạn trẻ học tiếp lên cao học, đến cả những… “bà mẹ bỉm sữa” đang nghỉ thai sản nhưng muốn kiếm thêm thu nhập.

Cũng có những nhóm “hành nghề” tổ chức thành những trang chuyên nghiệp. Chỉ cần gõ cụm từ “viết tiểu luận thuê” trên Google, sẽ nhận được gợi ý rất nhiều trang quảng cáo là “dịch vụ viết thuê uy tín, chất lượng và bảo mật”. Mỗi trang đều có đường dây nóng riêng.

Trên trang luanvan1080.com, giá viết thuê một tiểu luận được niêm yết dao động từ 1 – 3 triệu đồng/bài. Mức giá chi tiết được xác định dựa vào các tiêu chí như: đề tài thuộc ngành nào; trình độ CĐ, ĐH, thạc sĩ hay tiến sĩ; độ phức tạp của đề tài; thời gian nộp bài; số trang tiểu luận và kết quả kỳ vọng…

Không cho làm tiểu luận

Theo một giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, 5 năm trở lại đây, ông đã chủ động không cho học trò làm tiểu luận vì nhiều bất cập. Có ba trường hợp gian dối: một là sinh viên sao chép lẫn nhau, hai là sinh viên “phóng tác” từ một bài đã có, ba là sinh viên nhờ hoặc mướn người làm giùm.

“Trường hợp một và hai có thể được hạn chế bằng việc cho đề chặt chẽ và chấm bài gắt, nhưng lại tốn rất nhiều công sức. Riêng trường hợp thứ ba thì gần như rất khó phát hiện có phải các em ấy làm thật hay không” – vị này nói.

Chính vì thế, ông quyết định “khai tử” hình thức tiểu luận với môn của mình, thay bằng thi tại lớp hoặc thuyết trình, thi vấn đáp. Ông góp ý: “Trong mùa dịch, tôi nghĩ vẫn có thể kiểm soát việc thi cử bằng một số phần mềm trắc nghiệm trực tuyến. Nếu vẫn thích làm tự luận, giảng viên có thể chia lớp thành những nhóm nhỏ để làm bài cùng lúc, yêu cầu các em bật camera để quan sát”.

Tự tạo giá trị cho bản thân

TS Lê Văn Út – trưởng phòng quản lý phát triển khoa học và công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng – cho rằng trung thực trong từng bài tiểu luận, bài thi đồng nghĩa sinh viên đang tự xây dựng giá trị cho bản thân. Giá trị của sự chính trực, học thật, kết quả của việc làm thật này sẽ là vĩnh viễn. Cho dù bạn trẻ làm việc ở môi trường nào thì phẩm chất này cũng sẽ được phát huy và quyết định đến sự thành công lâu dài của bạn.

“Khi mua hàng, chúng ta đều mong muốn mua được sản phẩm thật và chất lượng. Thế thì tại sao lại tự mình làm sản phẩm giả trên chính bản thân của mình? Nhờ viết thuê tiểu luận sẽ dần hình thành một thói quen xấu, từng bước hủy hoại chính mình” – ông Út nói.

TRỌNG NHÂN
TTO