19/11/2024

10 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ

Có những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ và bản thân mỗi người đều có thể tự kiểm soát để phòng bệnh.

 

10 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ

Có những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ và bản thân mỗi người đều có thể tự kiểm soát để phòng bệnh.


 

10  dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ - Ảnh 1.

Tập thể dục giúp cải thiện sức khoẻ – Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gần 800.000 người Mỹ bị đột quỵ hằng năm, trong đó có hơn 100.000 người tử vong, những người còn lại gần như trở thành gánh nặng cho xã hội.

Tại Việt Nam số người đột quỵ mỗi năm một tăng và đang trở nên trẻ hoá.

Những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ mà bản thân mỗi người đều có thể tự kiểm soát:

1. Huyết áp không kiểm soát

Người liên tục bị huyết áp cao, phải dùng thuốc nên có chế độ ăn uống phù hợp và điều chỉnh lối sống như giảm căng thẳng, không hút thuốc.

2. Đường huyết cao

Bỗng nhiên hàm lượng đường trong máu tăng cao, hoặc đái tháo đường không kiểm soát được có thể làm hỏng mạch máu, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

3. Cholesterol cao

Cholesterol cao là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, cần duy trì trong mức cho phép về cholesterol.

Mức tối ưu được coi là dưới 150 mg/dL đối với triglycerid, dưới 100 mg/dL đối với LDL, trên 50 mg/dl đối với HDL và dưới 200 mg/dL đối với cholesterol toàn phần. Chú ý chế độ ăn uống lành mạnh, cần tránh những chất béo bão hòa, ăn nhiều rau củ quả.

4. Dấu hiệu của tim

Nếu cảm thấy khó thở khi đi bộ hoặc thường xuyên bị đau ngực, thì có thể đang đứng ở mức báo động nguy cơ bị đột quỵ hoặc đau tim. Đừng trì hoãn đến bác sĩ chuyên khoa.

5. Uống nhiều rượu

Có thể dùng 1 ly rượu vang mỗi ngày cho phụ nữ và hai ly mỗi ngày cho nam giới là chấp nhận được, nhưng uống nhiều hơn có thể làm tăng huyết áp, chất béo trung tính. Điều đó sẽ góp phần làm xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ đột quỵ.

6. Quá béo phì

Người bị béo phì sẽ có nhiều nguy cơ bị đột quỵ vì cholesterol cao, huyết áp cao và đái tháo đường. Chỉ cần giảm cân tối đa sẽ giảm nguy cơ đột quỵ, nên ăn uống lành mạnh và tập thể dục nhiều hơn.

 

7. Không dùng thuốc đúng liều

Khi đã khám định kỳ và được chỉ định dùng thuốc, người bệnh cần phải tuân thủ. Chăm sóc tốt sức khoẻ bản thân là góp phần giảm nguy cơ đột quỵ.

8. Hút thuốc lá

Hút thuốc là một thói quen khó bỏ. Đây là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất, có thể dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ.

9. Không tập thể dục

Không tập thể dục hoặc tập không đều đặn có thể gây ra rắc rối cho tim mạch. Nhưng bất kể tình trạng sức khoẻ là khoẻ mạnh hay đã bị đột quỵ, vẫn có những bài tập an toàn có thể giúp cải thiện sức khoẻ.

10. Chú ý cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA-Transient ischemic attack)

Đây là thuật ngữ dùng để chỉ những trường hợp giảm hoặc mất chức năng não do thiếu máu cục bộ não nhưng chưa phải là đột quỵ.

Các triệu chứng sẽ biến mất sau một thời gian vì lưu lượng máu được phục hồi trước khi não có những tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý rằng TIA là báo hiệu bệnh nhân có nguy cơ cao sẽ bị tai biến.

Có 4 – 10% số người lên cơn đột quỵ thực sự trong vòng 48 giờ sau khi bị TIA và rất nhiều người khác bị đột quỵ sau 3 tháng.

Do đó, không nên coi thường kể cả sau khi những triệu chứng TIA biến mất. Nguyên nhân chính là do xơ vữa động mạch và bệnh tim gây huyết khối làm chặn đường đi của dòng máu.

Trước đây bệnh chủ yếu xuất hiện ở người lớn tuổi (trên 60 tuổi), nhưng hiện nay các yếu tố nguy cơ ngày càng gia tăng ở những người trẻ nên cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua có thể xuất hiện ở những bệnh nhân khoảng 40 tuổi hoặc trẻ hơn.

 

DS LÊ KIM PHỤNG