Diễn đàn ‘Học thật, thi thật, nhân tài thật’: ‘Thật’ ở đâu trong hệ vừa làm vừa học?
Diễn đàn ‘Học thật, thi thật, nhân tài thật’: ‘Thật’ ở đâu trong hệ vừa làm vừa học?
Là người trong cuộc, tham gia gần như trọn vẹn quy trình đào tạo hệ vừa làm vừa học (VLVH) của một trường đại học ở TP.HCM, tôi khó có thể tìm thấy chữ “thật”, từ tuyển sinh tới đào tạo và cấp bằng…
Người tốt nghiệp đại học dù học hệ nào cũng đều được cấp bằng cử nhân. Nhất là sau khi Luật giáo dục (2018) có hiệu lực, cử nhân hệ VLVH đã được thừa nhận bình đẳng với hệ chính quy, cũng có quyền học tiếp sau đại học để thành thạc sĩ, tiến sĩ. Vấn đề nằm ở hành trình thiếu vắng chữ “thật” để có được tấm bằng cử nhân VLVH.
“Phiên phiến thôi chứ” (?!)
Cách đây mấy năm, tôi làm trưởng môn chấm thi đầu vào hệ VLVH, mà trước đây quen gọi là hệ tại chức, ở một trường đại học của TP.HCM. Sau khi phân công và chia bài cho các cặp chấm, tôi nhận được “bình luận” của một giám khảo vốn là giảng viên một trường đại học khác được mời đến chấm bài: “Bên này làm nghiêm túc nhỉ”.
Tôi đáp: “Thì ở đâu cũng vậy mà, 1 bài thi phải qua 2 vòng chấm”. Vị giảng viên đó bảo: “Không có đâu. Hôm trước mình vừa chấm ở Đại học S, chỉ 1 lượt là xong”. Thấy vẻ mặt mình hơi nghiêm, vị ấy bảo: “Chấm nhanh còn lĩnh tiền rồi về. VLVH thì phiên phiến thôi chứ”?!
Trường tôi là một trường chuyên ngành về khoa học xã hội, thi tuyển đầu vào ba môn: ngữ văn, lịch sử, địa lý. Thí sinh dù đã được ôn tập, mà ôn gì thi nấy nhưng kết quả nhiều bài thi rất tệ. Không ít thí sinh môn lịch sử điểm 0.
Có những bài thi ngữ văn, giám khảo đọc mà ôm bụng cười, ví như “Chí Phèo là chiến sĩ cách mạng, có lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc”. Còn chuyện cả bài tự luận không một dấu chấm câu, không tách đoạn… không phải là hiếm.
Nhưng rồi hầu hết các thí sinh vẫn đỗ vì trường nào cũng cần “nồi cơm” (lời cựu bộ trưởng Bộ GD-ĐT) khi mà hệ chính quy thu không đủ bù chi.
Thuê cả xe ôm vào ngồi ghi danh
Lớp học hệ VLVH trường tôi danh sách thường khoảng 150 học viên nhưng có môn, có buổi chỉ 1/3 có mặt cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Học viên nghỉ bởi đủ lý do: đi làm về muộn, về mệt; con bệnh, bận nhậu, sinh nhật mình hoặc sinh nhật bạn, cũng có khi bỗng nhiên lười…
Chuyện học hộ, điểm danh hộ… không phải chuyện cá biệt của một trường. Nhân viên học hộ sếp, đệ tử học hộ sư huynh, bạn bè học hộ và thậm chí thuê xe ôm vào ngồi ghi danh cũng đã có.
Các lớp VLVH ở thành phố còn đỡ, các lớp liên kết mở ở tỉnh thì thực trạng còn thảm hơn nhiều. Bài học được cắt xén, giờ học đáng lẽ 6 buổi chỉ còn 4 – 5. Nhiều giáo viên đi dạy tỉnh được học viên mời thưởng thức đặc sản địa phương, mà có khi học viên chưa mời thì giáo viên gợi ý.
Dù thái độ và động cơ học khác nhau, nhưng mục đích của tất cả học viên đều là có một tấm bằng cử nhân. Cho nên các kỳ thi là rất quan trọng. Không đạt điểm môn học thì phải đóng tiền học lại, thi lại, rất ngại.
Chính những học viên lười học nhất lại chăm “chạy” nhất. Trước khi thi hết môn và trước khi phải thi lại môn, không khó để gặp cảnh học viên chạy đôn chạy đáo tìm đến nhà thầy cô. Khóa sau hỏi khóa trước, lớp này nhỏ to với lớp kia, biết tính thầy này cô kia, để làm sao cho qua môn học. Trong học viên xì xào chuyện “giá” là có thật.
Trưởng khoa và ban giám hiệu các trường biết hết. Nhưng để xử cũng không dễ. Bởi cần có bằng chứng, mà học viên thì hầu hết không dám tố cáo.
Có trưởng khoa đã dùng biện pháp không cho giảng viên bị tai tiếng dạy hệ tại chức nữa. Có trường tổ chức chấm chéo, người dạy sẽ không được chấm bài của học viên lớp mình. Vậy mà cũng không thể triệt tiêu được hành vi tiêu cực.
Ghi lại một vài mảnh nhỏ của thực trạng giáo dục trên đây để thấy yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với giáo dục “Học thật, thi thật, nhân tài thật” là câu chuyện dài, phải thật sự dũng cảm, quyết tâm và kiên trì từ toàn bộ đội ngũ giáo viên, cùng với học sinh và sự đồng lòng của xã hội thì mới có thể thực hiện được.
Làm thật, sinh viên sẽ né
Cũng có những trường làm đúng luật hoặc mạnh tay quá, nghiêm quá, kiên quyết học thật, thi thật thì người học lại sợ, không dám vào trường đó mà tìm đến những trường dễ dàng hơn, điểm có thể đẹp hơn. Chuyện học viên né trường đào tạo tử tế, nghiêm túc là có thật.