Khi trẻ mầm non học về giới tính
Khi trẻ mầm non học về giới tính
‘Vùng kín có ba vùng đúng hay sai?’; ‘Vùng kín của bạn trai/bạn gái gồm những bộ phận nào?’… Đó là những câu hỏi trong giờ học ‘Bảo vệ vùng kín’ ở lớp mầm 6 Trường mầm non Măng non 1 (Q.10, TP.HCM).
8h một ngày đầu tuần giữa tháng 4, lớp mầm 6 được giáo viên giới thiệu bài học mới có tên “Phân biệt vùng kín trên cơ thể bé” sau khi đã hoàn thành hai tiết học “Nhận biết bạn trai, bạn gái” và “Gọi tên các bộ phận trên cơ thể bạn trai, bạn gái”.
Chơi mà học
Trước khi vào bài học, bốn bạn nam và sáu bạn nữ của lớp được tiếp xúc với Bo và Chíp. Đó là những búp bê mang giới tính nam – nữ thông qua trò chơi “Cơ thể tôi”. Kết thúc trò chơi, giáo viên trò chuyện với các bé về các bộ phận cơ thể có trong trò chơi như tay, chân, mắt, đầu, miệng.
Sau đó, đến những bộ phận khác thì cô Phùng Thị Bích Thảo – giáo viên – gợi ý và đặt câu hỏi: “Trên cơ thể của các con có những vùng luôn được che lại. Vậy đố các con phần thân thể được đồ lót che phủ gọi là gì? Các vùng kín trên cơ thể gồm những vùng nào?”.
Những cánh tay giơ lên. Một em nữ nhanh nhảu trả lời: “Thưa cô, vùng được quần áo, đồ lót che kín gọi là vùng kín. Vùng kín trên cơ thể là vùng ngực, vùng giữa hai đùi, vùng mông”. Các bé 3-4 tuổi ngồi dưới lớp vẫn chưa chịu hạ những cánh tay sau khi bạn đã trả lời đúng câu hỏi.
“Bạn Ngọc đã trả lời đúng rồi. Vùng kín trên cơ thể có ba vùng. Bây giờ các con xác định, khoanh tròn cho cô trên bảng tương tác đó là những vùng nào nhé? Cô sẽ ưu tiên cho những cánh tay mới” – cô Thảo hỏi và chuyển sang hoạt động dạy học tiếp theo.
Từng hình ảnh bạn trai, bạn gái xuất hiện trên màn hình tương tác, học trò tranh nhau lên bảng. Một học sinh nữ lên bảng khoanh vào vùng mông, ngực, giữa hai đùi của hình ảnh bạn gái. Một học sinh nam lên bảng khoanh tương tự trên cơ thể bạn trai…
Kết thúc tiết học, cả lớp quây quần bên cô giáo hát bài “Lời yêu thương” do giáo viên sáng tác, trong đó lời bài hát là từ khóa nội dung trọng tâm của bài học.
Học sinh thích thú
Cô Phùng Thị Bích Thảo – giáo viên chủ nhiệm lớp mầm 6 – chia sẻ để có một tiết dạy này, giáo viên phải soạn giáo án và tìm hiểu cả tuần mới hoàn chỉnh tiết dạy.
“Cái khó nhất khi dạy tiết học giáo dục giới tính là độ tuổi mầm non còn rất nhỏ. Những khái niệm vùng giữa hai đùi rất trừu tượng so với bé, nên bé phải có những giáo cụ trực quan để gợi ý, giúp các con nhớ lâu hơn.
Hay là khi dạy giáo viên không dùng từ thay thế, dùng từ ngữ chuyên môn như “dương vật”, “âm hộ” bé cũng sẽ rất khó nhớ hoặc nhầm lẫn. Điều đó ban đầu khiến giáo viên hơi băn khoăn” – cô Thảo cho biết.
Cũng theo cô Thảo, khi đi vào tiết học các em rất háo hức, thích thú và tương tác mạnh dạn với giáo viên thông qua thiết bị dạy học trong lớp.
Cô nói thêm: “Để có được tiết dạy học này, tôi phải chuẩn bị những kiến thức trước có liên quan cho trẻ. Đi từ tiết 1, 2 đến 3, vùng giữa hai đùi của bạn trai là gì, bạn gái là gì. Trẻ hào hứng, giáo viên cũng thấy thoải mái, thú vị, không hề khô khan như trên lý thuyết”.
Nói thêm về tiết học giáo dục giới tính ở trường mầm non, cô Bùi Cát Thụy – hiệu trưởng Trường mầm non Măng non 1 – chia sẻ: “Trường đã đưa tiết học về giáo dục giới tính từ tháng 10-2020, mỗi lớp sẽ có 20 tiết/năm học.
Chương trình do một viện nghiên cứu khoa học giáo dục xây dựng, trường dựa vào đó mà thiết kế tiết học. Phụ huynh không phải tốn học phí thêm cho tiết học này. Tất nhiên trước đó đã làm việc với phụ huynh. Phụ huynh đồng ý trường mới thực hiện…”.
16/21 quận huyện triển khai
Bà Lương Thị Hồng Điệp – trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết hiện nay đã có 16/21 quận, huyện ở TP triển khai hoạt động dạy học này như một hoạt động hình thành kỹ năng cho trẻ.
“Ba năm trước đã có một số nội dung về giáo dục giới tính bậc mầm non. Sau đó làm thí điểm và đã tổng kết thí điểm. Phụ huynh mầm non mong muốn con mình tự biết bảo vệ mình. Dựa trên chương trình, giáo viên dùng phương pháp đưa vào để phát triển chương trình giáo dục mầm non.
Trước đây, TP.HCM đã triển khai nhưng không đi sâu. Còn bây giờ phương pháp đi sâu vào một số bài tập để phát triển chương trình, để trẻ biết tự bảo vệ mình, phòng chống sự cố, người lạ xâm hại…” – bà Điệp thông tin.
Cũng theo bà Điệp, việc giảng dạy giáo dục giới tính là tùy theo đơn vị, nhu cầu của phụ huynh, hoặc có đơn vị trường tự chủ động kết hợp với viện để xây dựng giờ học giáo dục giới tính. Còn ở cơ sở thì cơ sở kết hợp phụ huynh làm. Sau hè sẽ tổng kết để biết được hiệu ứng từ những bài học.
Nói thật, không giấu giếm
“Dạy giáo dục giới tính sớm cho trẻ là điều vô cùng tốt, cần thiết và quan trọng với cuộc đời trẻ. Đó cũng là thay đổi về cách suy nghĩ, hay cách cưng nựng của người lớn.
Hướng chúng ta tiếp cận biện pháp sử dụng không phải bằng từ thay thế, mà bằng những từ khoa học, nói rất thật, không giấu giếm vì khi lớn trẻ sẽ dễ hình dung” – bà Lương Thị Hồng Điệp, trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, nói.