Ngày sách Việt Nam lần 8: Sách kết nối từ lịch sử đến gia đình hiện đại
Ngày sách Việt Nam lần 8: Sách kết nối từ lịch sử đến gia đình hiện đại
Bên cạnh hội sách trực tuyến quốc gia, hàng loạt chương trình về sách được tổ chức tại TP.HCM từ sáng kiến của các đơn vị làm sách nhằm tạo dấu ấn trong cộng đồng đọc sách và nhân rộng mô hình khuyến đọc…
Lễ khai mạc chương trình Ngày sách Việt Nam lần 8 sẽ diễn ra vào sáng 18-4 tại Đường sách TP.HCM, mở đầu cho chuỗi hoạt động dày đặc đang được bạn đọc chú ý.
Tính kết nối từ trang sách
Chia sẻ với những người trực tiếp làm sách và khuyến đọc, lãnh đạo Cục Xuất bản và ngành sách Việt Nam gợi ý nội dung Ngày sách Việt Nam năm nay “hướng đến việc tạo điều kiện tiếp cận, gắn kết giữa sách và người đọc, trong đó tập trung cho bạn đọc thiếu nhi, học sinh, và gia đình tiếp cận với sách dành cho thanh thiếu nhi của các nhà xuất bản, công ty sách; lan tỏa những thông điệp hay, khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”.
Một tọa đàm có tính thời sự sẽ được diễn ra sau lễ khai mạc tại sân khấu A của Đường sách: Văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số (10h ngày 18-4). Tọa đàm được chính cục trưởng Cục Xuất bản chủ trì, các diễn giả tham gia bao gồm cả những người đại diện hội xuất bản, các nhà xuất bản, và đặc biệt có cả ông Ibadulla Yoldas – phó hiệu trưởng Trường song ngữ Quốc tế Horizon.
Không chỉ nhấn mạnh tính kết nối về chuyển đổi công nghệ, chương trình giao lưu Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh từ bước chân lưu dân đến đô thị thông minh (15h ngày 18-4) thiết kế như một tọa đàm mở sẽ là dịp bạn đọc trao đổi với các diễn giả như: nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, tác giả Phạm Phương Thảo, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Lê Quốc Cường, nhà báo Lê Công Sơn…
Buổi trò chuyện như một dịp chia sẻ những câu chuyện đã được các tác giả ghi nhận về Sài Gòn, từ vùng đất mới chuyển mình theo bước chân những người lưu dân mở đất cho đến ngày nay trước ngưỡng cửa một lần chuyển biến nữa: trở thành đô thị thông minh với các giá trị nhân văn – xã hội phải/nên được bảo đảm như thế nào…
Đây cũng là một kết nối liền mạch từ lịch sử đến hiện tại được nhìn qua trang sách và chắc chắn sẽ còn nhiều tranh sách đề cập đến vấn đề này.
Nhiều cuộc trình diễn dành cho sách
Câu chuyện khuyến đọc sẽ đi vào thực chất ở không gian gia đình. Chính vì vậy, Ngày sách Việt Nam năm nay dành không gian cho những kết nối giữa trang sách và gia đình. Tọa đàm Tủ sách hay dành cho con trong gia đình – Tại sao không? (9h ngày 21-4) là một diễn đàn cần thiết, bạn đọc là phụ huynh hoặc chính các em tuổi học đường cũng được khuyến khích tham gia.
Chia sẻ với ý tưởng mỗi gia đình nên xây dựng tủ sách chất lượng, hấp dẫn dành cho con là các diễn giả: ông Lê Hoàng – phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, PGS.TS Hoàng Thị Tuyết – giám đốc Trung tâm Hướng Dương Việt, ông Phạm Uyên Nguyên – giám đốc điều hành Công ty Quỹ CCAM, bà Nguyễn Thị Kim Nhung – nguyên UVBCH Hội Thư viện Việt Nam.
Trong thực tế, ý tưởng xây dựng tủ sách gia đình này đang được Hội Xuất bản Việt Nam phía Nam giới thiệu đến bạn đọc, thông qua các nhà xuất bản, công ty sách.
Ở phương diện kết nối với cộng đồng quốc tế để phát triển trong kỷ nguyên mới, tọa đàm Cuốn sách và Tôi (9h ngày 20-4) hứa hẹn sẽ là cuộc trao đổi thú vị giữa GS Phan Văn Trường – người tâm huyết với các vấn đề của doanh nghiệp, khởi nghiệp và phát triển; tác giả Nguyễn Phi Vân sẽ từ những quyển sách của mình như Nhượng quyền, Quảy gánh băng đồng ra thế giới trình bày về các cơ hội của giới trẻ ngày nay có thể “nâng mình lên” để sánh bằng bạn bè từ các quốc gia phát triển khác thông qua cửa ngõ là các trang sách…
Dịp này, một triển lãm có tính chất đề khởi của chủ đề trên cũng được thực hiện tại Đường sách: Tủ sách hay dành cho con trong gia đình – Tại sao không? (từ ngày 17 đến 22-4). Cùng đó là loạt các trưng bày về sách cũng được tổ chức: tủ sách giới thiệu Thành phố Hồ Chí Minh hội nhập và phát triển; Trưng bày sách dành cho học sinh tiểu học theo chủ đề môn học và từng cấp lớp (theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT); Trưng bày sách tranh truyện Lịch sử Việt Nam bằng tranh…