Manh mối sự sống trong các đám mây của sao Kim
Manh mối sự sống trong các đám mây của sao Kim
Cuộc phân tích mới về dữ liệu được thu thập trong sứ mệnh Pioneer năm 1978 của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện chứng cứ cho thấy dường như có sự sống trong khí quyển sao Kim.
Sao Kim là hành tinh nóng nhất của hệ mặt trời, với nhiệt độ bề mặt trung bình khoảng 462°C, đủ nóng để làm tan chảy kim loại chì, còn khí quyển chứa toàn C02.
Cuối năm 2020, các nhà khoa học nghiên cứu khí quyển sao Kim đã công bố thông tin đầy bất ngờ và gây tranh cãi: Phát hiện manh mối của phosphine, một dạng khí dễ cháy mà trên Trái đất thường xuất hiện trong quá trình phân rã chất hữu cơ.
Nhà khoa học Jane Greaves của Đại học Cardiff (xứ Wales) và đồng sự lúc đó đã đặt câu hỏi: liệu phosphine là dấu vết cho thấy có những dạng vi sinh vật đang cư ngụ trong khí quyển sao Kim?
Có lẽ thế, theo các nhà khoa học khác, nhưng bản thân phosphine không thể là chứng cứ của sự sống. Đến tháng 3 năm nay, báo cáo của chuyên gia Rakesh Mogul thuộc Đại học Bách khoa bang California ở Pomona (Mỹ) đã ủng hộ phát hiện ban đầu về phosphine và thậm chí còn đi xa hơn nữa.
Theo đó, nhóm chuyên gia Mỹ cho rằng phải có “những dạng hóa chất có liên quan sinh học” trong khí quyển sao Kim và dường như ở trạng thái bất ổn: một dấu hiệu khác của sự sống, theo báo cáo đăng trên Geophysical Research Letters.
Trên Trái đất, những dạng hóa chất đó là chỉ dấu của sự sống, nhưng vẫn chưa rõ sự liên hệ này có tái diễn trong điều kiện ở sao Kim hay không.
Cuộc nghiên cứu mới của Đại học Bách khoa bang California ở Pomona cho thấy NASA cần phải lên kế hoạch cho một sứ mệnh quay lại sao Kim để thu thập dữ liệu cần thiết trước khi đưa ra kết luận chính xác hơn.
HẠO NHIÊN
TNO