Những sai phạm tại dự án Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM
Dự án Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM được đánh giá là bệnh viện nhi hiện đại nhất Đông Nam Á.
Những sai phạm tại dự án Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM
Dự án Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM được đánh giá là bệnh viện nhi hiện đại nhất Đông Nam Á.Bệnh viện Nhi đồng TP bị nhiều khiếu nại ngay từ khi mời thầu ẢNH: DUY TÍNH
Nhưng từ khi mới bán hồ sơ mời thầu đến khi đấu thầu, thi công, hoàn thiện đã liên tục bị khiếu nại lên các cấp về những sai phạm trong hồ sơ mời thầu, đấu thầu, lập cấu hình trang thiết bị…
Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có kết luận thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng bệnh viện (BV) này.
Sai phạm tư vấn thẩm định giá trang thiết bị y tế
Theo kết luận của TTCP, Công ty cổ phần tư vấn và thẩm định giá Đông Nam Á (gọi tắt là Công ty Đông Nam Á) được chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế TP.HCM (Ban QLDA) chỉ định thầu tư vấn thẩm định giá trang thiết bị y tế (TTBYT). Công ty Đông Nam Á thực hiện 3 đợt phát hành chứng thư thẩm định giá và bàn giao cho Ban QLDA vào các ngày 12.4.2016, 20.5.2016 và 19.8.2017. Việc thực hiện hợp đồng bị chậm so với yêu cầu hợp đồng là 2 năm 9 tháng.
Theo TTCP, trên cơ sở cấu hình TTBYT do Ban QLDA cung cấp, Công ty Đông Nam Á tiến hành thẩm định giá sử dụng phương pháp so sánh giá trực tiếp dựa trên báo giá của các đơn vị kinh doanh TTBYT.
Kết quả thanh tra cho thấy các công ty chưa cung cấp đầy đủ giấy uỷ quyền bán hàng của nhà sản xuất. Công ty Đông Nam Á đã sử dụng các báo giá TTBYT, trong đó có một số cùng cấu hình, model, xuất xứ… để làm cơ sở so sánh và xác định “giá trị thị trường” của hàng hóa là không đáp ứng yêu cầu về một giao dịch khách quan, độc lập, đầy đủ thông tin. Công ty chưa cung cấp đầy đủ tài liệu chứng minh thông tin thu thập đảm bảo khách quan đúng theo thực tế các giao dịch tài sản và dựa trên bằng chứng cụ thể để chứng minh về mức giá của tài sản đã giao dịch thành công trên thị trường theo tiêu chuẩn thẩm định giá VN số 08… Việc thẩm định giá của Công ty Đông Nam Á nêu trên dẫn đến giá trị thẩm định giá chưa sát với giá thị trường, là một trong những nguyên nhân dẫn đến gói thầu TTBYT cao hơn giá nhập khẩu.
Theo TTCP, căn cứ vào ý kiến thẩm định cấu hình, tính năng kỹ thuật TTBYT của Bộ Y tế; chứng thư thẩm định giá của Công ty Đông Nam Á, Sở Y tế trình UBND TP phê duyệt cấu hình, tính năng kỹ thuật, dự toán TTBYT, dẫn đến giá trị thẩm định giá chưa sát với giá thị trường. Điều này cho thấy công tác quản lý dự án chưa chặt chẽ, là một trong những nguyên nhân dẫn đến gói thầu TTBYT cao so với giá trị nhập khẩu của thiết bị.
Sai phạm về tư vấn, đánh giá hồ sơ mời thầu…
Theo kết luận thanh tra, Ban QLDA ký hợp đồng với liên danh trung tâm hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu và Công ty liên doanh TNHH tư vấn y tế Mediconsult VN (gọi tắt là liên danh) để tổ chức đấu thầu rộng rãi trước một số gói thầu không phân chia phần. Sau đó Ban QLDA có quyết định phê duyệt chỉ định thầu và ký hợp đồng với liên danh thực hiện công tác lập hồ sơ mời thầu (HSMT) và đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).
Theo kết luận của TTCP, liên danh đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà thầu là Công ty Đông Nam Á của gói thầu tư vấn thẩm định TTBYT đã không phát hiện được năng lực kinh nghiệm, năng lực kinh nghiệm thẩm định viên về giá không đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định hồ sơ yêu cầu, đã đánh giá nhà thầu đạt điều kiện về năng lực kinh nghiệm.
Với dự án BV thì TTBYT rất quan trọng nên nhiều lần UBND TP chỉ đạo phải mua thiết bị có xuất xứ từ nhóm các nước G7. Thế nhưng, nhiều tiêu chuẩn G7 (Pháp, Ý, Đức, Nhật, Anh, Mỹ và Canada), CE (châu Âu), FDA (Mỹ)… đã bị loại ra ngoài HSMT mà theo TTCP, việc lập, phê duyệt, yêu cầu kỹ thuật tại HSMT cấu hình chi tiết của trang thiết bị (TTB) có một số tiêu chuẩn quản lý chất lượng y tế như CE, FDA, ISO 13485… chưa được nêu tại yêu cầu kỹ thuật của một số danh mục TTB, không có thuyết minh. Đây là lý do dẫn đến qua đấu thầu nhiều đơn vị cung cấp hàng hóa, sản xuất tại Trung Quốc, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, VN và một một số nước… trúng thầu, tỷ lệ 32,06%.
Mặt khác, HSMT quy định tính chất hợp đồng tương tự là “hợp đồng cung cấp và lắp đặt thiết bị y tế” chung cho cả gói thầu mà không quy định hợp đồng tương tự riêng từng phần theo đặc tính kỹ thuật và tính năng sử dụng, dẫn đến khả năng chọn nhà thầu chưa có kinh nghiệm và có thể dẫn đến chậm tiến độ. Một số tiêu chí về tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật còn mang tính tương đối, đánh giá chưa phù hợp.
Có 266/361 (chiếm 74%) hàng hóa nhập khẩu trong HSDT không có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất (chỉ có giấy ủy quyền của nhà phân phối), nhưng tổ chuyên gia không xem xét vấn đề này trong báo cáo đánh giá HSDT, chưa đúng với yêu cầu của HSMT. Đặc biệt, có 19/24 gói thầu có danh sách nhân sự tham gia không đáp ứng yêu cầu HSMT, nhân sự tham gia gói thầu không phải là nhân sự của nhà thầu.
Việc sai phạm của Công ty Đông Nam Á còn có sự “góp sức” của Trung tâm tư vấn đấu thầu và hỗ trợ đầu tư thuộc Sở KH-ĐT TP – đơn vị được chỉ định thầu tư vấn thẩm định HSMT của Ban QLDA. Theo TTCP, khi thẩm định kết quả chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn thẩm định giá TTBYT, Trung tâm đã không phát hiện được Công ty Đông Nam Á có năng lực kinh nghiệm, năng lực kinh nghiệm thẩm định viên về giá không đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định của hồ sơ yêu cầu, đã thẩm định và đề nghị Công ty Đông Nam Á trúng thầu…
Yêu cầu xử lý trách nhiệm
Về trách nhiệm trong xây dựng công trình, đấu thầu, mua sắm TTBYT theo TTCP là thuộc về Bộ Y tế, UBND TP, Sở Y tế, Ban QLDA, các nhà thầu tư vấn, thiết kế, thi công, cung cấp TTBYT. TTCP đề nghị các đơn vị liên quan (Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, UBND TP, Sở Y tế TP, Ban QLDA…) kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, tập thể, cá nhân theo kết luận.
Về xử lý khác, đối với thiết bị UPS (bộ lưu điện dự phòng) có hiệu suất online thấp hơn 96%, TTCP yêu cầu Ban QLDA phối hợp nhà thầu thay thế bằng thiết bị chính hãng từ các nước trong khối G7 theo đúng chỉ đạo của UBND TP. Bộ Tài chính có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với Công ty Đông Nam Á.
Ngày 16.1.2014, Thủ tướng có Quyết định số 125 về phê duyệt đề án đầu tư xây mới 5 BV, viện T.Ư và tuyến cuối đặt tại TP.HCM (Đề án 125). Ngày 24.11.2014, UBND TP có Quyết định 5802 về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng BV Nhi đồng TP với 8 tầng nổi và 1 tầng hầm, chủ đầu tư được giao cho Ban QLDA. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 4.476 tỉ đồng (chi phí xây dựng trên 1.878 tỉ đồng, TTB trên 1.738 tỉ đồng và còn lại các chi phí khác). BV Nhi đồng TP được khởi công vào ngày 6.12.2014 và khánh thành vào ngày 1.6.2018, trễ 1,5 năm so với dự kiến tiến độ ký kết.
|
DUY TÍNH