27/01/2025

Nhà ven đường, vô vàn hiểm nguy

Nhiều người nước ngoài từng trải nghiệm giao thông ở Việt Nam góp tiếng nói để giảm thiểu tai nạn giao thông do nhà ôm đường, đặc biệt là vụ hi hữu xe bồn chở xăng lao vào nhà dân ở quốc lộ 13, tỉnh Bình Phước.

 

Nhà ven đường, vô vàn hiểm nguy

Nhiều người nước ngoài từng trải nghiệm giao thông ở Việt Nam góp tiếng nói để giảm thiểu tai nạn giao thông do nhà ôm đường, đặc biệt là vụ hi hữu xe bồn chở xăng lao vào nhà dân ở quốc lộ 13, tỉnh Bình Phước.


 

Nhà ven đường, vô vàn hiểm nguy - Ảnh 1.

Hiện trường vụ xe bồn chở xăng tông vào nhà dân ở quốc lộ 13, huyện Chơn Thành, Bình Phước làm 6 người chết – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khi lái xe từ TP.HCM đến Bến Tre, tôi thấy rất nhiều cửa hàng và nhà dân ngay sát quốc lộ. Tôi luôn lo sợ mình gây nguy hiểm cho người khác, đặc biệt khi người dân đi bộ hay qua đường ngay giữa quốc lộ. Nguy hiểm nhất là việc cho trẻ em đi qua lại, chơi thể thao, chơi đùa trước cửa nhà ngay sát quốc lộ. 

Ông JOE EDWARDS (người Anh)

 

Ông Herby Neubacher (người Đức): Sao lại được xây nhà sát quốc lộ?

duc
 

Bất cứ ai từng đi trên các quốc lộ ở Việt Nam đều nhận ra nhà cửa nằm gần đường cỡ nào, trong khi những con đường đó không lúc nào ngớt xe. Có những nơi nhà cửa được xây sát xa lộ đến nỗi người dân sống trong các căn nhà đó không có không gian để đi bộ.

Chắc chắn đây là một nguy cơ tiềm ẩn mà ai cũng thấy được. Vụ tài xế xe bồn chở xăng gây tai nạn khiến sáu người đang ngủ trong nhà ở quốc lộ 13 bị chết cháy thật ra là những cái chết được báo trước. 

Hãy tưởng tượng cảnh những đứa trẻ sống trong những căn nhà ven quốc lộ chơi đùa bên cạnh các chiếc xe tải, xe khách lao đi với tốc độ cao nhất thì chuyện gì sẽ xảy ra? Mỗi khi nhìn thấy những cảnh đó, tôi tự hỏi tại sao người ta lại được phép xây nhà gần luồng giao thông nguy hiểm như vậy?

Tìm hiểu qua báo chí tôi được biết Việt Nam có quy định không ai được phép xây nhà trong phạm vi hành lang an toàn giao thông. Và cơ quan chức năng cho rằng những căn nhà xây sát quốc lộ là xây trái phép do địa phương quản lý xây dựng lỏng lẻo. 

Theo tôi, để không xảy ra những vụ tai nạn gây chết người thương tâm, cơ quan chức năng phải giám sát chặt hành lang an toàn giao thông để hai bên quốc lộ chỉ là ruộng đồng hay rừng cây mà thôi.

Ở Đức, các quy định về xây dựng rất nghiêm ngặt. Bạn không được xây nhà ở bất kỳ chỗ nào gần xa lộ. Một số xa lộ được xây xung quanh và cách xa làng, thành phố để đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời không gây cản trở giao thông tại địa phương và khu dân cư.

* Ông Mikael (người Thuỵ Điển):

Có thể bắt đầu với đường mới mở

mikael
 

Tôi bắt đầu đi lại giữa quê nhà và Việt Nam trong 14 năm qua và sống thường xuyên ở TP.HCM trong ba năm rưỡi gần đây.

Nhìn chung, tôi thấy nhà cửa ở Việt Nam đa số rất gần đường cái dù vẫn có những con đường cao tốc chẳng có bóng nhà cửa như cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Ở đất nước tôi, nhà không nằm sát đường như vậy và thường có một khoảng trống an toàn giữa nhà với đường.

Có lẽ Thuỵ Điển và các nước châu Âu khác phát triển hơn so với Việt Nam nên vấn đề an toàn được chú ý cẩn thận, bài bản hơn khi quy hoạch đô thị. 

Tôi nghĩ sẽ rất khó khăn và phức tạp cho Việt Nam nếu muốn học hỏi theo cách làm của các nước tiên tiến với những con đường đã xây xong vì việc di dời người dân sống sát đường là không đơn giản. May ra, chính quyền có thể đảm bảo hành lang an toàn với những con đường mới mở.

Tuy nhiên, một số điều có thể làm được như: (1) có các quy định chặt chẽ, rõ ràng về tốc độ cho phép trên mỗi đoạn đường và loại đường. (2) Đảm bảo chất lượng các con đường, không có ổ gà ổ voi, không ngập nước, đường xuống cấp cần được sửa chữa. (3) Giáo dục chuyên môn và chuẩn mực nghiệp vụ cho người tài xế.

Nội dung thứ ba, tôi nghĩ quan trọng hơn cả hai ý đầu. Việt Nam cần có các biện pháp tốt hơn để đảm bảo người lái xe, nhất là những loại xe như xe tải, xe buýt vừa có chuyên môn vừa có ý thức đạo đức nghề nghiệp cao.

Ở nước tôi, theo luật, các công ty vận tải muốn thuê tài xế phải tập huấn, giáo dục tài xế về quy tắc nghề nghiệp. Dù phần lớn mọi người đều có bằng lái xe, nhưng người lái các loại xe chuyên dụng hoặc chở nhiều người cần một bằng lái khác nữa như là cách chứng minh tay nghề của họ.

* Ông Roger Baddeley (người Úc):

Ngăn chặn các vi phạm về xây dựng

roge
 

Nhà ở và cửa hàng kinh doanh được xây dựng quá sát các con đường, kể cả đường lớn là một trong những vấn đề đáng quan tâm ở Việt Nam. Hiện nay dân số Việt Nam vào khoảng 95 triệu người trên một diện tích không lớn hơn New Zealand là mấy. Trong khi đó, dân số New Zealand chỉ khoảng 4,5 triệu người.

Quy hoạch ở các nước phát triển thường đảm bảo các khu dân cư có khoảng cách an toàn với các con đường lớn. Việc quy định khoảng cách an toàn trước hết là vì an toàn giao thông, an toàn cho khu dân cư và để tránh tiếng ồn do xe cộ, tránh ô nhiễm từ xăng dầu và bụi bặm cho người dân. 

Các nước như Úc, New Zealand, Canada và Mỹ có diện tích rất lớn và điều này cho phép họ quy hoạch tốt hơn, tính toán cả mức tăng dân số và phát triển hạ tầng trong tương lai.

Những vụ tai nạn như ở Bình Phước luôn có thể xảy ra trong điều kiện nhà cửa xây cất vi phạm hành lang an toàn giao thông. Vì vậy các ngôi nhà phải đáp ứng quy định về xây dựng và được giám sát bởi cơ quan chức năng địa phương để ngăn chặn các vi phạm về xây dựng. Vụ cháy xe bồn chở xăng ở Bình Phước, các nhà có cửa sau để thoát hiểm đều không có người chết. Vì vậy phải lưu ý người dân cửa thoát hiểm là chi tiết quan trọng của mọi công trình.

* Ông CHRISTOPHER DENIS-DELACOUR (người Pháp):

Di dời nhà dân ở sát đường lớn

christopherdenisdelacou
 

Ở Pháp, phần lớn tai nạn giao thông trên đường lớn đều chỉ gây nguy hiểm cho người lái xe và những người ngồi trên xe do không có nhà dân ở hai bên đường lớn. 

Quốc lộ ở Pháp được chính phủ kiểm soát rất chặt chẽ và thu phí giao thông rất cao.

Ở Việt Nam, phần lớn người dân chọn sống sát đường lớn có lẽ do điều kiện kinh tế không được tốt. 

Vì vậy chính phủ nên chủ động di dời những người này, vì nếu không làm như vậy thì các khu dân cư khác sẽ tiếp tục mọc lên sát đường lớn, gây nguy hiểm cho người dân ở ngay bên đường và cả người tham gia giao thông.

Nên chở nhiên liệu bằng đường sắt, đường thuỷ

Theo ông Herby Neubacher, việc vận chuyển xăng dầu ở Đức được thực hiện với sự cảnh giác cao nhất. Tuy vậy, tại Đức từng xảy ra vụ tai nạn là một xe tải chở xăng dầu chạy tốc độ cao lao thẳng vào một ngôi nhà lúc ban đêm và thiêu rụi nó.

Sau vụ đó, xe tải chở xăng dầu đã không còn được phép chạy qua khu dân cư vào ban đêm nữa, thay vào đó hầu hết nhiên liệu được vận chuyển bằng đường sắt. Xe tải cũng được thiết kế an toàn hơn để trong trường hợp xảy ra va chạm sẽ chịu được và nhiên liệu không chảy ra ngoài dù xe có bị lật.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo an toàn tuyệt đối cả. Tốt hơn là vận chuyển nhiên liệu bằng phương tiện khác như đường sắt, đường thuỷ, đặc biệt là không vận chuyển nhiên liệu dọc theo khu dân cư.

Luật giao thông phải được tuân thủ tuyệt đối

Ông Roger Baddeley nhìn nhận: “Dẫu có nhiều nỗ lực của chính quyền và những tiêu chuẩn an toàn đặt ra, nhà nước cũng không thể bảo vệ người dân mọi lúc. Trong vụ tai nạn ở Bình Phước, người lái xe bồn đã chạy 96km/h trên đoạn đường quy định chạy 60km/h.

Do đó, luật giao thông phải được áp dụng và tuyệt đối tuân thủ; thường xuyên tập huấn và đánh giá tài xế; tuần tra, thanh tra giám sát người tham gia giao thông và phạt những người vi phạm là các yếu tố liên quan trong trường hợp này”.

Ngoài ra, theo ông Roger Baddeley, cần xây thêm những tuyến đường tránh để xe cộ không phải đi qua các khu dân cư đông đúc. Xe chở những vật liệu nguy hiểm như xăng dầu cần có ký hiệu hay màu sắc nổi bật, rõ ràng trên thân xe…

 

N.ĐÔNG – H.VÂN – H.MI GHI