24/11/2024

Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ hỗ trợ phụ nữ Pakistan

Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ hỗ trợ phụ nữ Pakistan

Trẻ em Pakistan

Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (Acs) và Uỷ ban Công lý và Hoà bình Công giáo Pakistan (CCJP) đã khởi động một loạt dự án, như một phần của chiến dịch bảo vệ trẻ vị thành niên và thiếu nữ thuộc các tôn giáo thiểu số, đặc biệt các Kitô hữu.

Sáng kiến nhằm cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các nạn nhân, thảo luận với các nhà lãnh đạo thể chế – chính trị ở các cấp khác nhau và nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, Cha Emmanuel Yousaf, Giám đốc Uỷ ban Công lý và Hoà bình Công giáo Pakistan, giải thích: “Tại Uỷ ban, chúng tôi đang thu thập tài liệu và theo dõi các trường hợp bắt cóc, kết hôn và cưỡng bức cải đạo đã xảy ra đối với các bé gái thuộc các Giáo hội Kitô và đạo Hindu. Uỷ ban tin rằng, để bắt đầu và có sự thay đổi hữu hiệu, cần phải có sự dấn thân ở cấp quốc gia và quốc tế, để nhà nước thực hiện những hành động phù hợp và đúng pháp luật về vấn đề này.”

Pakistan không có luật pháp thích đáng và các biện pháp an ninh bảo vệ trẻ vị thành niên và phụ nữ thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số. Ngoài ra, các luật như Luật Cấm tảo hôn, có hiệu lực ở Sindh từ năm 2014 nhằm ngăn chặn các cuộc hôn nhân của các thiếu nữ bị bắt cóc, đã không ngăn được việc toà án ủng hộ những kẻ bắt cóc, như đã xảy ra trong trường hợp của Huma Younus, bị bắt cóc khi cô mới 14 tuổi. Các thẩm phán đã quyết định dựa trên phán quyết của Toà Tối cao về các cuộc hôn nhân giữa những người Hồi giáo, phán quyết rằng cuộc hôn nhân này là hợp lệ.

Theo Phong trào Liên đới và Hoà bình của Pakistan, hàng năm có khoảng 1.000 trẻ nữ và thiếu nữ thuộc các Giáo hội Kitô và đạo Hindu ở độ tuổi từ 12 đến 25 bị bắt cóc. Nhưng thực tế do không có khiếu nại và vụ việc thường liên quan đến lực lượng cảnh sát, nên con số các vụ bắt cóc có thể cao hơn.

Ông Alessandro Monteduro, Giám đốc Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ ở Ý, cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt từ vụ bắt cóc Huma Younus Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ đã theo dõi tình hình tại Pakistan để tìm cách hỗ trợ pháp lý cho các nạn nhân. Ông nói: “Để hoạt động được hiệu quả hơn, chúng tôi đã quyết định hợp tác với Uỷ ban Công lý và Hoà bình Công giáo của Pakistan, hy vọng rằng thảm kịch này sẽ được quốc tế nhận biết và các nạn nhân được bảo vệ đầy đủ.” (CSR_1969_2021)

Ngọc Yến