Phản vệ do vắc xin có đáng sợ không?
Phản vệ do vắc xin có đáng sợ không?
Phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với vắc xin. Hầu hết đều ở mức độ nhẹ, một số ít ở mức độ vừa, rất hiếm có phản ứng ở mức độ nặng (hội chứng sốc nhiễm độc, phản ứng phản vệ).
Theo Bộ Y tế, phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút, đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên (yếu tố lạ khi tiếp xúc có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể, như: thức ăn, thuốc/vắc xin và các yếu tố khác), gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể diễn biến rất nhanh chóng trong vài phút, nhưng cũng có thể xuất hiện muộn, sau khi có biểu hiện dị ứng ban đầu chỉ là sổ mũi, ngạt mũi, khàn tiếng.
Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do tình trạng đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản, có thể gây tử vong chỉ trong vòng một vài phút.
Nhận biết dị ứng phản vệ
Có thể nghĩ đến phản vệ khi một người sau khi tiếp xúc dị nguyên, xuất hiện ít nhất một trong các triệu chứng sau: nổi mề đay, phù mạch nhanh; khó thở, tức ngực, thở rít; đau bụng hoặc nôn; tụt huyết áp hoặc ngất; rối loạn ý thức.
Tuy nhiên, phản vệ cần được chẩn đoán phân biệt với các trường hợp sốc (sốc tim, sốc nhiễm khuẩn); tai biến mạch máu não; các nguyên nhân đường hô hấp (cơn hen phế quản, khó thở thanh quản do dị vật, viêm); các bệnh lý ở da (mề đay, phù mạch)…
Theo Bộ Y tế, từ ngày 8 – 16.3, 15.865 người đã được tiêm vắc xin Covid-19 tại 12 tỉnh, thành phố; ghi nhận 14 ca phản ứng nặng cần xử trí tại cơ sở y tế, trong đó, 8 ca phản ứng phản vệ (7 ca phản vệ độ 2 và 1 ca phản vệ độ 3). Các ca phản vệ đều được xử trí kịp thời, hiện có sức khỏe ổn định. Riêng trường hợp phản vệ độ 3, xuất hiện 8 giờ sau tiêm, với dấu hiệu ban đầu sốt, rét run, co quắp, tê bì tay, hiện sức khỏe đã ổn định.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chẩn đoán xử trí phản vệ:
Mức nhẹ (độ 1), phản vệ chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như: mề đay, ngứa, phù mạch.
Mức nặng (độ 2), có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan: mề đay, phù mạch xuất hiện nhanh; khó thở, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, tiêu chảy; huyết áp có thể tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
Mức nguy kịch (độ 3), biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn, trong đó có biểu hiện ở đường thở (tiếng rít thanh quản, phù thanh quản); thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở; rối loạn ý thức (vật vã, hôn mê, co giật); về tuần hoàn (sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp).
Mức độ 4 với biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.
Xử trí khẩn cấp
Hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chẩn đoán xử trí phản vệ cũng khuyến cáo: “Mức độ phản vệ có thể nặng lên rất nhanh và không theo tuần tự”. Do đó, phản vệ thực sự là phản ứng dị ứng cần được xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ.
Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu để cứu sống người bệnh bị phản vệ, phải được tiêm bắp ngay khi chẩn đoán phản vệ từ độ 2 trở lên.
Người bị phản vệ cần ngừng ngay tiếp xúc với thuốc hoặc dị nguyên (nếu có); cần được tiêm hoặc truyền adrenalin (theo phác đồ, liều phù hợp); người bệnh nằm tại chỗ, đầu thấp, nghiêng trái nếu có nôn; thở ô xy; ép tim ngoài lồng ngực và bóp bóng (nếu ngừng hô hấp, tuần hoàn)… Nhân viên y tế cần nhanh chóng hội ý với các đồng nghiệp, tập trung xử lý, hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, hồi sức và/hoặc chuyên khoa dị ứng (nếu có). Tại các điểm tiêm chủng đều được trang bị hộp chống sốc và nhân viên y tế được tập huấn về xử trí các ca phản ứng sau tiêm.
LIÊN CHÂU
TNO